Gỡ khó cho công trình thủy lợi trọng điểm Bản Mồng

Hơn 1.131 ha rừng bị ảnh hưởng bởi dự án thủy lợi Hồ chứa nước Bản Mồng chưa được chuyển đổi, để đảm bảo kế hoạch cần đẩy nhanh phương án gỡ nút thắt này.

 Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra thực địa của dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra thực địa của dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.

Công trình thủy lợi trọng điểm

Vừa qua ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã dẫn đầu Đoàn công tác đi khảo sát thực tế, kiểm tra tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc Dự án hồ chứa nước Bản Mồng.

Ngày 5/1/2020 Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức “Lễ chặn dòng đợt 2”, kế hoạch dự kiến sẽ chính thức đưa vào vận hành công trình Hồ chứa nước Bản Mồng vào năm 2021.

Công trình thủy lợi trọng điểm Bản Mồng được triển khai xây dựng tại địa giới hành chính của 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Chủ trương đầu tư ngày 20/1/2006, Bộ NN-PTNT phê duyệt Dự án đầu ngày 26/5/2009. Sau đó điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư vào các năm 2017 và 2019.

Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng gồm 4 hợp phần: Công trình đầu mối, hệ thống kênh thuộc khu tưới lấy nước trực tiếp từ hồ Bản Mồng; các trạm bơm lấy nước từ sông Hiếu và hệ thống kênh, công trình trên kênh kèm theo; bồi thường, GPMB, di dân, tái định cư, cuối cùng là Hợp phần Công trình thủy điện.

Quá trình tìm hiểu, đây là 1 trong 7 dự án của Bộ NN-PTNT được dừng, giãn tiến độ, đồng thời được phê duyệt khởi động lại vào năm 2019. Xét mức độ và quy mô, công trình thủy lợi thuộc nhóm dự án quan trọng Quốc gia và phải trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Hồ chứa nước Bản Mồng là dự án thủy lợi trọng điểm Quốc gia. Ảnh: Việt Khánh.

Hơn 1.000 ha rừng bị ảnh hưởng

Theo thiết kế, cao trình ngập nước của lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến một phần diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các loại đất khác của 3 huyện và 7 xã, thị trấn thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng từ công trình thủy lợi bản Mồng lên đến hơn 1.131 ha, trong đó Nghệ An trên 544 ha, Thanh Hóa trên 586 ha. Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn và tầm quan trọng của dự án đối với những vùng hưởng lợi, việc hoàn thiện hồ sơ để sớm gỡ bỏ nút thắt nêu trên là việc không thể chậm trễ.

Về phía Bộ NN-PTNT, cơ quan chủ trì đã tích cực phối hợp, chỉ đạo và định hướng cho các đơn vị liên quan suốt thời gian qua. Gần nhất, Bộ đã ban hành Văn bản số 6802/BNN-TCLN báo cáo Chính phủ đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án.

Liên quan đến nội dung buổi làm việc, sau khi khảo sát thực tế và đánh giá chi tiết tiến độ, các thành viên trong Đoàn công tác đã đề nghị 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa phải chủ động đấu nối và phân tích kỹ mức độ phù hợp của việc chuyển đổi rừng đối với quy hoạch lâm nghiệp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương, từ đó sớm xử lý thật hiệu quả.

Ngoài ra, Đoàn công tác cũng yêu cầu 2 địa phương lý giải rõ hơn về lý do thay đổi diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất bị ảnh hưởng bởi dự án; tính chất rừng thay đổi ra sao sau khi chuyển đổi; các vấn đề liên quan đến môi trường, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tạo việc làm, giải quyết sinh kế của người dân vùng dự án triển khai, áp dụng như thế nào?

Hiện tại các bên liên quan đang hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục chuyển đổi phần diện tích đất rừng bị ảnh hưởng. Ảnh: Việt Khánh.

Giải trình các vấn đề nêu trên, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết việc đánh giá tác động môi trường đã xây dựng từ năm 2011, đến nay theo quy định không cần làm lại. Quá trình thực hiện dự án, Nghệ An phải di dời gần 200 hộ dân đến địa điểm khác, hiện tỉnh đã xây dựng 2 khu tái định cư đảm bảo đầy đủ đất ở và đất sản xuất để các hộ yên tâm sinh sống.

“Địa phương sẽ tiếp thu và sớm hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, qua đó hoàn thiện đầy đủ thủ tục của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng”, ông Hiếu nhấn mạnh thêm.

Phát biểu kết luận, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội khẳng định, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng không chỉ là công trình tưới tiêu thủy lợi đơn thuần phục vụ cho trên 18.000 ha đất sản xuất và công tác dân sinh, thêm vào đó còn góp phần quan trọng phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy du lịch, cải thiện môi trường và phòng chống lũ hiệu quả.

Sớm hoàn thiện hồ sơ

Dựa trên mức độ quan trọng và tính cấp thiết, ông Phan Xuân Dũng mong muốn các đơn vị liên quan phải sớm hoàn thiện hồ sơ của dự án điểm Hồ chứa nước Bản Mồng. Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của các thành viên Đoàn công tác để tiến tới trình Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội thẩm tra. Từ đó làm cơ sở báo cáo trước Quốc hội xem xét, thông qua.

Việt Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/go-kho-cho-cong-trinh-thuy-loi-trong-diem-ban-mong-d275075.html