'Gỡ khó' cho Làng Văn hóa - Du lịch

Để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là một điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội là yêu cầu được đặt ra từ nhiều năm qua.

Các hoạt động tham quan, trải nghiệm phiên chợ vùng cao tại làng gặp khó vì đại dịch.

Các hoạt động tham quan, trải nghiệm phiên chợ vùng cao tại làng gặp khó vì đại dịch.

Tuy nhiên, những khó khăn về vốn đầu tư, cơ chế chính sách đang là “bài toán khó”...

Tìm điểm nghẽn...

Tháng 2 này, theo kế hoạch, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong đó, Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” và Tết trồng cây Xuân Tân Sửu, dự kiến diễn ra vào ngày 27 - 28/2 (tức ngày 16 - 17 tháng Giêng năm Tân Sửu) là điểm nhấn, mang đến không khí Tết cổ truyền dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân.

Tuy nhiên, do diễn biến của đại dịch Covid-19, Ban tổ chức đã chuẩn bị hai phương án để phòng, chống dịch. Phương án 1 tổ chức các hoạt động với quy mô phù hợp tình hình dịch Covid-19. Nếu dịch bùng phát trên địa bàn Hà Nội thì tăng cường các hoạt động của nhóm đồng bào hàng ngày, hạn chế tập trung đông người, bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch.

Phương án 2 tăng cường hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch, nếu không có các văn bản tạm dừng tổ chức hoạt động tập trung đông người. Tuy nhiên, trong giai đoạn gặp nhiều “cái khó” như hiện nay, việc duy trì những hoạt động thường niên như trên là nỗ lực không hề nhỏ.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch năm 2020, nhiều nhiệm vụ trọng tâm đã được triển khai thực hiện hiệu quả.

Ngoài các sự kiện thường niên, làng đã chủ động phối hợp với các đơn vị, nhà hát thuộc Bộ cùng với bà con của 16 cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại làng tổ chức các hoạt động hằng tháng, cuối tuần và hằng ngày theo những chủ đề của từng tháng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên lượng khách đến làng giảm so với các năm trước.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VH-TT&DL Trần Hoàng cho rằng, vướng mắc lớn nhất của làng liên quan đến vị trí, chức năng, quyền hạn được ghi trong Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này chi phối đến nhiều hoạt động của làng, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của làng là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phải được ngân sách đảm bảo đầu tư, hoàn thiện. Đây cũng là một trong những khó khăn rất lớn đối với làng.

Vấn đề đặt ra là, với chức năng, nhiệm vụ như vậy thì ngân sách Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nốt phần còn lại để hoàn thiện các dự án của khu các làng dân tộc. Còn đối với những khu vực đã được cho phép xã hội hóa thì đó là “cái gậy” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ có liên quan có phương án tháo gỡ vướng mắc cũng như có cơ chế phù hợp nhằm thu hút được các nhà đầu tư.

Chương trình “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” được tổ chức trước Tết Nguyên đán.

“Tháo gỡ” như thế nào?

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng xác định, phải khẩn trương làm rõ mô hình tổ chức và hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, làm việc với Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định số 39/QĐ-TTg.

Cùng với đó, làng phải khẩn trương xây dựng bộ máy bên trong phù hợp với mô hình tổ chức trình Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần hết sức chặt chẽ, khoa học, không bỏ sót nhiệm vụ. “Phải tìm điểm nghẽn, phải nhìn thấy cái khó để tháo gỡ”, ông Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo.

Một trong những nhiệm vụ thường xuyên là phải có biện pháp thúc đẩy các khu các làng dân tộc tiếp tục giữ gìn, tôn tạo, đổi mới phương thức vận hành và hoạt động của cộng đồng các dân tộc để không bị mai một mà phải phong phú thêm.

Muốn làm phong phú thì phải có sự thay đổi, phải có sản phẩm mới và để làm được điều đó, Làng phải nghiên cứu, phải hiểu sâu về văn hóa của các dân tộc, phải tìm ra cái tinh túy nhất để làm đẹp thêm văn hóa bản địa của các dân tộc.

“Đưa một nhóm nghệ nhân về làng hoạt động, nếu không biết cách quản lý, không biết cách vun đắp thì vô hình chung chúng ta cổ vũ cho việc ăn xổi ở thì và cuối cùng là đánh mất văn hóa”, ông Nguyễn Văn Hùng lưu ý vấn đề dị bản văn hóa trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Hùng đề nghị BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với Vụ Văn hóa dân tộc, các Sở VH-TT&DL, cộng đồng và nghệ nhân của các dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Hùng yêu cầu BQL Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong năm 2021 phải đề xuất ký được quy chế phối hợp giữa Bộ với địa phương, trước mắt làm thí điểm với 1 - 2 tỉnh. “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam muốn tồn tại, hoạt động thì không phải chỉ một mình làng, mà phải gắn liền với các địa phương”, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/go-kho-cho-lang-van-hoa-du-lich-JeRjWcsGg.html