Gỡ khó dạy - học trực tuyến ở vùng dân tộc thiểu số

Sau đợt nghỉ chống dịch Covid-19 hồi đầu năm, ngành GD-ĐT Điện Biên đã nỗ lực triển khai dạy - học trực tuyến với mong muốn tất cả học sinh 'nghỉ học nhưng không ngừng học'. Nhiều kết quả đã đạt được sau đợt học này. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, để áp dụng rộng rãi tại vùng khó còn nhiều điều cần bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy - học trực tuyến chỉ có thể áp dụng được ở những vùng kinh tế phát triển. Ảnh: INT

Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy - học trực tuyến chỉ có thể áp dụng được ở những vùng kinh tế phát triển. Ảnh: INT

Vùng khó khó tiếp cận

Mường Ảng, huyện nghèo thuộc diện 30a có 36 trường, 510 lớp với 13.778 học sinh theo học. 90% học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng bởi đa số các hộ dân đều sống xa trung tâm, rải rác ở các lưng đồi, sườn núi, có nơi điện lưới còn chưa vươn tới nên việc kết nối, trao đổi thông tin giữa giáo viên với học sinh thực sự khó khăn.

Nhớ lại thời điểm giãn cách xã hội, ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng chia sẻ: “Chúng tôi không thể triển khai cho các em học trực tuyến được vì là đa số học sinh là con em gia đình khó khăn. Nhà nghèo, không có máy vi tính, ipad hay điện thoại thông minh. Ở nhiều bản, Internet chưa có, mạng di động chập chờn. Bố mẹ các em có điều kiện một chút thì dùng điện thoại “đen trắng” (điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi) để liên lạc. Như vậy nếu áp dụng học trực tuyến rộng rãi, chúng tôi thực sự khó khăn”.

Cũng giống như Mường Ảng, huyện Tủa Chùa từng được ví như “Hà Giang” của Điện Biên. Địa phương này có hơn 12 nghìn học sinh theo học tiểu học và Trung học Cơ sở (THCS). Huyện Tủa Chùa chỉ có 3/12 xã, thị trấn có thể tiếp cận với sóng truyền hình địa phương (thị trấn, xã Mường Báng và xã Sính Phình). Số còn lại hầu như không thể tiếp cận với truyền hình và Internet.

“Với địa bàn vùng dân tộc như chúng tôi, việc triển khai dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh là cả một vấn đề. Chúng tôi có hơn 12 nghìn học sinh tiểu học và THCS song qua rà soát chỉ có 15 - 20% trò có khả năng tiếp cận với hình thức học mới này”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tủa Chùa thông tin.

Cần hướng dẫn cụ thể

Sau thời gian cho giáo viên triển khai dạy học trực tuyến, thầy Phạm Hồng Phong - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) nhận thấy một số vấn đề cần phải thực hiện nếu mô hình dạy học trực tuyến được áp dụng. Trước hết, đó là việc tổ chức tập huấn rộng rãi cho giáo viên; đồng thời cần có chế tài và tiêu chí cụ thể.

“Tôi nghĩ nếu triển khai dạy - học trực tuyến rộng khắp, giáo viên cần phải được tập huấn kỹ lưỡng hơn. Trước giờ, giáo viên chủ yếu tự mày mò, tìm hiểu và áp dụng vào quá trình giảng dạy. Do vậy, nếu chúng ta không có chế tài cụ thể, giáo viên không làm chiếu lệ thì chúng ta sẽ xử lý thế nào? Chúng ta dựa vào những tiêu chí nào để đánh giá bài giảng của giáo viên?”, thầy giáo Phạm Hồng Phong chia sẻ.

“Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có đến 90 - 95% học sinh học trực tuyến hiệu quả. Đa số học sinh nhà trường là con em gia đình có điều kiện. Các em được gia đình trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến. Bản thân các em lại hiếu học, có đam mê, hoài bão và khát vọng rõ ràng. Vì thế các em tự ý thức được việc học. Đó là thuận lợi đối với chúng tôi. Thế nhưng có phải nơi nào cũng được như vậy!”, thầy Phạm Hồng Phong chia sẻ thêm.

Qua khảo sát, một số giáo viên cho biết rất cần có một hệ thống dạy - học trực tuyến chuyên nghiệp, đạt chuẩn và thống nhất toàn quốc. “Qua đợt dạy - học trực tuyến vừa qua, tôi nhận thấy việc dạy học trên truyền hình, phần mềm Zoom chỉ có thể áp dụng để trao đổi về một vấn đề cụ thể nào đó chứ sử dụng để dạy và học thì không ổn. Bởi, quá trình học tín hiệu đường truyền không ổn định; phần mềm không chính thống nên có lúc các hacker họ vẫn chèn vào những clip, hình ảnh đồi trụy, gây phản cảm, ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh”, một giáo viên cho hay.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/go-kho-day-hoc-truc-tuyen-o-vung-dan-toc-thieu-so-6lnEKdHGR.html