Gỗ Chile - Giải pháp phát triển bền vững cho ngành chế biến gỗ Việt Nam

Nằm trong danh sách 20 đối tác thương mại hàng đầu của Chile, Việt Nam đang dần trở thành quốc gia nhập khẩu lâm sản nhiều nhất trong khối ASEAN từ đất nước này, với mức tăng lên đến 12% mỗi năm. Trong đó gỗ thông Radiata được xem là nguyên liệu phù hợp và tiềm năng nhất cho ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất.

Tám tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Chile sang thị trường của 120 nước trên thế giới đã đạt giá trị 4 tỉ USD. “Để tiếp tục nâng cao vị thế của mình trên bản đồ xuất khẩu lâm sản thế giới, thời gian tới, Chile sẽ tập trung hơn nữa vào thị trường châu Á, trong đó, đặc biệt là Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Quang, đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại Chile tại Việt Nam (ProChile Vietnam) khẳng định thông tin trên tại Hội thảo Cơ hội kinh doanh ngành công nghiệp chế biến gỗ Chile – ASEAN, diễn ra sáng 22/11, tại TP. Hồ Chí Minh.

Các DN Việt Nam tiếp xúc trao đổi với DN cung ứng gỗ Chile tại hội thảo

Các DN Việt Nam tiếp xúc trao đổi với DN cung ứng gỗ Chile tại hội thảo

Sở hữu lãnh thổ 756 nghìn km2, tài nguyên khoáng sản dồi dào và đặc biệt là những rừng gỗ bạt ngàn, Chile khẳng định mình là một trong những quốc gia ổn định và thịnh vượng nhất khu vực Nam Mỹ. Năm 2018, Chile xuất khẩu hơn 6,8 tỉ USD giá trị lâm sản ra thị trường nước ngoài, trong đó, 2,7 tỉ USD là gỗ thông Radiata.

Tại Chile, lâm nghiệp là một trong những ngành được chính phủ quan tâm phát triển bền vững, đảm bảo bảo vệ môi trường và ổn định kinh tế xã hội, mỗi năm ngành gỗ đóng góp khoảng 3% tổng thu nhập quốc nội. Các sản phẩm chính của ngành lâm nghiệp Chile gồm: bột giấy, ván ép, gỗ xẻ, dăm gỗ, molding, giấy báo… với giá rất cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đến nay, Chile có hơn 17 triệu ha đất trồng rừng, (chiếm 22,9% diện tích lãnh thổ), trong đó 86% là rừng nguyên sinh, khoảng 14,6 triệu ha. Diện tích đất trồng rừng công nghiệp là 2,4 triệu ha (chiếm 4% diện tích lãnh thổ), chủ yếu bao gồm thông Radiata, 1,4 triệu ha và bạch đàn (Globulus và Nitens), khoảng 1 triệu ha. Theo tính toán, mỗi năm Chile đạt năng suất khai thác khoảng 46 triệu m3 gỗ, tương đương 98% từ nguồn rừng trồng công nghiệp.

Điều quan trọng là ngoài yếu tố chất lượng vượt trội so với các vùng trồng rừng tại nước khác, các cánh rừng tại Chile đảm bảo được tính bền vững. Trong số 2,4 triệu ha đang được trồng, có khoảng 1,6 triệu ha có chứng chỉ FSC hoặc Certfor/PEFC, tương đương 70% diện tích. 104 doanh nghiệp (DN) có chứng nhận truy nguyên xuất xứ sản phẩm. Đây chính là nền tảng thuận lợi nhất cho hợp tác với các DN Việt Nam, quốc gia đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm nội thất của thế giới.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hứa hẹn một tương lai rộng mở cho hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Chile. Ngành xây dựng và chế biến gỗ giữa Chile và Việt Nam trong những năm gần đây đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong quan hệ hai nước. Tổng kim ngạch trao đổi song phương từ năm 2014 đến nay tăng đều, trung bình ước tính khoảng 6%/năm. Riêng mặt hàng gỗ thông nguyên liệu, trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Chile hơn 87 triệu USD, gấp đôi so với 4 năm trước đó.

Gỗ thông Chile được đánh giá là có chất lượng cao vì đảm bảo được độ cứng, bám đinh, ốc vít và sơn rất tốt. Chất lượng gỗ đồng đều, đẹp với màu gỗ sáng, bắt mắt. Ngoài ra, gỗ thông Chile có mùi đặc trưng là khắc tinh của mối mọt, có khả năng kháng sâu tự nhiên, thường được ứng dụng làm đồ chơi, vật dụng trong nhà, giường cho trẻ em…

Tại buổi hội thảo, đoàn DN đến từ Chile với những cái tên nổi tiếng như Asun, Bagaro, Forestal LV, Kimwood, Pacific Forest… cùng hơn 80 doanh nhân đang hoạt động trong ngành chế biến gỗ tại Việt Nam đã trao đổi về những tiềm năng và cơ hội hợp tác. Ngoài các hoạt động kết nối giao thương, DN đến từ hai quốc gia đã cùng tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến tiềm năng ứng dụng gỗ Chile trong định hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp xây dựng và chế biến gỗ của Việt Nam.

Theo các DN chế biến gỗ Việt Nam, thông Chile đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng vì ngoài chất lượng tốt, hình thức vân gỗ đẹp, mặt gỗ lớn thì giá gỗ nhập khẩu còn rất cạnh tranh. Vì lẽ đó, nguyên liệu này được lòng hầu hết nhà máy, xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất.

Trong khuôn khổ hội thảo, DN hai nước cũng trao đổi về những ưu đãi tốt nhất cho sản phẩm cũng như giải pháp cho nhu cầu đặc thù của từng DN, hướng đến sự hợp tác lâu dài. Theo ProChile Vietnam, quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Chile hiện đang rất tốt và Việt Nam đang là đối tác thương mại xếp thứ 18 của Chile.

Long - Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/go-chile-giai-phap-phat-trien-ben-vung-cho-nganh-che-bien-go-viet-nam-128689.html