Gỡ khó cho mặt hàng ván dán

Việt Nam luôn kiên quyết chống lại các hành vi gian lận về xuất xứ nhằm né tránh thuế quan trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ván dán.

Không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ Việt Nam hiện đang đối mặt thêm với một số vấn đề liên quan đến nguy cơ bị phía Hoa Kỳ điều tra về xuất xứ đối với mặt hàng ván dán nhằm lẩn tránh thuế.

Cụ thể vào cuối tháng 2/2020, Liên minh thương mại công bằng ván dán cứng Hoa Kỳ đã có đơn gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ván dán cứng có nguồn gốc từ Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ tháng 1/2018 đến tháng 1/2020.

Theo đó ngày 9/6/2020, DOC thông báo đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc. Theo quy định, trong vòng 3 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra, DOC sẽ tiến hành điều tra sơ bộ các doanh nghiệp bằng bản câu hỏi. Tuy nhiên đến nay, DOC vẫn chưa chính thức tiến hành việc điều tra này.

Hầu hết doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng trong nước

Theo Bộ NN-PTNT, sau khi nhận được văn bản của Vifores về việc cảnh báo những rủi ro đối với mặt hàng ván dán của Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ trung chuyển qua Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp kiểm tra, xác minh việc xuất xứ sản phẩm ván dán tại các doanh nghiệp.

 Bộ NN-PTNT khẳng định hầu hết các doanh nghiệp trong ngành ván dán đều sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT khẳng định hầu hết các doanh nghiệp trong ngành ván dán đều sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. Ảnh: TL.

Về vấn đề này, tại cuộc họp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), đại diện các bộ ngành liên quan cũng như các doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chế biến, xuất khẩu mặt hàng ván dán và ván ghép thanh vào chiều 5/8, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định: Qua kiểm tra của Bộ NN-PTNT cũng như thông tin từ các bộ ngành liên quan thời gian qua, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp trong ngành ván dán đều sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, không có doanh nghiệp nào sử dụng gỗ tự nhiên hay gỗ nhập khẩu để sản xuất ván dán.

Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước (phổ biến là keo, bạch đàn, cao su...) phục vụ sản xuất ván dán hiện nay là mối liên kết từ lâu của ngành chế biến gỗ với người trồng rừng, liên quan tới hàng vạn hộ dân. Chế biến sản phẩm ván dán trong ngành gỗ hiện cũng mang lại lợi nhuận tốt.

Mặc dù nguồn nguyên liệu để sản xuất ván dán của Việt Nam hiện chiếm không lớn, nhưng khi sản xuất ra sản phẩm ván dán thì giá trị tăng ít nhất gấp đôi. Chính vì điều này nên những năm qua, năng lực sản xuất ván dán của Việt Nam đã liên tục có bước phát triển rất nhanh qua các năm. Nếu như năm 2016, năng lực sản xuất ván dán của Việt Nam mới chỉ khoảng 1,4-1,5 triệu m3, thì đến nay đã lên tới con số 2,6-2,7 triệu m3.

Điều này khiến việc xuất khẩu các sản phẩm ván dán của Việt Nam những năm qua tăng mạnh. Đây là sự tăng trưởng theo chuỗi, một cách tổng thể cả về phát triển nguyên liệu, tăng cường đầu tư và năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp của cả ngành gỗ Việt Nam trong những năm qua, chứ không chỉ riêng đối với nhóm sản phẩm ván dán.

Bên cạnh đó, việc tăng trưởng quá cao về xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam tại một số thời điểm nhất định thời gian qua, cũng là vấn đề biến động bình thường của thị trường, ví dụ trong tháng 7/2020, xuất khẩu ván dán của Việt Nam cao gấp đôi tháng 4/2020... Về vấn đề nhập khẩu gỗ nguyên liệu, thời gian qua, Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện kiểm soát hết sức chặt chẽ, và hiện nguồn gỗ nhập khẩu cũng không còn đáng kể.

Kiên quyết xử nghiêm hành vi gian lận xuất xứ

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng thẳng thắn cảnh báo, hiện tượng gian lận xuất xứ về gỗ dán nhằm lẩn tránh thuế trong hoạt động xuất khẩu không phải là chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề này đã xảy ra từ giai đoạn trước đây ở một số trường hợp cá biệt.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn tại cuộc họp với Vifores, đại diện các bộ ngành và doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh

Vừa qua, Hoa Kỳ đã công bố khởi xướng điều tra về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ván dán của Việt Nam, tuy nhiên đây cũng chỉ là dự định điều tra ở một vài doanh nghiệp cụ thể, cá biệt, chứ không phải điều tra tất cả các doanh nghiệp sản xuất ván dán của Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn cũng khẳng định, Việt Nam luôn kiên quyết chống lại các hành vi gian lận về xuất xứ nhằm né tránh thuế quan trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ nói chung, trong đó có sản phẩm ván dán. Đây là quan điểm nhất quán của Việt Nam nhằm xây dựng một ngành sản xuất, chế biến gỗ công khai, minh bạch, bền vững trong chiến lược vươn tầm, khẳng định uy tín trên trường quốc tế.

