Gỡ khó cho cơ sở y tế tuyến huyện

Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, cơ sở vật chất của nhiều bệnh viện tuyến huyện đã bị xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân Thủ đô. Đây cũng là trở ngại lớn cho việc thúc đẩy thực hiện tự chủ của các đơn vị, gây khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ, có thể điều trị tại tuyến y tế cơ sở

 Đoàn giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thị sát việc xã hội hóa ngành Y tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất.

Đoàn giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thị sát việc xã hội hóa ngành Y tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất.

Khó khăn kêu gọi xã hội hóa

Thành phố Hà Nội có 42 bệnh viện trực thuộc, trong đó có 13 bệnh viện đa khoa cấp thành phố, 13 bệnh viện đa khoa cấp huyện, 16 bệnh viện chuyên khoa. Thời gian qua, việc huy động nguồn lực xã hội hóa được các bệnh viện đẩy mạnh với 70 đề án liên doanh, liên kết hoạt động tại 17 bệnh viện và 10 trung tâm y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, việc triển khai và tổ chức thực hiện xã hội hóa tại các bệnh viện công lập tập trung ở các bệnh viện tuyến thành phố, trong khi đó hầu hết các bệnh viện tuyến huyện chưa triển khai được. Các bệnh viện đã thực hiện xã hội hóa cũng mới chủ yếu thu hút đầu tư lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa và huyết học. Đây là những lĩnh vực chủ đầu tư có thể thu hồi vốn nhanh, số vốn đầu tư cũng không quá lớn; còn các máy móc thiết bị chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao thì chưa kêu gọi được.

“Đặc biệt, cơ cấu giá dịch vụ liên doanh, liên kết cũng còn nhiều bất cập, chưa tính cụ thể khấu hao tài sản cố định của Nhà nước; trong khi giá trị khấu hao tài sản là máy móc thiết bị của đối tác đưa vào giá dịch vụ chiếm tỷ lệ cao, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Sở Y tế Hà Nội vừa hướng dẫn 8 cơ sở y tế lập Đề án trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép xã hội hóa y tế theo tinh thần Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế. Theo đó, 8 đơn vị đó gồm Trung tâm Cấp cứu 115 và 7 bệnh viện hạng I và hạng II, không có bệnh viện nào thuộc tuyến huyện.

Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất là một điển hình về khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân chính là do bệnh viện có diện tích chật hẹp, các tòa nhà xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng, cùng với thiết kế lạc hậu, không bảo đảm tính liên hoàn. Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất Vương Trung Kiên, để thực hiện được xã hội hóa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thì rất cần sự hỗ trợ của thành phố trong xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị y tế và tăng nguồn nhân lực.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh cho biết, kết quả khảo sát của ban cũng cho thấy, tình trạng nhiều bệnh viện tuyến huyện còn thiếu phòng làm việc, cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp chưa được tu bổ, nâng cấp. Chưa kể còn xảy ra tình trạng, có nơi mới được đầu tư xây dựng nhưng một số hạng mục đã bị xuống cấp; trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ; thiếu nhất là các trang thiết bị công nghệ cao, chuyên sâu hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

Giám sát thực tế về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trước thực trạng một số bệnh thông thường, nhưng người dân chưa tin tưởng tuyến y tế cơ sở nên tập trung ở các bệnh viện tuyến trên gây quá tải, thời gian tới, thành phố Hà Nội cần dành nguồn lực xứng đáng để tập trung xây dựng, phát triển tuyến y tế cơ sở. Đây là “cửa ngõ” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng hiện tại đang yếu nhất. Ngoài ra, UBND thành phố cũng cần sớm rà soát các bệnh viện đa khoa cấp huyện để quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn; đồng thời thu hút xã hội hóa thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho người dân khám, điều trị chất lượng cao.

Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hoàng Thị Tú Anh, yếu tố con người là quan trọng, vì thế, UBND thành phố cũng cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút các chuyên gia, nhà quản lý giỏi trong và ngoài nước tham gia công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, UBND thành phố sớm hướng dẫn quản lý tài sản công theo quy định của Chính phủ tạo điều kiện cho các đơn vị y tế công lập chủ động trong quá trình xây dựng và triển khai đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết phát triển dịch vụ ngành Y tế.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công lập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm đầu tư cho khu vực y tế cấp huyện và cơ sở về cả cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/930967/go-kho-cho-co-so-y-te-tuyen-huyen