Gỡ 'bí' cho sân khấu Thủ đô

Làm thế nào để sân khấu Thủ đô có sức hấp dẫn khán giả, có những tác phẩm đỉnh cao… là điều trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình hiện nay. Để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khán giả vẫn đang là một câu hỏi lớn cho chính những nhà quản lý, những người làm nghệ thuật.

Một cảnh trong vở diễn.

Một cảnh trong vở diễn.

Sân khấu đang hết sức khó khăn

Sân khấu hiện nay đang thực sự thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đại diện cho nền văn hóa dân tộc để quảng bá, giao lưu thế giới. Ngoài ra cái khó nhất hiện nay đối với nghệ thuật truyền thống trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, nghệ thuật giải trí đơn thuần, phim ảnh mang tính thương mại tràn ngập trong đời sống xã hội kéo khán giả về hướng nghệ thuật đương đại giải trí đơn thuần.

Khán giả hiện nay có rất nhiều “kênh” giải trí để lựa chọn. Nếu lấy thước đo là số đông công chúng thì khó có được kết quả chính xác. Cùng với đó, ngay các vở diễn của các nhà hát Hà Nội trong thời gian qua thì màu sắc Hà Nội, con người Hà Thành là quá hiếm hoi. Trong các hội diễn, thậm chí Liên hoan sân khấu Thủ đô cũng không khá hơn, nếu không chỉ là đôi ba vở diễn về Hà Nội đặt viết vội vàng, dàn dựng vội vàng hầu hết mang tính chất pano, khẩu hiệu ồn ào, hoành tráng một cách hình thức về lượng nhân vật, về phông cảnh, bài trí mà hầu như không làm nổi bật phẩm chất hào hoa, thanh lịch cũng như tính tình con người, sự kiện qua các thời kì thăng trầm của Hà Nội, của Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Thẳng thắn chia sẻ về sự khó khăn của sân khấu hiện nay, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết “Chưa bao giờ tôi thấy hoạt động biểu diễn sân khấu khó khăn đến như thế này. Chúng ta đang trở thành những người “ăn xin” Nhà nước, bởi vì vé bán không được”. Cũng theo NSƯT Lê Chức dẫn chứng thực tế nhiều nhà hát một tháng nếu bán vé “tay bo” chỉ được 9 cái. “Vì chúng ta đang thiếu kịch bản. Chúng ta chưa có được một Lưu Quang Vũ thứ 2. Chúng ta chưa có được những đạo diễn lừng lẫy như thầy Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang… Vì thế, sân khấu ngày hôm nay cũng vô cùng lúng túng về kịch bản” NSƯT Lê Chức chia sẻ.

Sân khấu trở thành "món ăn tinh thần" cho khán giả thủ đô.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội “Ở thời điểm hiện nay, tôi khẳng định không có vở diễn nào ra đời có thể thu hút được sự chú ý của đa số công chúng như mấy chục năm về trước. Tuy nhiên, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Việt đã bắt đầu có sự phân hóa rõ ràng, như nhạc giao hưởng, opera, ballet… đã dần dần có những lớp khán giả riêng. Vấn đề cơ bản hiện nay là sân khấu của chúng ta đang thiếu những vở diễn lớn. Nguyên nhân một phần do tình hình thực tế khó khăn, một phần do các đơn vị nghệ thuật quá mải chạy theo thị hiếu khán giả bình dân, thành phần chiếm đa số”.

Sân khấu của chúng ta hiện đang có một vấn đề lớn là các nhà hát đang rất thiếu phong cách riêng. Vậy nên chúng ta đang bị tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn”. Chính vì thế, cái gọi là “hiệu ứng cười” mới dễ dàng lan rộng trong các nhà hát như vậy. Đương nhiên, ngoài những chức năng chính của nghệ thuật như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, chức năng giải trí cũng vô cùng quan trọng và rất nhiều khán giả chỉ có nhu cầu giải trí tức thời, vì vậy họ tìm đến các ban, nhóm hài. “Vấn đề ở chỗ các nhà hát hiện nay chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng của từng đơn vị, nên chỉ chạy theo cái mà nơi khác đã thành công. Tất nhiên, chủ trương đó cũng không sai. Trong tình trạng hiện nay, các nhà hát phải dùng hài kịch để lấy ngắn nuôi dài là đúng. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu, hoặc lấy những cách chọc cười, tức thời ấy làm mục tiêu thì không đúng”, NSND Trần Quốc Chiêm nói.

Nâng cao vai trò người chỉ đạo

Để sân khấu có sức sống mới, theo nhiều nhà chuyên môn, cần thay đổi từ chính người chỉ đạo nghệ thuật.

Người chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát kịch về mặt lý thuyết là người định hướng, định hình cho phong cách nghệ thuật của đơn vị mình, là người tổ chức kịch mục và chỉ đạo cả phương pháp diễn xuất để tạo nên bản sắc riêng đặc trưng của nhà hát hát. Đồng thời cũng là người giữ vai trò chính trong việc chọn kịch bản đáp ứng được mục tiêu nghệ thuật tức thời và lâu dài cho nhà hát của mình. Song thời gian qua, nếu soi chiếu với chức năng trên và nhìn từ thực tiễn nền sân khấu Thủ đô, vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật của không ít nhà hát kịch hiện nay dường như không rõ rệt. Người chỉ đạo nghệ thuật thường gắn với công việc quản lý nên chức năng này chỉ tồn tại rất hình thức với dòng chữ trên pano giới thiệu vở diễn.

Để sân khấu Thủ đô có sức sống mới thì vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng và cần thiết.

Để một nhà hát tồn tại và có nhiều vở diễn hay thì vai trò chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng và cần thiết. Người chỉ đạo nghệ thuật trước hết phải là người giỏi về trình độ, có chủ trương định hướng, phong cách của một nhà hát và phải hiểu nghề.

Theo Nhà phê bình Nguyễn Hiếu, người chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát kịch về mặt lý thuyết là người định hướng, định hình cho phong cách nghệ thuật của đơn vị mình, là người tổ chức kịch mục và chỉ đạo cả phương pháp diễn xuất để tạo nên bản sắc riêng đặc trưng của nhà hát hát. Đồng thời cũng là người giữ vai trò chính trong việc chọn kịch bản đáp ứng được mục tiêu nghệ thuật tức thời và lâu dài cho nhà hát của mình.

Có rất nhiều những gợi mở để tạo dấu ấn cho vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát được các nhà phê bình nêu ra như: Xây dựng quy chế, quy trình lựa chọn kịch bản và ê kíp sáng tạo, quy định rõ trách nhiệm của từng thành phần, trách nhiệm cá nhân giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát đối với chất lượng tác phẩm; Hội đồng nghệ thuật duyệt vở cũng cần thay đổi cách đánh giá bởi không phải tác phẩm nào hội đồng thấy tốt là bán được vé, là hấp dẫn khán giả; Cần có các biện pháp quảng bá tác phẩm đến công chúng; Việc lựa chọn kịch bản và dàn dựng tác phẩm hiện nay khó có thể phó mặc cho các “chỉ đạo nghệ thuật” nếu không có thể sân khấu đặc biệt là sân khấu truyền thống sẽ rơi vào tình trạng “gieo vừng ra ngô”.

Tùng Linh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/go-%E2%80%9Cbi%E2%80%9D-cho-san-khau-thu-do-65999