Gỡ khó cho ngành mía đường

Ngành mía đường Việt Nam đang 'lao đao' và gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu từ bên ngoài.

Sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. (Nguồn: Báo Phụ nữ Online)

Sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. (Nguồn: Báo Phụ nữ Online)

Kể từ ngày 1/1/2020, thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn. Trong khi dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu giảm sút, giá đường giảm, việc tiêu thụ trở nên khó khăn, việc nhập khẩu đường đã bùng nổ với lượng nhập rất lớn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu Việt Nam gia tăng đột biến, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam là chủ yếu (89,94%).

Chỉ trong vòng 5 tháng từ tháng 10/2020 đến hết tháng 2/2021, các doanh nghiệp vẫn ồ ạt nhập khẩu đường mía, số lượng lên đến hơn 826,2 nghìn tấn, với giá trị khoảng hơn 8.500 tỷ đồng và chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan.

Báo cáo Hiệp Hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, do tác động của dịch Covid-19, năm 2020, đã có 1/3 nhà máy đường phải đóng cửa và nhiều doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân cũng như chi trả tiền lương cho người lao động.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. “Hiện, ngành đường Thái Lan đang được Chính phủ quốc gia này hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu từ Thái Lan” - Tổng Thư ký VSSA Nguyễn Văn Lộc cho hay.

Đáng nói, giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu cũng như thu nhập của nông dân. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.0000 đồng/tấn nhằm khuyến khích nông dân giữ diện tích mía cho vụ tới.

Báo cáo của VSSA cũng cho thấy, tính đến hết ngày 31/3/2021 phần lớn các nhà máy đường trong nước đã hoàn thành vụ mía 2020 - 2021, còn vài nhà máy tiếp tục sản xuất sang tháng 4/2021. Lũy kế đến cuối tháng 3/2021 toàn ngành đã ép được 5.806.741 tấn mía, sản xuất được 611.767 tấn đường. So sánh cùng kỳ vụ 2019 - 2020, sản lượng ép đạt 76,6% và sản lượng đường đạt 84,6%. Ước tính, sản lượng đường của vụ 2020 - 2021 khoảng 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước.

Hiệp hội mía đường cho rằng, điều này đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành phải gánh chịu trước lượng đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020.

Trước những diễn biến của thị trường đường trong nước, nhiều chuyên gia mía đường đang đặt ra vấn đề, phải chăng việc các doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu đường trong thời gian gần đây đã “ép” vùng nguyên liệu, người trồng mía trong nước, khiến người tiêu dùng phải mua đường giá cao?

Đại diện doanh nghiệp mía đường, ông Trần Ngọc Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành thực hiện quyết liệt vấn đề chống buôn lậu, hàng giả và chống gian lận thương mại.

Bộ Công Thương cần điều tra và sớm áp dụng biện pháp chống bán phá, trợ cấp với sản phẩm đường từ các nước khác, nhất là từ Thái Lan để tạo sân chơi cạnh tranh công bằng lành mạnh, để tạo điều kiện doanh nghiệp thu mua giá mía của người dân được cao hơn. Đề nghị các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các công ty trồng, sản xuất mía vay bằng tín chấp nhưng chỉ tín chấp một phần tài sản, không tính lãi với các khoản vay đầu tư như giống, nguyên liệu và nhân công...

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường... Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 07 biện pháp chống bán phá giá, 05 biện pháp tự vệ và 01 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Thực tế cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững và từng bước phát triển các ngành sản xuất trong nước liên quan.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/go-kho-cho-nganh-mia-duong-143085.html