Gỡ điểm nghẽn phát triển Đông - Tây Nam Bộ

Việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) là tất yếu khách quan, giúp phát huy được lợi thế của cả hai vùng. Đồng thời, việc tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng nội vùng và liên vùng cũng sẽ giúp hai vùng kinh tế quan trọng này có nhiều cơ hội tăng tốc trong tương lai.

Tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL, từ các tỉnh miền Đông về TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL, từ các tỉnh miền Đông về TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 14/8, Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và đầu tư công năm 2020 vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long. Đây là hội nghị thứ ba trong chuỗi 4 hội nghị vùng về nội dung này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức để hướng dẫn, thảo luận, lắng nghe ý kiến của các địa phương trong xây dựng kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công năm 2020.

Hội nghị tại Vĩnh Long được lãnh đạo các địa phương tham dự đánh giá là cơ hội tốt để 6 tỉnh vùng ĐNB và 13 tỉnh ĐBSCL hiểu biết, hỗ trợ, kết nối trong phát triển kinh tế thời gian tới.

Tăng liên kết để phát huy lợi thế

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT tại Hội nghị, trong nửa đầu năm 2019, kinh tế của hai vùng đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng ĐNB đạt 7,9%, ĐBSCL đạt khoảng 7,5%, đều cao hơn bình quân cả nước (6,76%). Tuy nhiên, hai vùng còn gặp một số khó khăn, thách thức nên một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả hai vùng đạt thấp, nhất là ĐNB đạt 25,35%, thấp hơn bình quân chung cả nước (36,16%). Thu ngân sách nhà nước của ĐNB chỉ đạt 97,83% kế hoạch được giao, có tác động tới thu ngân sách cả nước và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH...

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ KH&ĐT lưu ý, trong thời gian còn lại của năm 2019, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ; rà soát, đối chiếu, có giải pháp đối với các chỉ tiêu khó đạt mục tiêu kế hoạch năm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu KTXH năm 2019. Các tỉnh cũng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong điều hành ngân sách nhà nước, cần rà soát các khoản có khả năng tăng thu, các khoản thu tốt để tăng cường các giải pháp thu; rà soát các khoản giảm thu, thu hụt, chưa đạt tiến độ để có giải pháp bù đắp và đẩy mạnh thu; đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất, khai thác nhà công sản, công sở... Đặc biệt, các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Về trung, dài hạn, với tầm quan trọng của hai vùng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống nhấn mạnh, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Đông - Tây Nam Bộ là tất yếu khách quan, để hỗ trợ cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế của mình trong quá trình phát triển KTXH. Vùng ĐNB có lợi thế trong phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nên có thể thúc đẩy đa dạng đầu tư, mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế đối với khu vực ĐBSCL.

Thứ trưởng lưu ý, các tỉnh cần phối hợp, liên kết phát triển để tạo hiệu quả trong điều hành KTXH, cùng xác định cụ thể ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung phát triển để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến đầu tư một cách dàn trải, trùng lắp, không gian kinh tế vùng bị chia cắt..., làm hưởng lớn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.

Kết nối hạ tầng giao thông

Thứ trưởng Võ Thành Thống chỉ ra một trong những điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của hai vùng là kết nối hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên trên các tuyến giao thông từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL, từ các tỉnh miền Đông về TP.HCM dẫn đến chi phí vận tải tăng cao, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng.

Đối với vùng ĐNB, đại diện nhiều tỉnh cho biết, các trung tâm logistics đang hoạt động hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, việc kết nối giữa các phương thức vận tải chưa thật sự hiệu quả, chưa có hành lang vận tải đa phương thức, chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn. Tình trạng quá tải diễn ra cả với giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, cảng hàng không, cảng biển và đường thủy nội địa. Đây chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển KTXH nếu không sớm được cải thiện.

Đối với ĐBSCL, ông Lữ Quang Ngời, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, do tính chất kênh rạch chằng chịt và nền đất yếu nên phát triển hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế, suất đầu tư cao, khó khăn trong huy động các nguồn lực đầu tư. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, đặc biệt là thiếu nguồn lực để triển khai các dự án và hoạt động liên kết vùng.

Ông Lữ Quang Ngời kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm tham mưu xây dựng chính sách đặc thù về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cho vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị các địa phương khi xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2026 chủ động phối hợp chặt chẽ và tham gia với Bộ KH&ĐT trong việc xây dựng khung hướng dẫn, đề xuất các giải pháp nhằm tập trung tối đa nguồn lực cho các dự án giao thông lớn kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển. Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ sớm có khung hướng dẫn để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công.

Nguyệt Minh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/go-diem-nghen-phat-trien-dong-tay-nam-bo-106095.html