'Gỡ khó' cho công nghiệp hỗ trợ

Trong xu thế của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, để trở thành một mắt xích cơ bản trong chuỗi cung ứng, sản xuất và giá trị toàn cầu ngày càng quan trọng. Phát triển bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không những tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ mà còn góp phần củng cố nội lực của nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Lắp ráp ô tô tại nhà máy ô tô Toyota Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: TTXVN

Nội địa hóa để củng cố công nghiệp hỗ trợ

Theo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam còn rất nhiều dư địa, tiềm năng lớn cho ngành CNHT phát triển. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong số các quốc gia ASEAN. Nhiều ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, nhất là ngành điện tử. Các thương hiệu điện tử lớn như: Intel, Panasonic và Microsoft được dịch chuyển sang Việt Nam trong khi các doanh nghiệp (DN) nội địa tiếp tục giành được nhiều đơn hàng mới. Kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử tăng gần 5 lần, từ 12,8 tỷ USD năm 2011 lên 65,8 tỷ USD vào năm 2015. Năm 2016, sản lượng xuất khẩu các linh kiện điện thoại di động và điện tử luôn giữ tỷ trọng cao, góp phần lớn vào cân bằng thương mại của Việt Nam và giảm nhập siêu. Tuy nhiên, các DN điện tử nước ngoài dù chỉ chiếm 1/3 số lượng, nhưng chiếm đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử của cả nước và chiếm 80% thị phần trong nước.

Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho biết: Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm từ DN Nhật Bản với hơn 570 dự án đầu tư vào Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn nhất mà DN Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 34%, trong khi Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%. Vì vậy, các DN Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu từ các nước khác, dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro...

Với thực tế nêu trên, có thể thấy việc nội địa hóa để củng cố ngành CNHT là yêu cầu cấp bách. Các chuyên gia nhận định, trong tương lai gần, Việt Nam cần phát triển CNHT để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, trở thành cơ sở sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm của CNHT. Bởi lẽ, việc lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện có nguy cơ gây ra rủi ro lớn đối với các DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, vấn đề quan trọng nhất trong quá trình hợp tác vẫn là tạo ra được chuỗi giá trị mới cho DN hai bên, thông qua quá trình chuyển giao công nghệ...

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Thái (TP Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất linh kiện thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: TTXVN

Nhiều kỳ vọng từ những cải thiện chính sách

Những năm gần đây, việc phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu ở nước ta nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 về phát triển CNHT với rất nhiều hỗ trợ cho DN hoạt động trong lĩnh vực này, như: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, tiếp cận tín dụng... Tiếp đó, ngày 18-1-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển CNHT đến năm 2025. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều DN, những kết quả đạt được từ chính sách của Chính phủ vẫn còn hết sức khiêm tốn. Khó khăn, trở ngại lớn nhất của các DN vẫn là vấn đề về vốn. Hiện nay, các DN nhỏ đang phải vay vốn với lãi suất cao hơn mặt bằng chung của các nước khác. Bên cạnh đó, DN cũng khó tiếp cận được mặt bằng sản xuất kinh doanh khi quỹ đất ưu đãi cho các DN không còn nhiều; các thủ tục hành chính về thuế, hải quan vẫn còn rườm rà...

TS Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN CNHT, Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: "Mới chỉ cách đây một năm, chúng ta vẫn cho rằng, ngành CNHT Việt Nam phải tự tìm hướng đi cho mình, các chính sách của Chính phủ chưa phát huy được hiệu quả. Nhưng đến nay, đã có một số chính sách thay đổi diện mạo ngành công nghiệp giàu tiềm năng này, điển hình là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cho những DN khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Mức cao nhất mà DN được ưu đãi là miễn thuế thu nhập trong 5 năm đầu cho DN khởi nghiệp và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Đây là mức ưu đãi rất cao, nhưng chỉ những DN đã chắc chắn có khách hàng, có thị trường mới có thể sản xuất được sản phẩm để nhận những ưu đãi trên. Trong khi, DN nội địa khi khởi nghiệp vẫn loay hoay tìm thị trường, chưa biết làm thế nào để có khách hàng, tạo ra thu nhập và được hưởng mức thuế ưu đãi.

Đi cùng với chính sách ưu đãi là các thủ tục hành chính khi xác nhận DN hoạt động trong ngành CNHT đã được đơn giản hóa rất nhiều, quy định rất rõ tại Thông tư 55/2015/TT-BCT ngày 30-12-2015 của Bộ Công Thương. Hiện đã có một số DN về CNHT được cấp giấy chứng nhận và mỗi năm có thể tiết kiệm vài trăm triệu đồng tiền thuế. Ngoài ra, khi DN đã có giấy xác nhận sản xuất sản phẩm CNHT thì quá trình làm việc về thuế với các bên liên quan, cả về xuất-nhập khẩu, sẽ thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. TS Trương Thị Chí Bình đưa ra khuyến nghị, không chỉ với các DN khởi nghiệp trong ngành CNHT mà ngay cả những DN đã hoạt động nhiều năm, nếu không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN thì sẽ có những ưu đãi khác đi kèm. Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cũng như Sở Công Thương các địa phương rất hỗ trợ, tạo điều kiện để DN nhận được giấy xác nhận hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Với các DN siêu nhỏ có thể thông qua Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) để được cấp giấy xác nhận này, giúp DN tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.

Các chuyên gia đánh giá, Chương trình phát triển CNHT đến năm 2025 theo Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cú huých về thể chế để hình thành nhiều DN trong lĩnh vực này. DN cũng đặt nhiều kỳ vọng về các chương trình hỗ trợ liên quan đến kết nối DN với khách hàng, nâng cao năng lực của DN về sản xuất, thương mại... sẽ sớm được triển khai để hỗ trợ sớm nhất cho DN.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-cho-cong-nghiep-ho-tro-514447