Gỡ khó cho quả nhãn thời đại dịch Covid-19

Các hình thức kết nối giao thương trực tuyến cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, trong đó có quả nhãn sẽ được đẩy mạnh trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh Covid-19.

Ngày 13/8, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh Hưng Yên, tỉnh Sơn La cùng một số cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020.

Trên 70 nhà nhập khẩu kết nối trực tuyến tiêu thụ nhãn

Hội nghị nhằm hỗ trợ các nhà vườn, HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm về quả nhãn của Việt Nam tăng cường tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn ra thị trường quốc tế trên môi trường trực tuyến, trong điều kiện các địa phương trồng nhãn và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn xúc tiến thương mại với nước ngoài vì dịch Covid-19.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì hội nghị trực tuyến. Ảnh: Tùng Đinh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (trái) và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì hội nghị trực tuyến. Ảnh: Tùng Đinh

Hội nghị có sự tham dự của trên 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam (Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc), tham gia giao dịch trực tuyến với trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.

Trong số này, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhãn lớn nhất của Việt Nam với sự tham gia của trên 40 thương nhân, nhà nhập khẩu đến từ hai tỉnh giáp giới với Việt Nam là Vân Nam, Quảng Tây, và các tỉnh, thành khác là Thượng Hải, Chiết Giang và Trùng Khánh... Là hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc, Sơn La và Hưng Yên đã có số lượng nhà vườn, doanh nghiệp tham gia đông đảo nhất trong số các doanh nghiệp nhãn Việt Nam góp mặt tại hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Đây là hội nghị rất quan trọng và có ý nghĩa nhằm hỗ trợ các địa phương và bà con nông dân chủ động tiêu thị nông sản nói chung, đặc biệt là sản phẩm nhãn niên vụ 2020, một vụ rất được mùa, trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Sơn La và Hưng Yên hiện có tổng diện tích nhãn chiếm khoảng 30% toàn quốc. Sản phẩm nhãn Sơn La đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Nhãn lồng Hưng Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”…

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nhãn, định hướng sản xuất an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Sơn La và Hưng Yên đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), duy trì các chuỗi sản xuất quả an toàn, ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP; ….

Tăng cường kết nối giao thương trực tuyến

Những năm qua, Bộ NN-PTNT đã tích cực đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường xuất khẩu trái cây ra thế giới. Trái cây Việt Nam đã được phép xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao về kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT đã tích cực chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương hoàn tất thủ tục mở cửa cho trái vải tươi niên vụ 2020 của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản thành công.

Năm 2020 là niên vụ nhãn được mùa lớn, nhưng việc tiêu thụ nhãn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Bền

Hiện nay, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của Việt Nam với trên 70% giá trị xuất khẩu trái cây hàng năm. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch 09 loại trái cây từ Việt Nam.

Đối với quả nhãn, ngoài thị trường Trung Quốc, nhãn của Việt Nam cũng đã được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Úc. Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đàm phán để mở cửa thị trường cho nhãn và nhiều loại trái cây xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng khác.

Sơn La hiện đã được cấp 92 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu, trong đó 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc; 58 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hưng Yên được cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Hoa Kỳ và 16 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc.

Để đẩy mạnh việc sản xuất bền vững cũng như tiêu thụ nhãn trong niên vụ 2020 cũng như những năm tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh có vùng trồng nhãn tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả hệ thống tổ chức sản xuất nhãn theo chuỗi giá trị. Tiếp tục hướng dẫn người trồng nhãn các kỹ thuật rải vụ, thu hoạch, bảo quản để đảm bảo nhãn có chất lượng cao.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT để triển khai việc cấp mã số vùng trồng; đẩy mạnh việc thực hiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối, các siêu thị và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản lớn của Hà Nội, TP. HCM cũng như các tỉnh thành trong cả nước. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài, đặc biệt là doanh nhân Trung Quốc đến thăm quan, khảo sát và ký kết hợp đồng chính thức với các HTX, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh.

Các tỉnh có đường biên với Trung Quốc, cần ưu tiên giải quyết thủ tục thông quan cho mặt hàng nhãn xuất khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn. Thường xuyên trao đổi với các cơ quan chuyên môn và bộ phận thương vụ của các nước để kịp thời cập nhật thông tin thị trường, chính sách biên mậu, hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu nói chung và nhãn nói riêng.

