Gỡ khó cho liên đoàn thể thao địa phương

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển phong trào thể dục - thể thao, gồm cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Để đạt được điều này có sự đóng góp không nhỏ của các liên đoàn, hiệp hội thể thao địa phương trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao địa phương đang gặp không ít khó khăn, cần sớm được giải quyết.

Thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các liên đoàn, hiệp hội thể thao hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Đỗ Tâm

Đương đầu với nhiều khó khăn

Trong những năm qua, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố luôn đi đầu cả nước về thể thao thành tích cao, đóng góp khoảng 30% tổng số huy chương trong các kỳ SEA Games và ASIAD, liên tiếp giành ngôi vị Nhất toàn đoàn tại các kỳ đại hội thể thao trong nước. Đạt được thành tích trên là do có sự vào cuộc, góp sức của các tổ chức, liên đoàn, hiệp hội thể thao trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hầu hết liên đoàn, hiệp hội thể thao địa phương đang gặp khó khăn về kinh phí, đội ngũ nhân sự để phát triển bền vững.

Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến cho biết, Hà Nội hiện có 17 liên đoàn, hiệp hội thể thao cấp thành phố, hơn 3.000 câu lạc bộ thể thao cơ sở với gần 200.000 hội viên tham gia. Trong đó, chỉ một số ít đơn vị hoạt động hiệu quả, như: Liên đoàn cầu lông; quần vợt; bóng bàn; Hội Sức khỏe ngoài trời người trung, cao tuổi; Hội Võ thuật Hà Nội; Vovinam... Cũng theo ông Đinh Văn Luyến, các tổ chức trên đều có đội ngũ cán bộ lãnh đạo tâm huyết, nhiệt tình, tổ chức được nhiều hoạt động, nên kêu gọi được mọi người đến với thể thao.

Bà Kiều Thị Anh (quận Hai Bà Trưng), thành viên Hội Sức khỏe ngoài trời người trung, cao tuổi Hà Nội chia sẻ: "Tôi được tham gia tập luyện, đồng diễn ngoài trời vừa vui, vừa nâng cao sức khỏe và được giao lưu với những người đồng niên".

Còn theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Hà Nội Bùi Tấn Mịch, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, khi họ có uy tín, sẽ kêu gọi được sự đoàn kết giữa các hội viên để phát triển phong trào, đồng thời tự vận động tài trợ để có kinh phí hoạt động. “Rất may ban lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông Hà Nội là những người có tâm huyết và có tầm ảnh hưởng tốt, nên việc vận động tài trợ không quá khó khăn. Song, Liên đoàn cũng đang rất lo lắng cho công tác nhân sự kế cận của khóa tới”, ông Bùi Tấn Mịch nói.

Thực tế, không phải liên đoàn nào cũng có ban lãnh đạo năng động, tự vận động, phát triển như Liên đoàn Cầu lông Hà Nội. Không ít liên đoàn còn hạn chế trong công tác tổ chức, chưa chủ động tìm nguồn xã hội hóa, dẫn đến bị giải thể như Liên đoàn Bóng đá Hà Nội.

Lý giải về những yếu kém trong hoạt động của một số liên đoàn, hiệp hội thể thao của Hà Nội, ông Đinh Văn Luyến cho rằng, nguyên nhân sâu xa là nhiều liên đoàn, hiệp hội không có hoặc thiếu cơ sở vật chất. Khi điều kiện sân bãi phục vụ tập luyện bị hạn chế, không thể chủ động tổ chức được các giải đấu..., cũng đồng nghĩa với việc không kích thích được phong trào, không phát huy được vai trò của liên đoàn, hiệp hội thể thao.

Cần giải pháp xuyên suốt

Để từng bước gỡ khó cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao địa phương của Hà Nội, từ đó thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng, các cơ quan quản lý cần có giải pháp đồng bộ, trong đó có việc hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện phát triển các bộ môn thể thao mới…

Theo Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao Đinh Văn Luyến, muốn đầu tư cho thể thao thành tích cao phải đầu tư phát triển thể thao quần chúng, từ đó phát hiện được những tài năng cho các đội tuyển quốc gia. “Nhà nước có thể nghiên cứu cơ chế chuyển giao một phần cơ sở vật chất như nhà thi đấu, sân vận động... cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao quản lý để những tổ chức này có nền tảng phát triển”, ông Đinh Văn Luyến đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, nhằm hỗ trợ các liên đoàn, hiệp hội thể thao hoạt động hiệu quả, trước mắt, Sở sẽ hỗ trợ cơ sở vật chất hiện có để các liên đoàn, hiệp hội thể thao thuận tiện trong công tác tổ chức các giải đấu phong trào, tập luyện. Sở cũng sẽ tăng cường tổ chức các giải thể thao quần chúng, để tạo sân chơi cho các câu lạc bộ, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao chất lượng phong trào thể dục, thể thao.

Còn theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Hà Nội Đào Văn Kiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, một trong những yếu tố để các liên đoàn, hiệp hội thể thao phát huy hết vai trò, đó là phải có kế hoạch hành động rõ ràng, dài hơi và phải có một đội ngũ nhân sự thực sự chuyên nghiệp, giàu tâm huyết. Do đó, khâu nhân sự trước mỗi kỳ đại hội của các liên đoàn, hiệp hội thể thao cần được xem xét kỹ lưỡng.

Hy vọng, với những giải pháp nêu trên, các liên đoàn, hiệp hội thể thao địa phương tại Hà Nội sẽ phát huy hiệu quả trong việc phát triển phong trào thể thao, đóng góp tích cực cho thể thao thành tích cao của thành phố và quốc gia.

Ngân Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/971058/go-kho-cho-lien-doan-the-thao-dia-phuong