Gỡ khó cho sản phẩm OCOP chủ lực ở Ba Chẽ

Thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã có nhiều bước tiến trong việc phát triển sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, định hướng cấp quốc gia với ba kích và trà hoa vàng. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn đang được tập trung quan tâm tháo gỡ.

Năm 2018, Ba Chẽ xây dựng kế hoạch, lựa chọn ba kích và trà hoa vàng gồm các dạng sản phẩm như: Trà hoa vàng khô và trà hoa vàng túi lọc; ba kích tím khô và rượu ba kích... làm sản phẩm chủ lực. Đây cũng là nhóm sản phẩm tập trung phát triển, xếp hạng từ 3- 5 sao, được đánh giá cao trên thị trường.

Mô hình trồng ba kích nguyên liệu tại các xã của huyện Ba Chẽ được các đoàn tham quan học tập, đánh giá cao.

Mô hình trồng ba kích nguyên liệu tại các xã của huyện Ba Chẽ được các đoàn tham quan học tập, đánh giá cao.

Ngoài những ưu thế là dược liệu quý có giá trị y học kinh tế, nhu cầu thị trường cao, được quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực, các sản phẩm chủ lực này vẫn còn gặp không ít khó khăn như vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ, quy mô về tác dụng hoạt chất cho tới đặc tính sinh trưởng, sâu bệnh…Vì thế, gây khó cho việc phát triển vùng nguyên liệu; diện tích, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, rải rác; sản lượng thấp, không đồng đều, không ổn định, còn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên (nhất là đối với cây ba kích) và khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ.

Một trong những vấn đề quan trọng tác động tới chất lượng và sự đa dạng của sản phẩm chính là ứng dụng KHCN và xây dựng chuỗi sản xuất còn rất hạn chế; chưa có quy trình chuẩn về nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nên năng suất cây trồng chưa cao, sản phẩm không đồng đều.

Mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) còn lỏng lẻo, không rõ ràng, chưa có sự kết nối thực sự dẫn đến sản xuất, tiêu thụ còn bấp bênh, rủi ro, giá trị thấp. Vì thế, sản phẩm tuy giá trị nhưng chế biến còn thô sơ, đơn điệu, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chưa tạo giá trị gia tăng cao...

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là nhóm sản phẩm đặc trưng, được xếp hạng cao, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn các sản phẩm OCOP chủ lực. Huyện đang tập trung các nguồn lực, đưa ra các kế hoạch, giải pháp cụ thể; xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ chế biến; các dự án ưu tiên... nhằm phát huy, nâng tầm nhóm sản phẩm này.

Theo đó, để xây dựng phát triển các sản phẩm chủ lực, phát triển bền vững, huyện Ba Chẽ đã từng bước quan tâm, đầu tư giải quyết các vấn đề. Trước hết là đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu. Huyện đã xây dựng quy hoạch chung, phát triển vùng nguyên liệu ở cả 8/8 xã, thị trấn, đặt mục tiêu đạt 360ha ba kích tím, 500ha trà hoa vàng tới hết năm 2020.

Trong đó, tập trung rà soát hoàn thành một số công trình, công nghệ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu như: Quy hoạch Trung tâm sản xuất giống và chế biến tập trung cây trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh, Khu sản xuất ba kích tím tập trung và Khu sơ chế sản phẩm sau thu hoạch tại Thanh Lâm, trồng tập trung ba kích mật độ cao 60.000 cây/ha theo công nghệ ni lông che phủ đất, làm giàn, tưới chủ động tại Thanh Lâm…

Đáng chú ý là Ba Chẽ còn xây dựng các doanh nghiệp hạt nhân gồm: Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh, HTX Toàn Dân, HTX Kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ; phát triển ít nhất 7 HTX sản xuất trà hoa vàng, ba kích cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp... Cùng với đó, phát triển mô hình liên kết 5 nhà: “Nhà nước- Nhà đầu tư - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà băng (bank - ngân hàng)”, xác định rõ được vai trò từng nhà trong mô hình và trong chuỗi, trong đó nhấn mạnh vai trò "đầu tàu”, động cơ liên kết của doanh nghiệp.

Đồng thời, huyện cũng ưu tiên đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao KHCN, hợp tác với các viện nghiên cứu để chuyển giao KHCN mới, tiên tiến trong sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... để nhân rộng về sau. Trong đó, đặc biệt là triển khai Dự án nghiên cứu KHCN quy trình sản xuất (trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại), chế biến đối với cây trà hoa vàng.

Sản phẩm trà hoa vàng xuất hiện ở các hội chợ OCOP và các điểm tiêu thụ uy tín được khách hàng tin cậy, đánh giá cao.

Đối với chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm, huyện ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ chế biến tinh, sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GHP, GMP, HACCP, ISO). Cùng với đó, kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm OCOP chủ lực.

Trong đó, trọng tâm là các máy nghiền dược liệu, máy sấy, hệ thống chiết xuất, nấu cao... Qua đó, đa dạng và đổi mới các sản phẩm trong chuỗi theo phân khúc, nhu cầu thị trường như ba kích tím (chế biến, sấy khô; rượu, cao ba kích); trà hoa vàng (khô, trà túi lọc từ lá, trà túi lọc từ hoa, lá khô)... Ngoài ra, các giải pháp về phát triển thị trường gắn với tiêu thụ theo trọng tâm, tổ chức giới thiệu sản phẩm ở các kênh hiệu quả, uy tín; nâng cao kiến thức cho chủ doanh nghiệp, trình độ KHCN, tay nghề cho cán bộ kỹ thuật, người lao động cũng được chú trọng.

Huyện còn đưa ra các dự án ưu tiên thực hiện nhằm góp phần phát huy thế mạnh của nhóm sản phẩm chủ lực. Đây là nhóm 7 dự án trong đó ưu tiên về phát triển mô mình, ứng dụng KHCN trong sản xuất chế biến trà hoa vàng theo tiêu chuẩn cao, tiêu biểu như: Nghiên cứu khoa học công nghệ quy trình sản xuất (trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại), chế biến đối với cây trà hoa vàng; mô hình mẫu của một đơn vị sản xuất, chế biến (ba kích, trà hoa vàng) về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO, GMP, GHP; mô hình điểm về thực hành nông nghiệp tốt (VIETGAP) định hướng sản xuất hữu cơ trong sản xuất ba kích, trà hoa vàng.

Tạ Quân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202005/go-kho-cho-san-pham-ocop-chu-luc-o-ba-che-2484828/