Gỡ điểm nghẽn kinh tế số

Mỗi nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền KTS phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó.

NGUYỄN THỊ MINH HUYỀN, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và KTS (Bộ Công Thương):

Nhân lực yếu tố quyết định

Để chuyển đổi thành công nền kinh tế Việt Nam sang nền KTS, nhất thiết phải có nguồn nhân lực số. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay, trong đó tập trung vào 3 giải pháp chính.

Thứ nhất, phát huy vai trò của Chính phủ trong phát triển nền KTS. Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của toàn xã hội làm xuất hiện xã hội số.

Để thực hiện được vai trò này đòi hỏi Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới mô hình và cách thức áp dụng công nghệ số trong quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; từng bước xây dựng hoàn thiện và chuyển đổi mọi hoạt động quản lý của Chính phủ sang Chính phủ điện tử trên nền tảng công nghệ số.

Hệ thống dịch vụ công được cung cấp trực tuyến sẽ biến mọi công dân thành công dân điện tử, mọi doanh nghiệp thành doanh nghiệp điện tử.

Thứ hai, các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và chuyển đổi số cần phát huy vai trò chủ động và tích cực. Thành công của hệ thống các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và chuyển đổi số là nhân tố trung tâm quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi nền KTS.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, mặc dù đã có một số doanh nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.

Thứ ba, xây dựng nền giáo dục của nền KTS và xã hội số. Trọng tâm ở đây là phải gắn chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cả 2 phương diện vĩ mô và vi mô.

Cần nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới; tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học; xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại kiến thức nghề nghiệp; cung cấp khả năng tự học tập một cách linh hoạt, phù hợp đối với từng tổ chức, cá nhân.

Xây dựng hệ sinh thái với sự liên kết, chuyển giao 3 bên giữa doanh nghiệp, nhà trường và người học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo về kỹ thuật, công nghệ cũng như đáp ứng nhu cầu học tập, cập nhật công nghệ cho các lứa tuổi.

Ông NGUYỄN THÀNH NHÂN, CEO Công ty Kalapa cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính:

Tạo môi trường pháp lý phù hợp

Báo cáo “Nền KTS Đông Nam Á 2019” do Google, Temasek và Bain dự đoán Việt Nam tăng trưởng 24%/năm từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 43 tỷ USD năm 2025. Trong khi đó, ASEAN tăng trưởng 20%/năm từ 100 tỷ USD năm 2019 lên 300 tỷ USD năm 2025.

Còn mới đây, trong Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020 vừa được Chính phủ trình bày tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đặt ra kỳ vọng KTS của Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu này, năm 2025 KTS Việt Nam cần tăng trưởng 31%/năm, cao hơn Google, Temasek và Bain ước tính 24%/năm; năm 2030 cần tăng trưởng 30,5%/năm suốt 10 năm, cao hơn Google, Temasek và Bain ước tính 24%/năm.

Ngoài ra, Việt Nam cũng kỳ vọng đến năm 2030 có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển KTS, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Để làm được điều này, môi trường khởi nghiệp và hành lang pháp lý dành cho KTS cần phải thay đổi rất nhiều so với hiện nay.

Hiện nay, môi trường vẫn chưa phù hợp cho KTS phát triển. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu cầu lập công ty ở Singapore trước khi rót vốn cho khởi nghiệp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Thí dụ điển hình là Grab bắt đầu ở Malaysia năm 2012 và chuyển về Singapore năm 2014. Hay lĩnh vực fintech, vốn được xem là mạch máu của KTS. Do vậy, nếu hành lang pháp lý đóng và giấy phép sandbox dành cho fintech không được triển khai, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro “trâu chậm hết nước uống” so với các nước Đông Nam Á.

Nói như vậy để thấy rằng trong thời đại số, khởi nghiệp và nhà đầu tư sẽ chọn hành lang pháp lý phù hợp nhất trong thời đại KTS. Tôi hy vọng, khởi nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ không phải dùng hành lang pháp lý Singapore, thuê luật sư Singapore và đóng thuế cho chính phủ Singapore, mà có thể thực hiện quá trình này ở ngay Việt Nam.

TS. VÕ TRÍ THÀNH, nguyên Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ:

Thực hiện từ những thứ đơn giản nhất

KTS dựa trên nền tảng công nghệ, nhưng công nghệ dù có ảo đến đâu cuối cùng bản chất của nó vẫn là bản sao của thế giới thực. Nếu thế giới thực không vận hành, mảng kỹ thuật số cũng không thể tồn tại và phát triển, dù đằng sau những bản sao đấy là những nhà toán học thông minh, những nhà bác học lỗi lạc và cả hệ thống trí tuệ nhân tạo khổng lồ thông minh nhất.

Cho nên, tôi cho rằng yếu tố con người là quan trọng. Chúng ta phải xem KTS hiện nay là xu thế tất yếu. Nhưng câu hỏi đặt ra là để doanh nghiệp chuyển đổi số, để phát triển KTS, để đạt được những mục tiêu Chính phủ đề ra, chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Tôi cho rằng nên bắt đầu từ cái nhỏ nhất, dựa trên yếu tố con người.

Khi tôi sang châu Âu, một chuyên gia nghiên cứu thị trường nói với tôi họ khảo sát rất kỹ thói quen thị giác của khách hàng từ các quốc gia, châu lục. Và họ phát hiện ra rằng người châu Âu không thích màu sắc quá màu mè, sặc sỡ, nên nhà cửa, đồ dùng của họ thường có màu sáng nhẹ hoặc xám, sẫm.

Còn người châu Phi và châu Á lại thích màu sắc sặc sỡ, đặc biệt là gam màu đỏ. Từ nghiên cứu khảo sát này họ quyết định số hóa các đặc điểm này thành dữ liệu. Trên cơ sở đó, họ sáng tạo ra màu sắc cho các sản phẩm hàng hóa.

Thí dụ, gói mì có chất lượng, gia vị như nhau, song bán ở châu Á bao bì của gói mì có màu tươi hơn. Nhờ vậy đạt doanh số bán hàng lớn với lợi nhuận cao hơn trước kia.

Lưu Thủy (ghi)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/go-diem-nghen-kinh-te-so-85500.html