Gỡ khó cho du lịch làng cổ Đường Lâm

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu cuộc sống người dân tại di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chưa bao giờ vơi. Và để bảo tồn giá trị văn hóa của làng cổ Đường Lâm không có cách nào khác ngoài xây dựng kế hoạch để người dân cùng tham gia vào việc phát triển du lịch, qua đó mới bảo tồn làng cổ bền vững…

Từng bước “gỡ” những gút mắc

Làng cổ Đường Lâm đang lưu giữ quần thể di tích cổ dày đặc gồm 50 di tích có giá trị, trong đó có 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố và gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại từ 100 năm trở lên, gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ.

Tự hào là vậy, song khi làng được mang danh Di tích cấp quốc gia từ năm 2005 đến nay, cũng là lúc người dân Đường Lâm phải tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản văn hóa đối với các hoạt động liên quan đến di tích.

Sơn Tây đang hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Đinh Luyện

Sơn Tây đang hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Đinh Luyện

Đi sâu nói về những hạn chế trong công tác phát triển du lịch, theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, lượng khách đến với làng cổ Đường Lâm đạt khoảng 15 vạn khách mỗi năm, còn hạn chế so với tiềm năng Làng cổ. Điểm đến du lịch Làng cổ Đường Lâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, do vậy, cộng đồng là chủ thể, phát triển du lịch cần phải gắn với cộng đồng. Trong chiến lược phát triển du lịch của Làng cổ, thành tố quan trọng nhất là người dân tham gia thế nào. Khi đã xác định được vị trí của người dân và hướng phát triển phù hợp, du lịch Làng cổ Đường Lâm mới có sự bền vững.

Chung góc nhìn này, ông Hà Nguyên Huyến – một chủ nhà cổ cho biết, cho đến nay du lịch ở Làng cổ Đường Lâm vẫn manh mún, tự phát do chưa có bàn tay của một “nhạc trưởng”. Sản phẩm du lịch mới chỉ dừng ở mức bán một số sản phẩm bánh kẹo, tương cà, nấu ăn cho khách... “Một trong những vấn đề then chốt phải cần được nhấn mạnh là làng cổ Đường Lâm chính là một cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ. Nếu không còn nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp của cộng đồng này chưa và không thể trở thành hàng hóa phục vụ du lịch thì việc gìn giữ di sản này còn gặp nhiều khó khăn. Chính người dân sống với di sản , gắn liền với di sản, bảo vệ di sản chứ không phải là của các cấp quản lý với các văn bản khô khan…” – ông Huyến chia sẻ.

Mở rộng vấn đề, PGS.TS Dương Văn Sáu – Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng nhìn nhận, du khách đến làng cổ sẽ kéo theo những nhu cầu khác nhau, tạo ra sự mất cân đối trong quan hệ cung - cầu. Từ đây, dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn. Ngoài ra, bản sắc văn hóa của cư dân bản địa có nguy cơ bị “mờ” do kết quả của sự giao thoa văn hóa thiếu lành mạnh không thể tránh khỏi đem đến từ phía một bộ phận du khách.

PGS.TS Dương Văn Sáu cho rằng, có hai khuynh hướng cần tránh liên quan đến phát triển du lịch tại làng cổ đó là khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng cấp tiến một cách thái quá. Nói cụ thể, trong quá trình tổ chức, điều hành, duy trì các hoạt động du lịch, nếu không được quản lý tốt sẽ dễ dẫn đến hiện tượng lại căng, pha tạp trong cách nhìn, cách hiểu. Điều này sẽ dễ dẫn đến cách ứng xử lệch lạc đối với văn hóa truyền thống ở làng cổ.

Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, để giải quyết những gút mắc trước mắt, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm có thể kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, các trường học trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, để xây dựng những tour du lịch ngắn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nơi sở hữu loạt ngôi nhà đá ong hơn 100 năm tuổi này.

Đồng thời, trên kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát huy giá trị di sản cho Hội An hay Luang Prabang từ buổi sơ khai, nữ chuyên gia Phạm Thị Thanh Hường nhận định, hướng đến các thị trường “khách dễ tính” kể trên là kế hoạch khả thi nhất trong giai đoạn đầu phát triển cho những điểm đến giàu giá trị văn hóa, nhưng còn hạn chế về chất lượng dịch vụ du lịch như Làng cổ Đường Lâm.

Khơi dậy tiềm năng

Được biết, hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 244 di tích, 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 74 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, thị xã rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm. Theo ông Lê Đại Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, nhằm phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, thị xã Sơn Tây đã xây dựng Kế hoạch về “Phát triển du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2017-2020”.

"Thị xã Sơn Tây là địa phương có hệ thống di tích văn hóa phong phú, đa dạng. Đây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài với dày đặc các di tích lịch sử. Với những lợi thế đó, Sơn Tây đang hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước", ông Thăng khẳng định.

Theo đó điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái, dịch vụ Hồ Xuân Khanh. Bên cạnh đó, chỉ đạo tích cực triển khai việc xây dựng hồ sơ khoa học, khảo sát đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và đề ra phương án điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích Làng cổ Đường Lâm trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt. "Sơn Tây đã thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích đình, miếu, điếm, giếng và nhà cổ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu cấp đất giãn dân với tổng số tiền trên 117,976 tỷ đồng và các dự án bức xúc dân sinh khác trong khu vực Làng cổ với tổng số tiền trên 82,439 tỷ đồng", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây cho biết.

Song song với phát triển du lịch, nhằm khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức trong quan hệ ứng xử, phù hợp với yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị, Đảng bộ, chính quyền thị xã Sơn Tây tích cực chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, thị xã đã bố trí trên 705 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện các mục tiêu trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn. Đến nay, toàn thị xã có 94,7% gia đình văn hóa, tăng 6% so với năm 2016, vượt 6,7 so với chỉ tiêu Chương trình đề ra. "Thị xã Sơn Tây là địa phương có hệ thống di tích văn hóa phong phú, đa dạng. Đây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài với dày đặc các di tích lịch sử. Với những lợi thế đó, Sơn Tây đang hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước", ông Thăng khẳng định.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/go-kho-cho-du-lich-lang-co-duong-lam-100304.html