Gỡ khó cho dạy học ở nông thôn mùa dịch

Khi cả nước đang chung tay ứng phó với dịch Covid-19, ngành giáo dục cũng đối diện với nhiều khó khăn. Hầu hết cơ sở giáo dục đang đóng cửa.

Hình thức dạy học trực tuyến qua internet, dạy học từ xa qua truyền hình được triển khai. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện thiết bị, công nghệ không được bảo đảm thì dạy học trong mùa dịch đang là bài toán khó.

Đã khó càng khó hơn

Đó là nhận định của không ít lãnh đạo nhà trường tại các địa phương khu vực nông thôn, miền núi khi nói về việc duy trì hoạt động dạy học. Mặc dù đa số địa phương khu vực nông thôn, miền núi chưa xuất hiện người nhiễm Covid-19, nhưng các trường học đều tạm nghỉ.

Trước tình hình đó, ngành giáo dục đã hướng dẫn các trường tổ chức dạy học trực tuyến thông qua internet và dạy học từ xa qua truyền hình. Tuy nhiên, hoạt động chỉ phát huy hiệu quả đối với các khu vực thành thị có điều kiện về trang thiết bị và công nghệ. Còn ở khu vực nông thôn, hầu hết học sinh chưa được trang bị điện thoại thông minh, chưa có máy tính thì dạy học trực tuyến cho các em là bất khả thi.

 Cô giáo Phạm Thị Thắm, Trường THCS Cẩm Tân kiểm tra quá trình tự học tại nhà của học sinh.

Cô giáo Phạm Thị Thắm, Trường THCS Cẩm Tân kiểm tra quá trình tự học tại nhà của học sinh.

Trao đổi về điều này với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lưu Xuân Hồng, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) thông tin: “Chúng tôi cũng triển khai chủ trương chung của ngành giáo dục về duy trì hoạt động dạy học cần thiết cho học sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau ở các trường trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đối với học sinh tiểu học, THCS khá khó khăn. Đa số học sinh chưa được tiếp cận với công nghệ, bản thân giáo viên cũng còn thiếu máy tính. Do đó, dạy học trực tuyến hầu như chưa phát huy được tác dụng”.

Mô hình học tập tự quản tại nhà có sự trợ giúp của giáo viên

Trước khó khăn chung khi dạy học online, nhiều địa phương ở nông thôn, miền núi đã có những sáng tạo riêng, xây dựng các mô hình học tập tại nhà cho học sinh. Tại Trường THCS Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, các thầy cô giáo của nhà trường đang duy trì mô hình học tập tự quản tại nhà với sự tham gia hỗ trợ của cả giáo viên và phụ huynh học sinh bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.

Thầy giáo Đặng Ngọc Dụng, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Tân cho biết: “Thấy rõ những khó khăn đối với dạy và học trong khi dịch bệnh, ngay thời điểm có chủ trương của ngành giáo dục cho học sinh nghỉ học, nhà trường đã cho giáo viên và học sinh tiếp cận với phương thức dạy học online, đồng thời xây dựng mô hình học tập tự quản tại nhà phù hợp với thực tiễn, giúp học sinh củng cố kiến thức”.

Theo đó, ngay khi có chủ trương cho học sinh nghỉ học không đến trường, Hội đồng sư phạm Trường THCS Cẩm Tân đã nhóm họp, xây dựng kế hoạch giúp học sinh học tập tại nhà. Kế hoạch được xây dựng và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng tổ bộ môn và giáo viên. Đầu tiên, các tổ bộ môn sẽ xây dựng bộ đề ôn tập và đề cương tự học ở mỗi khối lớp. Toàn bộ tài liệu này được tổ trưởng chuyên môn và ban giám hiệu kiểm duyệt, thông qua trước khi đưa vào sử dụng. Mỗi tuần, sau khi tổng hợp sẽ có một bộ tài liệu mới xây dựng phù hợp với chương trình. Bộ tài liệu này được chuyển lên email chung của nhà trường. Tiếp theo đó, ở mỗi thôn trên địa bàn xã, giáo viên từng khối lớp được phân công phụ trách nhóm học sinh nhất định. Giáo viên này là đầu mối và là người kiểm soát trực tiếp hoạt động học tập tại nhà của học sinh thông qua cha mẹ học sinh và các nhóm trưởng chính là học sinh ở mỗi tổ dân cư trong thôn.

Từng ngày, giáo viên phụ trách sẽ tiếp nhận đề cương kiến thức và bài tập được tổ trưởng chuyên môn gửi qua email. Giáo viên phụ trách photo tài liệu, chuyển đến từng học sinh, đồng thời nhận các bài tập của ngày hôm trước đã được học sinh hoàn thiện, sau đó đánh giá, tổng hợp báo cáo về nhà trường. Thời gian báo cáo được quy định từ 9 đến 11 giờ hằng ngày. Ban giám hiệu và tổ chuyên môn sẽ trực để tiếp nhận và xử lý các thông tin. Trong nội dung báo cáo, ngoài kết quả học tập còn có cả tình hình sức khỏe của mỗi học sinh.

Theo thầy Võ Việt Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Tân, cái khó nhất của mô hình này là quản lý việc tự học của học sinh. Vì vậy, ngoài giáo viên phụ trách, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã và các thôn thông báo công khai lịch học, kế hoạch học tập trên phương tiện truyền thanh của địa phương. Việc phối hợp với phụ huynh học sinh cũng được làm thường xuyên, chặt chẽ. Chính cha mẹ học sinh sẽ là giáo viên tại chỗ, tham gia kèm cặp các em trong quá trình tự học ở nhà. Bên cạnh đó, nhà trường cũng công khai số điện thoại của giáo viên từng môn để phụ huynh và học sinh có thể hỏi bài hay xin tư vấn bài vở bất cứ thời điểm nào; lập các tổ kiểm tra, hỗ trợ thường xuyên hoạt động tự học của học sinh gồm có giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh.

Hào hứng khi hoàn thành phần nội dung tự học tại nhà trong ngày, em Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 7A, Trường THCS Cẩm Tân nói: "Mặc dù không được đến trường nhưng chúng em vẫn duy trì được hoạt động học tập thường xuyên. Điều này không chỉ giúp chúng em củng cố kiến thức mà quan trọng hơn là duy trì được nền nếp và ý thức tự giác trong học tập của mình".

Bài và ảnh: MINH ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/go-kho-cho-day-hoc-o-nong-thon-mua-dich-613874