Gỡ khó đầu ra lúa gạo

Vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019 của Hậu Giang đang gặp nhiều khó khăn. Đó là đầu ra sản phẩm còn hạn chế, các hợp đồng xuất khẩu gạo chưa nhiều nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua.

Các hợp đồng xuất khẩu gạo chưa nhiều nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua. Ảnh minh họa: TTTXVN

Các hợp đồng xuất khẩu gạo chưa nhiều nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua. Ảnh minh họa: TTTXVN

Ngày 20/2, tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân về tình hình bao tiêu lúa gạo vụ Đông Xuân 2018 – 2019, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang mong muốn các bên cùng chia sẻ khó khăn để tháo gỡ cho lúa gạo trong tình hình hiện nay.

Theo đó, các doanh nghiệp cần cố gắng thực hiện hợp đồng đã ký kết bao tiêu, tránh tình trạng “bỏ cọc”, hạ giá thu mua thấp quá mức; đồng thời quan tâm, hỗ trợ thu mua diện tích ngoài bao tiêu của đơn vị trên địa bàn Hậu Giang. Các hợp tác xã cố gắng đàm phán thành viên bán lúa theo mức giá thị trường nhưng đảm bảo có thu nhập, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp không thể thực hiện giá mua theo bao tiêu.

Chính quyền địa phương các cấp nắm bắt thực tế việc thực hiện thu mua lúa, thực hiện hợp đồng bao tiêu tại địa bàn, nếu cần thiết sẵn sàng đứng ra làm trung gian tháo gỡ khó khăn, không thống nhất được trong thực hiện bao tiêu giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục nắm chắc tình hình thu hoạch, thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh để có báo cáo kịp thời, từ đó có giải pháp tháo gỡ hoặc kiến nghị, đề xuất Trung ương những vấn đề trong tiêu thụ lúa gạo vượt tầm của tỉnh.

Theo ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019 của Hậu Giang đang gặp nhiều khó khăn. Đó là đầu ra sản phẩm còn hạn chế, các hợp đồng xuất khẩu gạo chưa nhiều nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua.

Hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa đa dạng, phần lớn mới chỉ dừng lại ở liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa tổ chức của nông dân với doanh nghiệp. Chưa có sự tham gia liên kết giữa của các chủ thể quan trọng khác như nhà khoa học, ngân hàng để tạo giá trị gia tăng trong chuổi sản phẩm, từ đó ảnh hưởng quá trình nhân rộng mô hình liên kết, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Các doanh nghiệp hiện nay chưa đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân; chưa đủ năng lực để tổ chức hệ thống thu mua nên hình thức thu mua nông sản chủ yếu vẫn là qua trung gian, thương lái.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát Hậu Giang, cho biết đến nay công ty đã ký hợp đồng bao tiêu lúa Đông Xuân 2018 – 2019 được 4 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang với giá thị trường. Công ty mong muốn được mở rộng ký kết bao tiêu nhiều hơn, tuy nhiên nguồn vốn của công ty có hạn, đồng thời tính pháp lý và ràng buộc hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã chưa được chắc chắn lắm nên công ty chưa triển khai bao tiêu được nhiều.

Đến nay, tại Hậu Giang, vụ lúa Đông Xuân 2018 – 2019 đã có trên 30 doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với diện tích hơn 23.000 ha trong tổng diện tích xuống giống hơn 78.000 ha. Theo kế hoạch trong 1 đến 2 tuần tới nhiều diện tích lúa Đông Xuân của Hậu Giang sẽ được thu hoạch rộ./.

Phạm Duy Khương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/go-kho-dau-ra-lua-gao/113494.html