Gỡ đầu ra cho nông sản

Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường xuống thấp, đầu ra bấp bênh, khiến nhiều hộ nông dân đứng trước nguy cơ phá sản.

Nắm bắt kịp thời tình hình, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Vượt khó cùng nông dân
Nhiều năm nay, điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội – số 33 Nguyễn Chí Thanh đã trở thành địa chỉ kết nối tin cậy của nhiều hộ nông dân với người tiêu dùng Thủ đô. Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội Tô Hải Long cho biết, trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức 8 phiên giao dịch, giới thiệu nông sản an toàn với sự tham gia luân phiên của HND 18 quận, huyện trên địa bàn TP. Tại các phiên giao dịch, nông dân và DN có cơ hội giới thiệu tới người tiêu dùng các nông sản an toàn tiêu biểu của địa phương, trong đó, nhiều sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại Phiên giao dịch giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn tháng 6/2018. Ảnh: Ánh Ngọc

Để giúp nông dân tiếp cận thị trường, hàng năm HND TP tổ chức đưa hàng trăm sản phẩm nông sản an toàn và làng nghề đặc sắc tham dự các Hội chợ giới thiệu, quảng bá. Nhờ đó, các DN, HTX đã tìm kiếm được nhiều đối tác trong và ngoài nước, ký kết hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014 – 2018, các sản phẩm nông sản cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, trường học đạt gần 4 tỷ đồng; các sản phẩm làng nghề xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga đạt giá trị trên 20 tỷ đồng.
Đi đôi với hỗ trợ tiêu thụ nông sản, HND TP chú trọng kênh hỗ trợ vốn để giúp nông dân vượt qua khó khăn. Hiện, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đang quản lý hơn 550 tỷ đồng cho hơn 41.000 hộ nông dân vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó, HND TP cũng nhận ủy thác, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi không cần thế chấp cho nông dân hơn 3.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT. Nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nông dân vùng ngoại thành ổn định sản xuất trong bối cảnh chăn nuôi liên tiếp gặp khó về giá suốt mấy năm gần đây.
Tăng cường kết nối với doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng, việc liên kết hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản thời gian qua bộc lộ những hạn chế, phổ biến nhất là tình trạng phá hợp đồng. Nhiều DN chưa tôn trọng lợi ích của nông dân, không quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi. Ngược lại, không ít người dân không tôn trọng cam kết, sẵn sàng bán sản phẩm ra thị trường khi giá lên cao. Mặt khác, do tập quán canh tác riêng lẻ, mang tính tự phát của người dân nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực...
Đáng nói, nguồn vốn hỗ trợ nông dân hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, đây là tỷ lệ còn thấp so với mong muốn nâng cao, mở rộng các mô hình sản xuất. Đó là chưa kể tốc độ tăng trưởng vốn quỹ ở một số nơi còn chậm, quy mô vốn của nhiều đơn vị còn hạn chế. Việc lựa chọn mô hình xây dựng các dự án theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, giải pháp hàng đầu là chủ động triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, tạo sự liên kết chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến các kênh tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của DN.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/go-dau-ra-cho-nong-san-320228.html