Gò hàn và thảm họa cháy nổ: Người làm nghề 'giỡn mặt hỏa thần' nói gì?

Vụ hỏa hoạn vào trưa 21.12 tại nhà hàng bia Ruby (TX.Long Khánh, Đồng Nai) làm 6 người tử vong khiến dư luận thêm bàng hoàng vì những thảm họa cháy nổ do thợ hàn bất cẩn gây ra.

Thợ hàn làm việc tại công trình ở TP.HCM - Ảnh: Mạnh Trường

Theo những thợ lâu năm, nghề hàn là nghề "giỡn với hỏa thần”, do đó ý thức, kinh nghiệm và sự cẩn thận tuyệt đối là yếu tố tiên quyết khi làm việc.

[VIDEO] Công nhân thoát vụ cháy nhà hàng 6 người chết nhờ đi mua ốc vít

Gây hậu họa khôn lường chỉ do thiếu ý thức

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, hầu hết các thợ làm nghề gò hàn lâu năm đều cho rằng để xảy ra hỏa hoạn trong lúc hàn, cắt là do ý thức của người thợ chưa cao.

Ông Phan Quang Khải (chủ một cơ sở sửa chữa xe, máy móc ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), người có 20 năm trong nghề hàn, nhận định: “Việc để xảy ra hỏa hoạn trong lúc hàn là do người thợ thiếu ý thức. Bởi khi hàn tia lửa văng khắp nơi, dính vào đâu là gây cháy đến đó. Không cẩn thận trong phút chốc là gây hậu họa khôn lường”.

Một thợ hàn không được trang bị đầy đủ bảo hộ trong lúc hàn cửa - Ảnh: Mạnh Trường

Theo ông Khải, khi người thợ làm việc, tia lửa hàn văng khắp nơi, dễ dính lên dây điện và rất dễ gây chập, cháy, điện giật. Hoặc khi hàn ở trên cao thì tia lửa văng càng xa, trúng lên mái nhà, dây điện, công trình xung quanh cũng rất dễ gây cháy, nổ. Thậm chí tia lửa hàn bắn vào nhiều còn gây cháy, nổ cả nền gạch bởi nhiệt độ tia lửa hàn rất cao.

“Ngoài việc trang bị đồ bảo hộ lúc hàn thì phải luôn có bình chữa cháy kèm ngay bên cạnh để xử lý khi có sự cố”, ông Khải nói.

[VIDEO] Nhân chứng ám ảnh vì vụ cháy nhà hàng khiến 6 người chết ở Đồng Nai

Tương tự, ông Ba Nghĩa, một thợ hàn lâu năm ở Q.7 (TP.HCM), cho hay lúc hàn tia lửa bắn vào các vật dụng như quần áo, mút xốp... dễ gây cháy. Còn đối với gò hàn bằng khí hàn gió thì dễ gây nổ do người hàn không có kinh nghiệm hoặc “tay ngang” vô làm mà mở gió quá nhiều gây “nuốt lửa” dẫn đến nổ bình khí.

“Làm nghề gì cũng đòi hỏi sự cẩn thận nhưng đối với nghề hàn thì phải tuyệt đối cẩn thận. Bởi mình đang “giỡn” với lửa, gây cháy bất cứ lúc nào, không lường trước được nguy cơ”, ông Nghĩa nói.

Cùng chung nhận định, anh Nguyễn Công Trung (quản lý đội thợ hàn hơn 15 người tại một công trình xây dựng ở TP.HCM) nói: “Khi hàn sẽ có khả năng gây ra: cháy, nổ và điện giật. Mà nguyên nhân chính gây ra sự cố là do ý thức của người thợ chưa cao. Đối với các công trình dân dụng, nhà dân nhỏ lẻ thì thợ làm rất ẩu. Các thợ này thường là những người làm tự do và tự dạy nghề cho nhau chứ chưa được đào tạo bài bản và có kiến thức về gò, hàn”.

Phải được đào tạo bài bản

Theo anh Nguyễn Công Trung, để làm nghề hàn trước tiên người thợ phải được đào tạo bài bản, có kiến thức về nghề và được cấp chứng chỉ. Người dân, chủ công trình thuê thợ hàn để sửa chữa công trình nên đòi hỏi và yêu cầu được kiểm tra chứng chỉ nghề của người thợ trước khi bắt tay vào công việc.

Đặc biệt, khi vào làm việc, người thợ phải khảo sát địa hình, bởi nhiệt độ lúc hàn lên tới 2.000 - 5.000 oC, việc gây cháy chỉ trong tích tắc. Thợ phải quan sát xem trong khu vực làm việc có vật gì dễ cháy để di dời, che chắn. Phạm vi an toàn tối thiểu là 3 m vì tia lửa hàn văng rất xa. Đồng thời lúc hàn, cắt sắt gây ra tia lửa thì phải có bình chữa cháy bên cạnh để ứng biến khi có sự cố xảy ra.

Lúc hàn phải có biển cảnh báo, bình chữa cháy và thợ hàn phải có bảo hộ đầy đủ - Ảnh: Mạnh Trường

“Kinh nghiệm là người thợ phải đánh giá được những tình huống, trường hợp rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hàn để phòng tránh như: tia lửa bắn về đâu, phạm vi khu vực làm việc như thế nào để từ đó tính toán che chắn, lót nền, phủ bạt chống cháy trước khi làm việc”, anh Trung phân tích.

Cũng theo anh Trung, ngoài ra, lúc hàn phải có biển cảnh báo đặt ở xung quanh khu vực làm việc, phải di dời, cho người dân ra ngoài khu vực làm việc để đảm bảo an toàn.

“Cẩn thận hơn nữa là phải có người cảnh giới xung quanh khi thợ làm việc. Vì thợ hàn mãi tập trung làm việc, ở trên cao, khu vực góc khuất thì đâu biết xung quanh xảy ra chuyện gì. Khi có sự cố, cháy nổ thì người cảnh giới sẽ lập tức xử lý ngay được”, anh Trung nhấn mạnh thêm.

Một số vụ hỏa hoạn nghiêm trọng do gò hàn gây nên

Chiều 19.11.2013, nhóm thợ cải tạo một khu vực trong quán bar Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất cẩn làm lửa hàn bắn vào đống vật liệu thi công có nhiều tấm xốp gây ra hỏa hoạn. Vụ cháy khiến 6 người đã tử vong và một số chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải nhập viện do bị ngạt khí trong lúc làm nhiệm vụ.

Ngày 1.11.2016, thợ hàn thi công sửa, cắt bản lề tại tầng hai của quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), lửa và vảy hàn chảy xuống nền nhà, bắn lên vách gây cháy. Vụ hỏa hoạn khiến 13 người tử vong.

Trưa 29.7.2017, trong quá trình sửa chữa một xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng (H.Hoài Đức, Hà Nội), thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp gây hỏa hoạn. Vụ cháy đã khiến 8 người tử vong, toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi...

Mạnh Trường

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/go-han-va-tham-hoa-chay-no-nguoi-trong-nghe-noi-gi-1036091.html