Gỡ khó cho thị trường lao động, việc làm: Trách nhiệm không của riêng ai

Thị trường lao động, việc làm ở Hà Nội đang chịu những tác động của dịch Covid-19, khiến một số người tạm thời bị mất việc hoặc thiếu việc làm. Để gỡ khó cho thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay cần nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ, nên trách nhiệm này không của riêng ai, mà phải có sự chủ động tham gia của các bên liên quan.

Giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giai đoạn diễn ra dịch Covid-19. Ảnh: Minh Ngọc

Nhóm lao động phổ thông có nguy cơ thiếu việc làm

Anh Trần Tuấn Khang, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cho biết: “Tôi và hơn 100 người lao động khác vừa mất việc làm tại một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử, ở Khu công nghiệp Quang Minh. Điều này khiến cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng”.

Tình trạng người lao động bị mất việc hoặc thiếu việc làm thể hiện rõ hơn tại các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215 Trung Kính, quận Cầu Giấy) để giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp vào ngày 11-3 vừa qua, chị Nguyễn Thị Hồng Yến, trú tại cụm 5, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi đang làm việc ở một khách sạn, nhưng vì tác động của dịch Covid-19 nên phải nghỉ việc. Trong thời gian chờ đợi cơ hội việc làm mới, tôi nộp hồ sơ xin hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, để phần nào giúp gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), từ đầu năm 2020 đến nay, trung tâm mới tiếp nhận thông tin của gần 700 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động, với hơn 7.000 vị trí tuyển dụng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên. Riêng tháng 2-2020, toàn thành phố có hơn 4.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so với tháng 2-2019 và tăng hơn 41,82% so với tháng 1-2020.

“Thị trường lao động Hà Nội đang chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Những ngành, nghề chịu tác động nhiều nhất là du lịch, dịch vụ, nhà hàng - khách sạn, vận tải, may mặc… Người lao động bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm tập trung ở nhóm lao động thời vụ, lao động phổ thông, trình độ chuyên môn, tay nghề thấp”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.

Nhận định thêm về tình hình lao động, việc làm hiện nay, ông Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cho hay, trong thời điểm khó khăn bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp dệt, may buộc phải cho người lao động nghỉ việc trong thời gian tới. Hệ quả là đời sống của người lao động gặp khó khăn, còn doanh nghiệp có thể đối mặt tình trạng thiếu lao động khi hết dịch hoặc khi hoạt động trở lại.

Tuy không có con số thống kê chính xác, song theo ghi nhận thực tế, không ít người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động), nhóm lao động làm nghề tự do cũng bị mất hoặc thiếu việc làm ở thời điểm này.

Cùng vượt khó

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu về những vị trí việc làm còn trống cũng như thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời, khai thác nhu cầu tìm việc của những người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đối tượng lao động tự do. Dựa trên thông tin thu thập được, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động đồng bộ trên hệ thống sàn giao dịch việc làm. Hình thức kết nối cung - cầu lao động được các sàn giao dịch việc làm thực hiện trực tuyến, diễn ra hằng ngày. “Đây chỉ là những giải pháp tình thế. Để bình ổn thị trường lao động, các bên liên quan cần có giải pháp khả thi hơn”, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường, quản lý Công ty TNHH Dịch vụ An Tâm (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, thiên tai, dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Do đó, người lao động không may bị mất việc làm ở thời điểm này có thể chuyển sang làm những công việc khác, như giúp việc gia đình, giao hàng, bán hàng theo ca, bán hàng trực tuyến... Những người không bị sa thải, nhưng chỉ được hưởng một phần tiền lương nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó.

Từ kinh nghiệm thực tế, chị Trương Thị Hải, công nhân xuất sắc của Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) nhắn nhủ: “Vị trí công việc tốt sẽ đến với những người biết làm chủ máy móc, công nghệ. Vì vậy, người lao động cần chủ động học tập, rèn luyện để bổ sung kiến thức, kỹ năng, chuẩn bị cho việc tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn”.

Đại diện cho tiếng nói của người lao động, bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động bị mất việc làm do tác động của dịch Covid-19…

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bàn hướng khắc phục khó khăn cho thị trường lao động, việc làm. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đang tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu sử dụng lao động của mạng lưới doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các cơ quan đề xuất và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả kết nối cung - cầu về lao động, việc làm, bảo đảm cho doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ lao động thất nghiệp.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/961140/go-kho-cho-thi-truong-lao-dong-viec-lam-trach-nhiem-khong-cua-rieng-ai