Gỡ các 'rào cản' cho tôm Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Đã có tới 4 nhà mua của Hoa Kỳ tìm đến Cà Mau 'thủ phủ' tôm của Việt Nam vào ngày 17/6 để 'kết nối' thu mua tôm. Tuy nhiên, với các rào cản kỹ thuật mới, tôm Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khâu vào thị trường khó tính này cần phải có 'thẻ xanh'.

Chỉ mua tôm khi đảm bảo bền vững môi trường

Ngày 17.6, tại Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (tức Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng), Chương trình SeafoodWatch (chương trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường thuộc Thủy cung Vịnh Moterey, Hoa Kỳ) và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace, CEIP) tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản” và Lễ ký kết tham gia liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững.

Lễ ký kết Liên minh sản xuất tôm sạch.

Lễ ký kết Liên minh sản xuất tôm sạch.

Phát biểu tại Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Tôm là một trong 5 sản phẩm có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam; năm 2018 giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm VN đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, chiếm 40% diện tích, 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 4,0 tỷ USD.

Còn ông Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết: Để tìm hướng phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam trước đó, SW và Ban IV đã phối hợp và đưa ra giải pháp tại chuỗi hội thảo “Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ” từ ngày 22/2 đến 24/2 tại Sóc Trăng, Trà Vinh và Cà Mau.

“Cũng chính từ các chuỗi Hội thảo này, nhiều người nuôi tôm và doanh nghiệp mới thực sự hiểu được cặn kẽ các tiêu chuẩn để con tôm Việt xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, tiếp nối những thành công có được từ chuỗi Hội thảo tổ chức giữa tháng 2, lần này Ban IV tiếp tục tổ chức “Ngày kết nối doanh nghiệp ngành thủy sản” và Lễ ký kết tham gia “Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững”.

“ Để xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ, các quy định cũng ngày càng khắt khe như: tôm phải truy suất được nguồn gốc và sản xuất bảo vệ môi trường… nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là ở niềm tin giữa người mua và người bán. Do đó, với việc ra đời của Liên minh sản xuất tôm sạch và bên vững cũng chính là nhằm vào mục tiêu tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu góp phần đưa con Tôm của Việt Nam sang thị trường khó tính với sản lượng ngày càng lớn hơn, nâng cao giá trị cho mặt hàng này. Tuy nhiên, tôi cho rằng quy định nào thì niềm tin cũng là quan trọng nhất cho hợp tác thành công giữa các bên”, ông Tùng nói.

Ông Josh Madeira - Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình Seafood Watch (SW), Hoa Kỳ, cho biết: Hệ thống đánh giá của SW khác với các chứng nhận, tiêu chuẩn khác. SW đánh giá từ người tiêu dùng của Hoa Kỳ theo các tiêu chí như sản phẩm đó có bảo vệ môi trường hay không, định hướng cho người tiêu dùng dùng sản phẩm bền vững với môi trường, chứ không phải chỉ là những nhà xuất khẩu.

Cụ thể, 90% các nhà bán lẻ lớn nhất của Hoa Kỳ sẽ chỉ mua thủy hải sản từ các nhà cung cấp đảm bảo bền vững môi trường. Ở Châu Âu tỷ lệ này là 75%. Những nhà bán lẻ có lịch trình cụ thể, chuẩn bị từ 2-3 năm tới nhu cầu cho các sản phẩm mang tính bền vững rất cao và nhu cầu này tăng theo từng năm một. Hoa Kỳ nhập tôm 50% từ châu Á, việc đánh giá tuân thủ cũng tập trung vào châu Á: Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan…

“Ngoài vấn đề bảo vệ môi trường thì tôm phải truy xuất được nguồn gốc. Sau đó, SW sẽ kiểm tra mẫu từ các cơ sở nuôi tôm và hồ sơ từ các nhà chế biến. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn, tôm sẽ được khuyến cáo màu xanh để khách hàng Hoa Kỳ lựa chọn ”, ông Josh Madeira cho biết.

Các đại diện nhà mua Hoa Kỳ tham dự cũng khẳng định, con tôm nếu không có tuyên truyền cho người sản xuất thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung ứng: “Chúng tôi sẵn sàng trả mức giá tăng hơn 10% khi có các sản phẩm tôm chất lượng cao và có chứng nhận SW”, một doanh nghiệp của Hoa Kỳ cho biết.

