GNN dừng hoạt động: Lộ rủi ro dịch vụ chuyển hàng thu tiền hộ

Nhu cầu giao hàng thu tiền hộ (COD) ngày một tăng, trong đó các bên đều phải chấp nhận không ít rủi ro từ phía đối tác lẫn pháp lý.

Khách hàng kéo đến GNN đòi nợ COD

Hàng tới tay khách vẫn lo ngay ngáy

Mới đây, Công ty CP Chuyển phát nhanh GNN phát đi thông báo dừng hoạt động từ ngày 1/9. Vị tổng giám đốc doanh nghiệp này cũng đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật và xin nhận trách nhiệm về toàn bộ sự việc của công ty. Đại diện của GNN cho biết, ngoài tiền nợ đối tác, số tiền nợ COD của khách hàng tính tới thời điểm này còn khoảng 2,7 tỷ đồng.

Sự việc trên đã gây chấn động giới kinh doanh online suốt tuần qua. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Vũ Anh Vinh, một khách hàng đang bị GNN nợ tiền COD cho biết, đã sử dụng dịch vụ của GNN khoảng 7 năm nay, với phí COD 1%/tổng giá trị hàng hóa. Trong quá trình sử dụng dịch vụ cũng có vài lần hàng tới tay người nhận gặp sự cố song đều được hãng đưa ra phương án hỗ trợ hợp lý nên cũng khá yên tâm. Song, thông báo dừng hoạt động được đưa ra quá đột ngột, bởi ngay trước đó, GNN vẫn nhận chuyển hàng cho khách. Theo anh Vinh, trong nhóm chủ shop online cùng cảnh ngộ, người bị GNN nợ ít cũng vài chục triệu đồng, có người lên tới hàng trăm triệu đồng. “Khi sử dụng dịch vụ COD của GNN, thời hạn chủ hàng nhận lại tiền nhanh nhất cũng phải 14 ngày sau khi khách trả tiền, chậm hơn có thể từ 3 tuần hoặc 1 tháng. Việc đối soát chậm tiền COD với hãng chuyển phát nhanh cũng là một phần gây ra rủi ro cho người bán hàng”, anh Vinh chia sẻ.

Ngoài ra, khi sử dụng dịch vụ COD, chủ hàng còn thường xuyên đối mặt với rất nhiều rủi ro khác. Thường gặp nhất là trường hợp khách đặt song không nhận hàng, chủ hàng sẽ phải chấp nhận chi 2 lần tiền ship. Tuy nhiên, thiệt hại nhất vẫn là bị hỏng hàng, tráo hàng, mất hàng… không rõ nguyên nhân từ khâu nào?

Rủi ro là vậy, vì sao các chủ shop online vẫn phải buộc sử dụng dịch vụ COD? Lý giải nguyên nhân, anh Vinh cho biết: “Thông thường dịch vụ COD sử dụng khi có những đơn hàng đi tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, khách không có tài khoản ngân hàng. Hơn nữa, dịch vụ này cũng đáp ứng tâm lý khách muốn kiểm tra hàng trước khi trả tiền”.

Để hạn chế rủi ro, các chủ shop đưa ra kinh nghiệm nên làm ăn với những hãng chuyển phát nhanh lớn, thời gian đối soát COD nhanh. Tuy nhiên, chị Đỗ Thu Trang, chủ shop online tại Vĩnh Phúc cho hay: “Ngay cả những hãng chuyển phát nhanh lớn, có tiếng cũng không tránh được sự cố. Không chỉ phí cao, dịch vụ thường xuyên xảy ra tình trạng gửi hàng không tới; hoặc tới bị “luộc” mất hàng bên trong. Gọi phản hồi nhân viên chỉ nói sẽ kiểm tra luôn rồi im luôn kiểu qua được thì qua. Thủ tục khiếu nại thì rất mệt mỏi, mất thời gian. Kết quả hầu hết chỉ được miễn phí cước vận chuyển, hoặc nếu có đền bù thì cũng chỉ được hỗ trợ khoản rất thấp so với giá trị của hàng”.

