Gỡ khó cho sản xuất mía đường trong nước: Kết nối nhà máy với doanh nghiệp

Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có những chia sẻ với phóng viên về những khó khăn nội tại của ngành mía đường, đồng thời nêu những giải pháp thúc đẩy ngành phát triển trong thời gian tới.

Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Niên vụ mía đường 2017-2018 sắp kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng đây là vụ mía “đắng” bởi nông dân hầu hết thua lỗ, các nhà máy hoạt động bết bát. Theo góc nhìn của ông vụ mía đường năm nay có gì bất thường?

- Vụ mía đường năm nay có 37 nhà máy đi vào hoạt động, tổng lượng mía ép khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường hơn 13,3 triệu tấn. Năm nay đúng là có điều không bình thường so với năm ngoái, đó là năm ngoái mặc dù đường tiêu thụ chậm nhưng giá tạm ổn, còn năm nay bên cạnh tiêu thụ chậm, giá đường cũng xuống thấp, nhiều nhà máy bán dưới giá thành, giá đường bán ra ngang với giá đường nhập lậu. Chính vì vậy nhà máy không có tiền trả cho nông dân trồng mía.

Do giá cả xuống thấp nên cả nhà máy và nông dân đều rơi vào tình cảnh khó khăn, nhà máy mắc nợ nông dân, nợ ngân hàng, nông dân cũng mắc nợ, không có tiền để chuẩn bị cho vụ mía mới. Một số nơi xuất hiện tình trạng nông dân tập trung đến nhà máy vì không được trả tiền. Nhiều nhà máy cam kết trả hết nợ cho nông dân trong tháng 7 này.

Niên vụ mía đường 2017-2018 sắp kết thúc, nhiều ý kiến cho rằng đây là vụ mía đường “đắng ngắt”. Ảnh: T.L

Ông có thể lý giải vì sao năm nay giá mía lại giảm sâu và tiến độ tiêu thụ đường chậm như thế?

- Giá giảm sâu do lượng đường tồn kho từ năm ngoái còn nhiều chuyển sang năm nay. Thứ hai, giá đường thế giới và trong khu vực cũng xuống thấp. Theo đánh giá của ngành đường thế giới, giá đường năm nay thấp nhất trong 15 năm qua. Thứ ba, một số cơ sở chế biến công nghiệp đã chuyển qua sử dụng đường lỏng, tuy không nhiều nhưng có tác động đến tiêu thụ đường trong nước.

Thứ 4, các nhà máy cơ sở kinh doanh đường lớn hoạt động cầm chừng, tiêu thụ chậm vì trông chờ vào việc chấp thuận của Chính phủ lùi thời gian thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Nhà nước cần khuyến khích nông dân thực hiện cơ giới hóa đồng bộ bằng các chính sách cụ thể về đất đai để tạo nên những cánh đồng lớn, giúp nông dân hình thành các trang trại, gia trại, tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác. Hợp tác xã chính là cánh tay nối dài giữa DN và hộ nông dân để thực hiện các dịch vụ trong việc trồng mía với nhà máy”.

Ông Phạm Quốc Doanh

Bên cạnh đó, một nguyên nhân tác động trực tiếp làm đường Việt Nam khó tiêu thụ là do đường nhập lậu. Những năm trước, đường nhập lậu còn hoạt động lén lút, tuy nhiên năm nay hoạt động công khai, họ công khai vận chuyển lậu bằng các xe tải lớn, bán nguyên bao nguyên mác của Thái Lan, bán với giá rẻ 11.000 đồng/kg.

Theo thống kê của VSSA, có khoảng 400.000 tấn đường lậu Thái Lan vào Việt Nam. Cũng có nguồn tin từ phía Thái Lan cho rằng đường Thái Lan nhập sang việt Nam cả triệu tấn mỗi năm. Chính bởi vậy, vừa qua VSSA đã cùng tổ công tác 334 Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra mặt hàng đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc ở các địa phương. Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, hoạt động nhập lậu đường đã được hạn chế rất nhiều.

Năm nay lượng đường tồn kho vẫn còn lớn, tiêu thụ chậm, khó nhất là giá xuống thấp. Nếu kéo dài, nông dân sẽ bỏ mía, đó là điều không mong muốn.

Trước những khó khăn đó, VSSA đã có những kế hoạch hành động gì nhằm cải thiện tình hình, thưa ông?

- Có rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên chúng tôi đang tập trung vào 2 hoạt động. Thứ nhất, kết nối các nhà máy sản xuất đường với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống để các doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ đường trong nước.

Cụ thể ngày 11.4 vừa qua, VSSA và Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nâng cao năng lực ngành mía đường. Coca-Cola cam kết với ngành mía đường sẽ tiêu thụ đường trong nước để chế biến.

Tới đây các hoạt động kết nối cung cầu như thế này sẽ được đẩy mạnh. Chúng tôi xem đây là một trong những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ đường trong nước. Đã có một vài đơn vị hình thành mối liên kết tốt hơn, đó là họ tham gia mua cổ phần của nhà máy đường, hợp tác tiêu thụ đường để làm nguyên liệu đầu vào. Ví dụ như Vinamilk mua 65% cổ phần vốn của Nhà máy đường Cam Ranh, hay như TH True Milk mua cổ phần của Nhà máy đường Nasu. Đây là hình thức liên kết rất bền vững đôi bên cùng có lợi. VSSA sẵn sàng hỗ trợ chắp nối để các doanh nghiệp công chế biến thực phẩm và các nhà máy sản xuất đường để tiêu thụ đường trong nước.

Việc thứ hai mà VSSA tập trung làm đó là tổ chức gặp mặt đối thoại với các nhà buôn đường lớn trong nước để trao đổi và tìm giải pháp khuyến khích tạo điều kiện để buôn bán tiêu thụ đường trong nước.

Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/go-kho-cho-san-xuat-mia-duong-trong-nuoc-ket-noi-nha-mayvoi-doanh-nghiep-886508.html