GNA buông lời cầu cứu: Thổ hứa, Mỹ quan ngại

Trong trường hợp LNA phát động tấn công vào Tripoli, GNA sẽ rất khó có thể chống đỡ nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Ngày 22/12, Quân đội quốc gia Libya (LNA) đã gia hạn thêm thời gian cho lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) rút khỏi các vị trí của mình ở Tripoli.

Theo Người phát ngôn của LNA Ahmed al-Mismari thì, GNA sẽ có thêm 2 ngày để hoàn tất việc rút quân khỏi thủ đô Tripoli trước khi LNA phát động cuộc tổng tấn công. Như vậy, trưa 25/12 sẽ là hạn chót mà LNA dành cho GNA.

Cùng ngày, Ngoại trưởng của Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) Mohamed Siala đã đề nghị Mỹ thể hiện lập trường rõ ràng đối với chiến dịch quân sự mà LNA đang tiến hành ở Tripoli, gây cản trở cho tiến trình hòa bình tại Libya.

Tuy nhiên, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus bày tỏ lo ngại về yêu cầu này.

Quân đội LNA ở Tripoli.

Quân đội LNA ở Tripoli.

Hy Lạp cũng đã có những động thái đầu tiên. Ngày 22/12, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã tới Benghazi, Libya để gặp Nguyên soái Khalifa Haftar - lãnh đạo LNA để thảo luận về các thỏa thuận mà Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với GNA.

Trước đó, ông Dendias đã đến thăm Ai Cập, Síp và trao đổi với Ngoại trưởng các nước này về việc phối hợp cùng nhau để đối phó với những tác động mà thỏa thuận giữa GNA và Thổ Nhĩ Kỳ mang lại.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Ankara sẵn sàng hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya nếu cần thiết.

Ông Erdogan cũng nhấn mạnh rằng, Ankara sẽ tiếp tục giữ cam kết của mình với GNA trong hợp tác quân sự và phân định biên giới trên biển. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dừng các hành động ở Syria và sẽ không thu hồi các thỏa thuận đã đạt được với GNA", ông nói thêm.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, ngay cả khi GNA rơi vào bước đường cùng, Ankara cũng sẽ vẫn "án binh bất động". Bởi lẽ, ngoài những lời hứa với GNA, Thổ Nhĩ Kỳ chưa có bất kỳ hoạt động hỗ trợ cụ thể nào cho GNA.

Trong trường hợp LNA phát động tấn công vào Tripoli, GNA sẽ rất khó có thể chống đỡ nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi.

Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do Thủ tướng Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở Thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Trong khi đó, lực lượng của Tướng Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông (LNA). GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Lâm An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/gna-buong-loi-cau-cuu-tho-hua-my-quan-ngai-3393855/