Theo đại diện SW, Hoa Kỳ đánh giá tôm Việt Nam ở mức Red: tức là tránh mua, không nên mua các sản phẩm này. “Chúng tôi cho rằng, nếu đánh giá ở tầm quốc gia như vậy thì chưa chính xác, ở đâu đó tại các địa phương vẫn có các nhà cung cấp tốt hơn và chúng tôi muốn làm việc với các địa phương để tìm ra những mô hình làm tốt, có những đánh giá tốt hơn”, đại diện SW cho biết.

Chính vì lý do này, Ban IV đã phối hợp với WS và UBND tỉnh Cà Mau – “thủ phủ” của tôm nước ta thí điểm mô hình “Liên minh sản xuất tôm sạch và bền vững”, góp phần minh bạch quy trình sản xuất tôm, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này vào các thị trường khó tính.

Các doanh nghiệp quan tâm tới những mô hình sản xuất khép kín.

Doanh nghiệp Việt chỉ thiếu chứng chỉ SW

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, ông Trương Hữu Thông – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận (Bình Thuận) cho biết: Bắt đầu từ năm 2019, Chương trình giám sát NK thủy sản (SIMP) của Hoa Kỳ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản NK nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập thị trường..

“Theo quy định mới này, tôm là một trong các mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc. Đối với tôm nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải có đầy đủ giữ liệu lưu giữ trong 2 năm và khi cần có thể truy xuất được nguồn gốc sản xuất”, ông Thông nói.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ lớn nhất hiện nay, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết: “Chúng tôi khép kín mô hình sản xuất, từ con giống, quy trình chăn nuôi, thức ăn…thu hoạch, chế biến tới xuất khẩu. Đến nay, chúng tôi nhận được tất cả các chứng chỉ trên thế giới, chỉ còn chứng chỉ của Seafooodwatch là chưa nhận được”.

Sự kiến có hàng trăm người nuôi tôm và các doanh nghiệp sản xuất chế biến, xuất khẩu tôm tham gia, trong đó có cả 4 nhà mua tới từ Hoa Kỳ.

Ông Quang cũng cho biết, hơn 10 năm qua, đi qua nhiều nước trên thế giới, thì thấy công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam là tốt nhất thế giới, nhưng hạn chế của ta là sản xuất tôm nhỏ lẻ, nên gắn kết và truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Vấn đề mấu chốt để các DN có đủ chứng nhận là phải có vùng nuôi quy mô lớn, trong khi Minh Phú có sản xuất hết công suất cũng chỉ đáp ứng được 50% sản lượng, 50% tôm thương phẩm còn lại vẫn phải thu mua.

“Muốn tạo ra sự gắn kết cực kỳ khó khăn, đi đàm phán với các hộ nông dân và các công ty không đơn giản, và doanh nghiệp xuất khẩu đang phải bỏ ra nhiều tiền để có chứng nhận cho các vùng nuôi này”, ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, việc thành lập “Liên minh sản xuất tôm sạch” là tất yếu, góp phần gắn kết sản xuất để mọi người đều có trách nhiệm với quy trình sản xuất và sản phẩm cuối cùng của mình, từ đó tạo ra những sản phẩm minh bạch và có thể truy xuất được tận gốc sản phẩm. Ông Quang cũng cam kết, Minh Phú sẽ đầu tư hàng trăm thiết bị máy móc để giám sát toàn bộ quy trình ở vùng nuôi tôm, nhằm tạo ra sự minh bạch, mang lại giá trị cho doanh nghiệp toàn ngành tôm.

Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố sơ bộ mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), trong đó có 31 doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế 0%.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề thuế, “rào cản” của mặt hàng tôm vào thị trường Hoa Kỳ cũng được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do có nhiều các “hàng rào kỹ thuật mới”, trong đó phải kể tới quy định tôm phải truy xuất được nguồn gốc. Đây cũng là những rào cản kỹ thuật mà hầu hết các nước nhập khẩu sẽ sử dụng, đòi hỏi người nuôi tôm và doanh nghiệp Việt phải từng bức hoàn thiện. Theo ông Trương Đình Hòe, Hiệp hộ Vasep mục tiêu xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Hoa Kỳ trong năm 2019 là 600 triệu USD, nhưng tính đến ngày 15/3, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ mới đạt 80 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dương Loan

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/doanh-nghiep/go-cac-rao-can-cho-tom-vietday-manh-xuat-khau-vao-hoa-ky-989357.html