Gò Đàng: nhanh tay mới có lợi nhuận

Doanh thu và lợi nhuận ròng của Gò Đàng từ năm 2008 - 2011

“2011 là một năm thành công của Gò Đàng do Công ty đã có những quyết định đúng đắn”, ông Nguyễn Tùng Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết. Đơn hàng tăng và giá xuất khẩu ổn định là động lực để Công ty có thể an tâm sản xuất và mạnh tay đầu tư trong năm mới.

Tăng trưởng ngoài mong đợi

Trong khi nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản khó khăn, bị thâm vốn, sản xuất giảm hoặc phải ngừng sản xuất, Gò Đàng lại có những chuyển biến bất ngờ. Năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của Công ty đã tăng tới 30% trong khi những năm trước chỉ tăng rất ít. Ông Dương cho biết, Công ty có được lợi nhuận từ việc bán hết hàng tồn kho từ năm trước, lợi nhuận do chênh lệch tỉ giá và giảm giá vốn hàng bán.

Để có được điều này, Gò Đàng đã phải tính toán rất kỹ. Công ty đã giảm được giá vốn hàng bán do đã đầu tư vùng nguyên liệu từ năm 2007. Đến năm 2011, Công ty đã chủ động được 80% nguyên liệu.

Theo tính toán của ông Dương, năm nay giá cá nguyên liệu của Công ty đã giảm được 2.500 đồng/kg so với giá mua bên ngoài. Thêm vào đó, Công ty cũng bắt đầu đưa nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đi vào hoạt động. Với việc tự sản xuất thức ăn cho cá, Công ty cũng tiết kiệm được 1.500 đồng/kg so với việc mua thức ăn từ bên ngoài.

Nhờ đó, giá vốn hàng bán của Công ty đã giảm từ 79% xuống còn 72%. Cũng chính từ việc chủ động nguồn nguyên liệu, Công ty đã giảm bớt được thiệt hại khi giá cá nguyên liệu ngoài thị trường biến động, có lúc chênh lệch đến 10.000 đồng/kg như hồi tháng 6 năm ngoái.

Ngoài ra, từ năm 2012, Gò Đàng còn tăng được doanh thu nhờ bán phụ phẩm từ cá đã qua chế biến. Trước đây, Công ty chỉ bán mỡ cá tươi nhưng sau khi có nhà máy chế biến thức ăn, các phụ phẩm này được sơ chế nên giá bán cũng đã tăng.

Tuy nhiên, theo ông Dương, doanh thu của Gò Đàng năm 2012 dự kiến sẽ tăng hơn 10% nhưng lợi nhuận thì hầu như không tăng so với năm 2011. Ông Dương cho biết, năm 2011, Công ty đã thu được 10% lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá. Năm 2012, Công ty không hy vọng sẽ thu lợi từ tỉ giá như năm ngoái.

Và mục tiêu mới

Sau một số lần tham dự hội chợ thủy sản tại Mỹ, nhiều khách hàng đã hỏi và ngỏ ý muốn mua sản phẩm của Công ty. Tuy nhiên, theo ông Dương, do chưa được phía Mỹ áp dụng thuế ưu đãi nên Công ty đã không thể thâm nhập thị trường này. Nhận thấy thị trường châu Âu đã tạm ổn định trong khi thị trường Mỹ đang có giá mua cá tra cao hơn 0,2 USD/kg so với thị trường khác, Gò Đàng đã nhanh chóng xúc tiến những giải pháp để vào thị trường Mỹ mà việc tham gia vụ kiện kể trên là một ví dụ.

Dự kiến, tháng 8, Gò Đàng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, năng lực sản xuất của Công ty sẽ không đủ. Chính vì vậy, giải pháp tạm thời là nếu thị trường Mỹ tăng trưởng nhanh, Công ty sẽ giảm xuất khẩu sang châu Âu. Về lâu dài, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới.

Hiện nay, Gò Đàng đã lên kế hoạch mở rộng thêm 60 ha diện tích ao nuôi trong năm nay để tiết giảm chi phí. Trong cơ cấu sản phẩm của Gò Đàng, nghêu chiếm 30% tổng giá trị, cá tra đông lạnh chiếm 60%.

Nhu cầu nghêu rất lớn nhưng Công ty không dễ tăng sản lượng vì nghêu chủ yếu được nuôi ven biển, khó mở rộng diện tích nuôi. Vì vậy, Gò Đàng chỉ còn cách đầu tư để tăng sản lượng cá tra phục vụ xuất khẩu. Ngày 6.4, cổ đông đã thông qua kế hoạch mở rộng nhà máy và xây dựng vùng nuôi cá 130 ha tại Bến Tre vào năm 2013.

Để chuẩn bị vốn đầu tư 200 tỉ đồng cho nhà máy này, Gò Đàng đang đàm phán với đối tác nước ngoài để bán 3 triệu cổ phiếu vào tháng 5.2012.

Trong những ngày này, hoạt động sản xuất tại Công ty Gò Đàng đang rất khẩn trương và nhộn nhịp. Cả Công ty ai cũng biết, ở châu Âu, khách hàng đang đợi 30 container cá phi-lê của họ.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=12136