Gỡ bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh: Doanh nghiệp vẫn khó

Số liệu báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vừa được Tổ công tác của Thủ tướng công bố cho thấy, về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công thương là bộ đi đầu với 402 mặt hàng trên tổng số 702 mặt hàng được cắt giảm, đạt 57,3%. Bộ Thông tin và Truyền thông có 89/146 mặt hàng đã cắt giảm…

Thủ tục hành chính đơn giản sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh TL.

Tuy nhiên, số liệu khảo sát gần đây về hoạt động của cộng đồng DN cho thấy, có tới 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi, và trong số này phần lớn vẫn là các DN nhỏ và vừa.

Mặc dù nhà quản lý đã và đang nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh để tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động của cộng đồng DN, song thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa cho biết, họ vẫn đang gặp phải những rào cản khi tham gia vào thương trường, đơn cử rào cản về đất đai, nguồn vốn…

Hàng trăm điều kiện kinh doanh được cắt bỏ

Theo số liệu báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vừa được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ công bố cho biết, về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ Công Thương là bộ đi đầu với 402 mặt hàng trên tổng số 702 mặt hàng được cắt giảm, đạt 57,3%. Bộ Thông tin và Truyền thông có 89/146 mặt hàng đã cắt giảm. Tiếp đến là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cắt giảm 33 mặt hàng, Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm 22 mặt hàng trên tổng số 24 mặt hàng. Bộ Xây dựng cắt giảm 39 mặt hàng trên tổng số 70 mặt hàng.

Ngoài các Bộ đã cắt giảm kể trên, một số Bộ hứa cắt giảm trước ngày 15/8/2018 có Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Công an. Theo đánh giá của Tổ công tác, tính đến tháng 8/2018, các Bộ ngành đã đơn giản hóa được 606/9.339 mặt hàng và hiện mới đạt 6,5% danh mục.

Cũng theo báo cáo của Tổ công tác, tính đến hết tháng 7/2018 vẫn còn khoảng 2.363 điều kiện kinh doanh chiếm 40% các điều kiện đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 Bộ

Với những con số nói trên, có thể thấy, “mớ hỗn độn” các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính rườm rà được các Bộ, ngành cắt giảm đi là rất lớn. Điều này một lần nữa chỉ ra rằng, trước đây cộng đồng DN gặp nhiều thủ tục hành chính rườm rà đến mức nào. Mặc dù với những nỗ lực của mình, các bộ đã giảm được một con số không nhỏ các điều kiện kinh doanh như vậy, song trên thực tế, hoạt động của cộng đồng DN vẫn chưa thực sự được như ý muốn. Nhiều nơi, nhiều địa phương, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu, lạm dụng chức quyền của một bộ phận cán bộ vẫn đang gây ra những áp lực lớn cho các DN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân, hộ sản xuất kinh doanh…

DN vẫn vướng nhiều rào cản

Số liệu khảo sát gần đây về hoạt động của cộng đồng DN cho thấy, có tới 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi, và trong số này phần lớn vẫn là các DN nhỏ và vừa.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do phần lớn DN có quy mô nhỏ, nguồn vốn yếu, khả năng quản trị kém cộng với công nghệ thấp… Tất cả những điểm yếu đó đang kéo giảm năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam.

Theo chia sẻ của Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, hiện các DN vẫn còn gặp khó khăn trong việc làm các thủ tục liên quan đến đất đai. Đơn cử, quy định của nhà nước, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận đất đai sau 77 ngày, tuy nhiên, để có giấy phép xây dựng, doanh nghiệp phải mất 5 lần 77 ngày cũng chưa tiếp cận được đất đai, đó là thực tiễn. Làm hồ sơ để nhà đầu tư đặt chân vào đầu tư được đến đích ra giấy phép đầu tư nhanh nhất cũng phải đến nửa năm. Nửa năm mới có giấy phép thì coi như đã tuột mất cơ hội.

Ngoài khó khăn trong tiếp cận đất đai, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hạnh Lê, giám đốc một công ty chuyên sản xuất nhựa cho biết, trong khi nhiều DN nhỏ và vừa đang khát vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì nhiều ngân hàng thương mại lại kêu “thừa vốn”. “Dường như nhà quản lý nói đã tạo nhiều cơ hội hơn cho DN hoạt động kinh doanh, song thực tế cũng chưa hẳn như vậy, DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm nguồn vốn” – bà Lê nêu rõ.

Thừa nhận rằng, các bộ ngành đã có nhiều động thái để xóa bỏ điều kiện kinh doanh, cắt giấy phép con, nhưng theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh doanh, dường như chúng ta mới chỉ tập trung xóa bỏ rào cản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con. Nhưng, một loạt các yếu tố thúc đẩy DN rất cần thì lại hoàn toàn chưa có chủ trương rõ nét. Trong khi những rủi ro pháp lý mới khiến các DN không thể kinh doanh được bền vững. Bởi vậy, vị này cho rằng, cần hướng tới việc tạo điều kiện để hỗ trợ DN phát triển, cải cách để tạo ra giá trị phát triển chứ không chỉ đơn thuần dỡ bỏ rào cản.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/go-bo-hang-loat-dieu-kien-kinh-doanh-doanh-nghiep-van-kho-tintuc412893