Ván dán là mặt hàng xuất khẩu đáng kể của Việt Nam, thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Ảnh: TL.

Đối với một số doanh nghiệp có biểu hiện mập mờ, không chứng minh được nguồn gốc gỗ trong chế biến, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tăng cường việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lí nguồn gốc gỗ trong chế biến.

Đồng thời chỉ đạo thời gian tới, Cục Kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm đặc nhiệm phải vào cuộc điều tra, kiểm tra và xử lí nghiêm nếu có vi phạm. Bởi hiện nay, các quy định pháp luật về truy xuất nguồn gốc gỗ đã có rất đầy đủ đối với hành vi vi phạm này.

Bên cạnh đó, yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cần phải lập ra sơ đồ, hồ sơ chi tiết về tình hình sản xuất của từng nhà máy chế biến về mặt hàng gỗ dán trên cả nước để có giải pháp giám sát, truy xuất nếu có biểu hiện về hành vi gian lận xuất xứ gỗ trong chế biến.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Ngành hàng gỗ dán năm 2019 có kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 688 triệu USD, chiếm khoảng 6,15 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Tuy nhiên nếu xảy ra các sự cố về thị trường xuất khẩu, sẽ rất nguy hiểm bởi sẽ tác động dây chuyền tới toàn chuỗi, không chỉ đối với riêng sản phẩm ván dán xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tác động tới nhiều sản phẩm đồ gỗ chế biến từ ván dán.

Đặc biệt nếu để xẩy ra tình trạng gian lận về nguồn gốc gỗ, lẩn tránh thuế và bị phía Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá lên mức trên 200% thì chế biến gỗ dán của Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ phá sản. Bởi thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ dán rất quan trọng của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt trên 300 triệu USD.

Sớm đánh giá ảnh hưởng mặt hàng gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc

Ngày 3/12/2019, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã chính thức ra quyết định điều tra đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Theo đó ngày 24/4/2020, KTC đã công bố kết quả điều tra sơ bộ, theo đó đã áp mức thuế tạm thời đối với tất cả các sản gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này ở mức 9,18 – 10,56% (các công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn). Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29/5 tới 28/9 /2020.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Vifores cho biết mặc dù mức thuế nhập khẩu của Hàn Quốc với mặt hàng ván từ Việt Nam ở mức xoay quanh 10%, tuy nhiên nhờ có sự chia sẻ khó khăn của cả doanh nghiệp nhập khẩu phía Hàn Quốc lẫn doanh nghiệp chế biến của Việt Nam, nên hoạt động xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc hiện vẫn đang tiếp tục được duy trì khá ổn định.

Điều này cũng có phần do hiện nay, các mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đa số là mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật không cao, giá thành sản xuất rẻ và giá xuất khẩu cũng rẻ. Trước đây, mặt hàng gỗ dán của Việt Nam thường xuất được sang Hàn Quốc với giá 250 USD/m3, thì nay hạ xuống khoảng 240 USD/m3.

Hiện nay, gỗ dán là mặt hàng có số lượng các nhà máy, cơ sở sản xuất nhỏ rất phổ biến tại các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc. Nông dân có thể chọn các cây gỗ to, thu hoạch tỉa và bán cho các nhà máy để sản xuất gỗ dán. Gỗ dán Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc hiện chủ yếu được sử dụng để làm bao bì.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị trong thời gian tới, các đơn vị liên quan phối hợp với các hiệp đội trong ngành gỗ cần sớm có đánh giá về ảnh hưởng của việc Hàn Quốc áp dụng lệnh chống bán phá giá đối với sản phẩm ván dán của Việt Nam để báo cáo Bộ NN-PTNT, báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Bộ NN-PTNT luôn đồng hành chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp

7 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta vẫn đạt gần 6,1 tỉ USD, trong đó tháng 7/2020 vừa qua đã khôi phục hoạt động và tăng trưởng kỷ lục.

Mặc dù đối diện với muôn vàn khó khăn về sản xuất và xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bộ NN-PTNT vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào việc tăng trưởng của ngành chế biến gỗ, với mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,5 đến 13 tỉ USD trong năm 2020 và có mức tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra nhằm bù đắp cho các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp bị tụt giảm không thể khắc phục được trong năm 2020. Qua nắm bắt thời gian qua, sau dịch bệnh Covid-19 giai đoạn đầu, các doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có bước phục hồi, tình hình sản xuất và xuất khẩu đều đang rất tốt...

"Với tinh thần đó, Bộ NN-PTNT luôn đồng hành, gắn kết chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành gỗ. Bên cạnh đó, đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại của ngành gỗ", Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/go-kho-cho-mat-hang-van-dan-d270292.html