Song song đó, tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín, tâm huyết trong và ngoài nước triển khai các dự án, nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các vùng trồng nhãn tập trung cần đẩy mạnh rải vụ, tiếp tục triển khai việc cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Bền

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: Trái nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, khẳng định được thương hiệu “trái cây Việt” và hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác.

Thời gian qua, Bộ Công Thương tích cực phối hợp cùng các bộ, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, các ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế cùng các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường.

Trong đó, đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa nông sản Việt Nam vào những hệ thống phân phối đa dạng cả trong nước và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn.

Qua hội nghị này, ông Đỗ Thắng Hải hy vọng các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ có điều kiện thuận lợi tham gia giao thương trực tuyến với nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh sản phẩm nhãn của Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đến từ các vùng trồng nhãn chủ lực nổi tiếng của Việt Nam như tỉnh Hưng Yên và tỉnh Sơn La...

Thứ trưởng Công thương cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương áp dụng các mô hình trồng nhãn chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, chế biến nhãn nghiên cứu - áp dụng công nghệ bảo quản, duy trì chất lượng phẩm cấp và quả nhãn được lâu hơn, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm nhãn như: nhãn tươi đóng hộp, nhãn khô, các loại đồ uống nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng của người tiêu dùng nước ngoài.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này, có thể nói chúng ta đã có một vụ sản xuất thành công về cây nhãn về sản lượng cũng như đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ cho xuất khẩu.

Trong đó, một số vùng trồng trọng điểm như Hưng Yên đạt sản lượng khoảng 45 nghìn tấn, Sơn La khoảng 75 nghìn tấn, đều cao hơn năm 2019. Đây cũng là các vùng trồng có các diện tích nhãn chất lượng cao, được sản xuất theo các tiêu chuẩn về GAP, đáp ứng được các yêu cầu sản phẩm để xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc và các thị trường bậc cao khác.

Đẩy mạnh tiêu thụ nhãn nội địa là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Ảnh: LB.

Nhãn là sản phẩm đặc sản, thể hiện nền nông nghiệp đặc hữu của nước ta. Nhãn cũng là cây trồng hiện đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích lớn so với các loại cây ăn quả hiện nay. Đây không chỉ là sản phẩm có lợi thế của Việt Nam, mà còn có lợi thế so sánh, bởi chất lượng, mẫu mã có tính đặc thù cao hơn hẳn so với các nước sản xuất nhãn trên thế giới và khu vực, kể cả Thái Lan.

Đối với các mặt hàng nông sản khác nói chung (trong đó có nhãn), trong bối cảnh khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chủ trương của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT là nỗ lực đổi mới phương thức kết nối giữa các doanh nghiệp, các cơ quan thương mại từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến, với mục tiêu vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo về mặt tăng trưởng về xuất khẩu.

Theo đó, sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các dữ liệu, hồ sơ thông tin của doanh nghiệp, của các sản phẩm nông sản nhằm quảng bá đa dạng, nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, cập nhật một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì công tác mở cửa thị trường thông qua hình thức trực tuyến để mời các chuyên gia của nước bạn rà soát lại các vấn đề về kỹ thuật, nhất là danh mục các sản phẩm ưu tiên về xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam sang các nước, nhất là với thị trường Trung Quốc như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, thạch đen... Đây là những công tác trọng tâm về phát triển thị trường nông sản của ngành nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường cũng như các đơn vị của Bộ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công thương, các địa phương và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa đối với kênh tiêu thụ nội địa cho nông sản, bởi đây vẫn là kênh tiêu thụ còn rất nhiều tiềm năng.

Song song đó, sẽ đa dạng hóa hình thức kết nối giao thương tại thị trường trong nước bằng các hội nghị, kết nối giao thương trực tuyến, quảng bá trực tuyến.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), thời gian qua, đã lồng ghép nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng nhãn trong các chương trình giao thương trực tuyến chuyên đề nông sản, thực phẩm với một số thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ...

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã báo cáo Bộ Công Thương tổ chức Chương trình “Nhãn Việt Nam mình!” để giới thiệu hương vị Việt Nam đến bạn bè xứ sở chuột túi và đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.

LÊ BỀN - TÙNG ĐINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/go-kho-cho-qua-nhan-thoi-dai-dich-covid-19-d271007.html