GỠ ĐIỂM NGHẼN KẾT NỐI

Một trong những điểm yếu lớn nhất của hệ thống hạ tầng giao thông nước ta hiện nay là thiếu tính đồng bộ, kết nối. Các công trình đầu mối giao thông như cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế còn chưa liên kết chặt chẽ với mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Điểm nghẽn này cần được tháo gỡ để những khu vực động lực tăng trưởng của đất nước phát huy được vai trò đầu tàu.

Là cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước, cảng Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có thể tiếp nhận được tàu chở hàng, tàu container trọng tải lớn. Cụm cảng này được kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 50% lượng hàng hóa lưu thông qua trong hệ thống cảng biển nước ta. Với lợi thế vị trí địa lý tự nhiên của cảng nước sâu và hạ tầng được đầu tư hiện đại, cảng Cái Mép-Thị Vải nằm trong số ít cảng biển trên thế giới đón được "siêu tàu" có trọng tải hơn 200.000 tấn. Tuy nhiên, việc lấp đầy công suất khai thác của cụm cảng này vẫn đang là bài toán khó giải khi công suất thực tế mới chỉ đạt hơn 50%. Tuyến Quốc lộ 51 từ Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thường xuyên quá tải khiến việc chuyên chở hàng hóa đến cảng cũng như phục vụ vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn. Đây chính là một trong những ách tắc cần được khơi thông để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Cảng Cái Mép. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cảng Cái Mép. Ảnh minh họa: TTXVN.

Giao thông được xem là "mạch máu" của nền kinh tế, vì vậy, tắc nghẽn giao thương khiến nền kinh tế giống như một cơ thể ốm yếu. Để tháo gỡ điểm nghẽn kết nối cho khu vực Đông Nam Bộ cũng như rộng hơn là những khu vực khác trên cả nước, cần có các giải pháp đồng bộ, chú trọng phát triển hệ thống vận tải đa phương thức. Đơn cử như muốn khơi thông cụm cảng Cái Mép-Thị Vải cần sớm triển khai tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, xóa thế độc đạo của Quốc lộ 51. Bên cạnh đó, cần nạo vét luồng lạch, giúp tàu, thuyền ra vào cảng dễ dàng và tận dụng mạng lưới đường thủy, đưa hàng hóa đi sâu vào nội địa. Tương lai xa hơn cần nghiên cứu dự án đường sắt Biên Hòa-Cái Mép vừa phục vụ chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn vừa đáp ứng vận tải hành khách. Việc hình thành hệ thống vận tải đa phương thức sẽ dần định hình một trung tâm phân phối hàng hóa, lấy cảng biển làm đầu mối, qua đó, giúp thúc đẩy hơn nữa xuất, nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Các công trình giao thông mang tính chất động lực, có sức lan tỏa cao luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu trong đầu tư phát triển của đất nước. Hiện nay, đường cao tốc Bắc-Nam đang được xây dựng, nối liền thành thị với nông thôn, đi qua những đô thị lớn, những vùng kinh tế năng động nhất của cả nước. Mục tiêu trong tương lai không xa, nước ta sẽ có tuyến đường cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau đang dần trở thành hiện thực. Cùng với đó là rất nhiều công trình giao thông trọng điểm khác từ hàng không, đường biển, đường thủy, đường sắt đến đường bộ cũng được nghiên cứu, triển khai thực hiện. Mỗi công trình, dự án cần được đặt trong quy hoạch tổng thể chung với yêu cầu cao nhất là tăng cường tính kết nối.

Dù hiện đại đến đâu nhưng công trình giao thông sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu được liên kết để tạo thành hệ thống đồng bộ. Khi "mạch máu" thông suốt sẽ là cơ sở để khơi thông nguồn lực đầu tư toàn xã hội, giúp kinh tế đất nước tiếp tục đạt được những bước đột phá.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/go-diem-nghen-ket-noi-655752