Gò Đống Đa 364 ngày trầm mặc

Mỗi dịp xuân về, người dân khắp nơi lại nô nức đổ về khu di tích gò Đống Đa để trảy hội. Hòa trong tiếng trống hội, những câu chuyện về người anh hùng 'áo vải cờ đào' với ý chí chống giặc ngoại xâm của dân tộc lại được gợi nhắc.

Di tích gò Đống Đa chỉ nhộn nhịp du khách trong ngày hội. Ảnh: Thế Đại.

Di tích gò Đống Đa chỉ nhộn nhịp du khách trong ngày hội. Ảnh: Thế Đại.

Thế nhưng, phía sau lễ hội, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này cũng rất đáng lưu tâm.

Chưa là điểm du lịch hấp dẫn

Những năm qua, cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của gò Đống Đa. Tuy nhiên, hoạt động này còn khiêm tốn so với bề dày lịch sử của khu di tích.

Thực tế cho thấy, trảy hội Đống Đa đã trở thành một nét văn hóa của người Hà Thành. Nhưng sự tấp nập, nhộn nhịp tại di tích ấy dường như cũng chỉ gói gọn trong ngày mồng 5 Tết. Trong 364 ngày còn lại, gò Đống Đa trầm mặc, lặng lẽ “nép mình” bên con phố tấp nập người xe.

ThS Mai Thị Ngọc – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chỉ rõ: “Công tác tuyên truyền, giới thiệu về di tích chưa thường xuyên. Diện tích phòng trưng bày bổ sung của di tích còn nhỏ, hiện vật đơn điệu. Chưa ứng dụng công nghệ hiện đại trong giới thiệu về di tích.

Việc huy động các nguồn lực xã hội vào bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn chưa nhiều. Ý thức bảo vệ di sản của nhân dân trên địa bàn chưa cao. Vẫn còn hiện tượng vi phạm, đe dọa tính nguyên gốc của di tích”.

Theo PGS.TS Dương Văn Sáu – Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, gò Đống Đa là một di tích quốc gia đặc biệt. Nhưng thực tế đây chưa phải điểm du lịch hấp dẫn.

Còn PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thì trăn trở: “Việc tạo ra trong lòng khu di tích đến từ quá khứ một không gian văn hóa – công viên văn hóa lịch sử cũng có nghĩa là chúng ta đã tạo ra một địa điểm sống động – nơi chốn cho việc tương tác giữa con người và môi trường thiên nhiên, giữa con người với lịch sử.

Thật đáng tiếc, chức năng của Công viên văn hóa lịch sử gò Đống Đa lại thiếu các sự kiện có khả năng tạo nên các cơ hội cho sự trải nghiệm thực sự hấp dẫn”.

Giải pháp nào phát huy giá trị của di tích?

Để phát huy giá trị của khu di tích gò Đống Đa, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng khu di tích cần được bảo tồn tôn tạo một cách hoàn chỉnh. Triển khai ngay quy hoạch tổng thể. Tạo điểm nhấn tại một số địa điểm trong và ngoài di tích để phục vụ hoạt động trải nghiệm du lịch văn hóa tín ngưỡng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông giới thiệu về di tích…

Theo TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, để khu di tích này phát huy có hiệu quả, phòng trưng bày cần được đổi mới với một dự án xây dựng bài bản, công phu và nghiêm túc. Nó cần có sự tham gia của công nghệ hiện đại chứ không phải chỉ là chỉnh lý bổ sung.

Một giải pháp quan trọng nhằm khai thác, phát huy giá trị của di tích gò Đống Đa đó là liên kết để phát triển hoạt động du lịch văn hóa. Theo PGS.TS Dương Văn Sáu, để khu di tích này trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, cần phải tiến hành tu bổ, tôn tạo, bổ sung phát triển các dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cụ thể, bên cạnh những giá trị hiện hữu, cần phải bổ sung nghiên cứu, xúc tiến đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch. Trước tiên là việc tổ chức, bố trí giao thông động và tĩnh thông qua việc bố trí đường đến tiếp cận di tích cho các phương tiện vận chuyển khách.

Nghiên cứu, chỉnh trang khu di tích trên cơ sở trồng hoa, cây xanh, bố trí thảm cỏ, xây dựng đài phun nước, lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh, xây dựng bổ sung các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn…

Ngoài việc tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày mồng 5 Tết, cần có kế hoạch thường nhật tái hiện hoạt cảnh “rồng lửa Thăng Long xung trận”, “Cuộc hành binh thần tốc giải phóng Thăng Long”, xây dựng phòng chiếu phim lịch sử, xây dựng sân khấu để tổ chức “Trống trận Tây Sơn”, biểu diễn võ thuật Tây Sơn, Bình Định… phục vụ khách du lịch khi đến di tích.

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho rằng, nên cho phép tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục tại di tích.

“Trước hết, tập trung vào các trường học phổ thông trên địa bàn quận Đống Đa. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tiết học chuyên đề lịch sử địa phương theo chương trình của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại di tích.

Để thực hiện việc này, Ban Quản lý di tích chủ động từng bước xây dựng chương trình tham quan, giới thiệu học tập tại di tích với thời lượng hợp lý, nội dung phù hợp hấp dẫn” – ông Kiêu gợi mở.

Với tiềm năng sẵn có, việc phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa là điều hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, rất cần có sự chung sức của nhiều chủ thể, từ các cơ quan quản lý Nhà nước, đến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và cả cộng đồng…

PGS.TS Đặng Văn Bài ví von di tích gò Đống Đa là một “cột mốc văn hóa” - địa điểm mang tính biểu trưng cho cả một khu vực chiến trường rộng lớn xưa.

Di tích gò Đống Đa gắn với trận đánh thần tốc/ chiến thắng lừng lẫy Ngọc Hồi – Đống Đa của Quang Trung – Nguyễn Huệ tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược, giành lại độc lập cho quốc gia dân tộc vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Sau ngày giải phóng Thủ đô, lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành Quốc lễ...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/go-dong-da-364-ngay-tram-mac-4068735-b.html