Gỡ khó cho ngành hàng cà-phê

Theo Hiệp hội cà-phê Việt Nam, trong tháng 9, thị trường giao dịch cà-phê robusta (cà-phê vối) thế giới diễn ra khá ảm đạm. Hiện, giá cà-phê robusta xuất khẩu loại hai, tỷ lệ đen vỡ 5% tại cảng ở TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 1.401 USD/tấn, giảm 0,8% so với thời điểm cuối tháng 8.

Đối với quốc gia có hơn 90% sản lượng xuất khẩu là cà-phê robusta thì mức giá nói trên là một tổn thất lớn cho cả người trồng và kinh doanh cà-phê. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan trong sản xuất, việc gia tăng kỷ lục về sản lượng từ quốc gia sản xuất cà-phê lớn nhất thế giới là Bra-xin là một trong những nguyên nhân chính gây sức ép về giá lên ngành hàng cà-phê.

Hiện nay, diện tích cà-phê robusta của nước ta chiếm gần 94% trong tổng diện tích cà-phê cả nước, tổng số 665 nghìn ha; trong đó nhiều diện tích đã già cỗi cho năng suất và chất lượng kém. Diện tích cà-phê arabica chỉ khoảng 6% (khoảng 40 nghìn ha), chủ yếu vẫn là giống cũ, chất lượng và sản lượng không được như kỳ vọng. Việc tái canh cây cà-phê ở các địa phương hiện nay diễn ra chậm. Trong khi công nghệ sơ chế cũng như chế biến cà-phê còn lạc hậu, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của sản phẩm. Hệ quả, giá xuất khẩu cà-phê của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Đơn cử như tại thị trường Mỹ, giá cà-phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ đạt 1,9 USD/kg; trong khi Bra-xin đạt 2,8 USD/kg; Cô-lôm-bi-a 3,5 USD/kg; thậm chí Goa-tê-ma-la đạt 4 USD/kg.

Dự báo sản lượng cà-phê toàn cầu niên vụ 2018 - 2019 sẽ tăng khoảng 7,1% so với niên vụ 2017 - 2018. Trong nước, niên vụ cà-phê mới sắp bắt đầu, sản lượng niên vụ 2018 - 2019 dự kiến tăng khoảng 4%. Hiện nay, giá cà-phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn ở mức khoảng 32 nghìn đồng/kg - mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. So với thời điểm đầu niên vụ năm 2017 - 2018, giá cà-phê nhân xô hiện tại đã giảm khoảng 10 triệu đồng/tấn và xu hướng giá thấp có thể còn kéo dài. Người dân, thương lái vẫn hạn chế bán do giá đang ở mức thấp, không khí giao dịch cà-phê khá ảm đạm.

Tuy nhiên, trước sức ép dư cung lớn, giá giảm sâu, doanh nghiệp và người dân phải cẩn trọng trong việc dự trữ hàng. Trước mắt, người trồng cà-phê cần tiết kiệm chi phí đầu vào nhằm hạ giá thành sản xuất, duy trì vườn cây. Nếu có phá bỏ, chỉ nên bỏ vườn cây ở những nơi không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, những diện tích ngoài vùng quy hoạch. Hầu hết người trồng cà-phê đều vay vốn của các tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh. Do vậy, để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, các ngành chức năng cần tăng cường và triển khai rộng rãi các chính sách khoanh nợ, giãn nợ cũng như giảm lãi suất đối với các nông hộ vay vốn đầu tư sản xuất trồng cà-phê. Về lâu dài, để nâng cao giá trị xuất khẩu cho ngành hàng cà-phê, người dân cần thực hiện đúng quy trình thâm canh, chăm sóc, tạo ra những sản phẩm cà-phê có chất lượng tốt. Cùng với đó, ngành cà-phê cần quy hoạch lại các vùng trồng, khẩn trương hoàn thành việc tái canh, đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu, chuyển từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

MINH HUỆ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37822102-go-kho-cho-nganh-hang-ca-phe.html