Gỡ bí 'sáng nay ăn gì' cho chị em nội trợ

Sáng nay ăn gì vừa nhanh gọn, vừa đủ dinh dưỡng là câu hỏi làm đau đầu các bà nội trợ mỗi sáng thức giấc.

Gia đình chị Thủy (Q.Phú Nhuận) có bảy người tất cả. Chị vừa đi làm ở một công ty nước ngoài, vừa một tay chăm sóc cha mẹ chồng và ba đứa con nhỏ thay cho chồng hay đi công tác xa. Nỗi ám ảnh lớn nhất của chị là phải đối diện với câu hỏi “sáng nay ăn gì?” mà vẫn phù hợp với cả gia đình. Chị Thủy cho biết: “Vì công việc bận rộn, nhà lại đông người, mình vẫn thường nảy “sáng kiến” chọn mì ăn liền để chế biến bữa sáng tại gia. Món này chỉ cần kết hợp thêm với hải sản, hay thịt, trứng, thêm một ít rau muống, cải hay giá đỗ… là đã thành món mới, vừa dinh dưỡng lại đổi vị thường xuyên được cho cả nhà”.

Cũng lựa chọn như chị Thủy, song với vợ chồng Ngọc Thảo – Trọng Hiếu (Q.10), bữa sáng với mì ăn liền còn là dịp để tổ ấm nhỏ cùng nhau “nạp” năng lượng và tinh thần phấn khởi cho ngày mới. “Là món khoái khẩu của hai vợ chồng, lại ngon và tiện dụng nên mì gói hay được chúng mình ưu tiên chế biến cho bữa sáng. Trong lúc nấu thì chồng có thể phụ mình rửa rau, thái thịt, cùng chuyện trò vui vẻ khiến bữa sáng bên tô mì trở nên không chỉ ngon miệng, hợp vệ sinh mà còn là sợi dây gắn kết và “bồi bổ” tình cảm cho gia đình” – Ngọc Thảo hào hứng chia sẻ.

Thực tế, mì ăn liền từ lâu đã trở thành thực phẩm không thể thiếu trong hầu hết gian bếp gia đình Việt và là cứu cánh của rất nhiều bữa ăn ít thời gian. Do đó, không khó để lý giải việc món ăn này thường xuyên được các chị em lựa chọn cho bữa sáng cần dinh dưỡng mà vẫn nhanh gọn. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Mì ăn liền ngon, tiện đã rõ, nếu biết khéo léo kết hợp với đa dạng thực phẩm thì bữa sáng này hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng và yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, do dễ biến tấu nên các món từ mì gói còn giúp người ăn dễ dàng đổi vị, thơm ngon không kém những món phở, hủ tiếu… thông thường”.

Mì ăn liền ngày càng được nhiều chị em lựa chọn cho bữa sáng tiết kiệm thời gian mà vẫn giàu dinh dưỡng.

Xét riêng về nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý, theo TS. Từ Ngữ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - thì cần ăn đủ bốn nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Mì ăn liền cũng tương tự như các loại thực phẩm cơ bản khác là cơm, bún, phở… cung cấp nhóm chất bột đường cho cơ thể. Vì vậy, để đảm bảo dinh dưỡng chỉ cần chú ý kết hợp với các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua… Ngoài các vitamin và khoáng chất thì sự hiện diện của chất xơ trong rau củ làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, không gây nóng trong người.

Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm vào mỗi bát mì khoảng 3-4 lát thịt bò, thịt lợn, 2-3 con tôm hoặc một ít nấm, đậu hũ… để bữa ăn từ mì gói được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật. Với cách kết hợp này, ngay cả những người cần tiết chế tinh bột hay sợ ngán vẫn có thể an tâm thưởng thức mì ăn liền.

Với trường hợp trong bếp không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn đa dạng, có thể sử dụng mì gói đơn thuần nhưng sau đó nên ăn thêm trái cây, sữa chua… Ngoài ra, người tiêu dùng còn có rất nhiều lựa chọn bởi một số sản phẩm mì ăn liền hiện nay đã được nhà sản xuất bổ sung rau củ, thịt, trứng, rong biển… nhằm đa dạng thực phẩm, tăng giá trị dinh dưỡng và giúp người dùng thay đổi khẩu vị.

Để giảm “đau đầu” cho các bà nội trợ, hai công thức dưới đây sẽ giúp chị em làm phong phú hơn bữa điểm tâm dinh dưỡng, vệ sinh mà vẫn ngon miệng từ mì ăn liền:

1. Mì xào Lo Mein tôm

Khẩu phần: 01 người

Calories: 290 Kcal

Nguyên liệu:

- Hành tây: 50g- Cần tây: 50g

- Bí ngòi xanh: 1 trái

- Ớt chuông: 1 quả

- Mì: 1 gói

- Tôm sú: 100g

- Hạt tiêu: 2g

- Hành lá

- Dầu ăn: 30ml

Cách làm:

- Hành tây, cần tây, bí ngòi xanh, ớt chuông thái hạt lựu.

- Tôm sú làm sạch, bóc vỏ, rút chỉ đen.

- Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào phi thơm hành tây, hạt tiêu, ớt chuông, cần tây tới khi hơi mềm. Thêm bí ngòi xanh vào xào chín.

- Thêm khoảng 200ml nước và cho các gói gia vị mì vào chảo, thêm tôm vào nấu trong 5’. Cho vắt mì vào nấu thêm 3’, rắc hành lá, bắc ra dùng nóng.

2. Mì Udon gà sốt miso

Khẩu phần: 01 người

Calories: 200 Kcal

Nguyên liệu

- Nước dùng gà: 500ml

- Nước tương miso: 75ml

- Gừng thái lát

- Ức gà: 400g

- Đậu Hà Lan ngọt: 180g

- Mì Udon: 1 gói

- Hành lá: 1 cây

- Rau mùi, ớt (tùy chọn)

- Muối

Nước sốt:

- Dầu thực vật: 30ml

- Mật ong: 15ml

- Giấm gạo: 15ml

- Nước tương: 10ml

- Dầu mè: 5ml

Cách làm:

- Cho nước, nước tương miso, gừng, hành lá, muối vào nồi đun sôi. Cho tiếp ức gà vào đun với lửa nhỏ trong 15-20’, sau đó vớt ra để nguội, thái miếng vừa ăn.

- Đun sôi trở lại phần nước dùng vừa luộc gà, cho đậu Hà Lan vào luộc 2-3’ rồi vớt ra xóc đều với muối. Cho tiếp mì Udon vào chần khoảng 5 phút rồi vớt mì ra bát cùng với đậu Hà Lan. Lọc lại phần nước dùng cho trong.

- Làm nước sốt: trộn đều 1 thìa nước tương miso với dầu ăn, dầu mè, mật ong, giấm gạo và nước tương. Thêm muối và tiêu theo khẩu vị. Cho ức gà thái miếng vào 1 nửa hỗn hợp sốt, đảo nhẹ.

- Cho mì và đậu Hà Lan ra tô, rưới nước dùng gà và xếp thịt gà lên trên. Rắc thêm hành lá, ớt, vừng, rau mùi. Rưới phần nước sốt còn lại lên tô mì và thưởng thức.

Lê Hương

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/go-bi-sang-nay-an-gi-cho-chi-em-noi-tro-516056.htm