Chưa có quy định pháp lý

Theo tìm hiểu, hiện cả nước có hơn 300 DN được cấp phép hoạt động bưu chính, trong đó đa phần đều thực hiện dịch vụ COD. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, đại diện một hãng chuyển phát nhanh có trụ sở tại 5 tỉnh, thành lớn trên cả nước cho hay, không chỉ phía chủ hàng mà ngay cả các hãng chuyển phát nhanh cũng gặp không ít rủi ro: “Sự cố đối với hàng giao nhận thường xuyên xảy ra mà các hãng chuyển phát nhanh phải giải quyết. Nguyên nhân rủi ro từ rất nhiều phía. Chưa kể nguyên nhân khách quan bất khả kháng như tai nạn, bão lũ… còn có thể do nhân viên làm việc thiếu trách nhiệm hoặc không có đạo đức. Đặc biệt, đối với những hàng hóa ký gửi lại không được kê khai giá trị nên khi có vấn đề lại càng khó thương lượng. Thường chỉ 50% vụ việc được giải quyết”.

"Trốn nợ là hành vi trốn tránh trách nhiệm trả nợ của con nợ đối với chủ nợ, có sự vi phạm về trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp GNN, đây không phải là hành vi trốn nợ mà là do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đồng thời, tổng giám đốc cũng đã tự thú về tình hình thực tế của công ty, không hề có một hành vi trốn tránh trách nhiệm đối với những sai phạm. Một khi doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán sẽ được Nhà nước tạo điều kiện khai tử, đây được xem là một việc hết sức bình thường trong thời buổi kinh tế nhiều biến động như hiện nay”.

Luật sư Trương Thanh Đức
Công ty Luật Basico

Thậm chí, theo vị đại diện này, không ít lần hãng bị vạ lây bởi khách gửi “hàng nóng” bị cơ quan chức năng phát hiện. “Nhiều trường hợp lợi dụng chuyển phát để vận chuyển hàng cấm như vũ khí, chất kích thích... Cũng muốn trang bị máy soi kiểm tra nhưng đây lại là mặt hàng mà doanh nghiệp tư nhân không được mua”, vị đại diện chia sẻ.

Liên quan tới quy định pháp lý dịch vụ COD, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho hay: “Hiện, pháp luật chưa có quy định riêng cho hoạt động này. Việc giao nhận hàng đã được quy định trong Luật Bưu chính, song ở đây lại gắn với hình thức thu tiền hộ, nếu ốp vào hoạt động thanh toán trung gian thì cũng không hợp lý”.

Tương tự, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cũng nhận định: Thương mại điện tử phát triển, nhu cầu sử dụng dịch COD ngày càng lớn, trong khi pháp luật lại chưa theo kịp được thực tiễn. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, ông Đức cho rằng, không nhất thiết phải có quy định pháp lý cụ thể đối với hoạt động này. “Đây là nhu cầu của thị trường và hãy để thị trường tự điều chỉnh. Nếu áp quy định về vốn điều lệ, tiêu chí bằng cấp, nhân lực…tất sẽ làm khó cho tổ chức hay cá nhân đang thực hiện COD. Đó là chưa kể trong bối cảnh xã hội Việt Nam, quy định như vậy cũng khó khả thi”, vị luật sư lý giải.

Cũng theo ông Đức, COD cũng giống như giao dịch kinh doanh đầu tư trong bất kể lĩnh vực nào, rủi ro là điều không tránh khỏi. “Một khi giao dịch trong thị trường không có bảo hiểm thì bất kể doanh nghiệp nào cũng có thể bị mất. Để hạn chế rủi ro trong COD, chủ hàng nên chia nhỏ lượng hàng trong một đơn, thỏa thuận được đối soát thanh toán càng sớm càng tốt”, ông Đức khuyến cáo.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gnn-dung-hoat-dong-lo-rui-ro-dich-vu-chuyen-hang-thu-tien-ho-d271465.html