Bến Tre và Hậu Giang hỗ trợ người dân ở TP.HCM có nguyện vọng về quê hương

Ngày 30/7, đã có những chuyến xe lăn bánh đưa người từ TP.HCM về các địa phương. Trong đó, hơn 100 người đã về đến Bến Tre và thực hiện cách ly theo quy định. Tại Hậu Giang, tỉnh đang chuẩn bị đón hàng trăm công nhân trở về.

Ngày 30/7, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre tổ chức khởi hành chuyến xe đầu tiên để đón người dân địa phương này đi làm ăn, học tập tại TP.HCM về quê “tránh dịch”.

Trưa 30/7, chuyến xe đón người dân tỉnh Bến Tre từ TP.HCM đã về đến TP. Bến Tre. Theo đó, có 116 người dân ở 3 địa phương là TP. Bến Tre, huyện Giồng Trôm và huyện Châu Thành đã rất phấn khởi khi được tạo điều kiện về quê nhà. Công dân về Bến Tre được bố trí vào khu cách ly tập trung trong thời gian 7 ngày theo quy định.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong đợt 1 (từ 30/7-1/8), địa phương tổ chức gần 40 xe của Công ty Phương Trang xuất phát từ Bến xe Miền Tây (TP.HCM), đưa khoảng 900 công dân về các huyện và TP. Bến Tre. Trước khi lên xe về quê, các công dân được test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2. Theo dự kiến, có khoảng 2.500 công dân Bến Tre đang làm ăn, sinh sống, TP.HCM có nguyện vọng về quê “tránh dịch COVID-19”.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Để giúp các công dân giảm bớt khó khăn, công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Bến Tre trích từ nguồn kinh phí kinh doanh hỗ trợ cho mỗi công dân khi về quê là 200.000 đồng. Hiện Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP.HCM đã lập danh sách người có nguyện vọng về quê; các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng lập danh sách tiếp nhận, để phân bổ số lượng về đúng với địa chỉ đăng ký.

Việc tổ chức đón công dân từ TP.HCM về Bến Tre sẽ chia ra làm từng đợt, không ồ ạt, đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của TP.HCM và tỉnh Bến Tre.

Trong khi đó, Hậu Giang cũng có kế hoạch đón từ 400-600 người dân từ TP.HCM về địa phương. Theo đó, ngày 30/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đón người dân ở TP.HCM có nguyện vọng về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo kế hoạch này, người dân tỉnh Hậu Giang đang học tập, lao động tại TP.HCM, không thuộc đối tượng F0, gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19; có nguyện vọng trở về địa phương, gồm các nhóm sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau:

Nhóm 1: Người già, trẻ em; Phụ nữ mang thai; Phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; Người khuyết tật; Người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân nhân, đi công tác chưa trở về được; Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; Lao động đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng; Học sinh, sinh viên.

Nhóm 2: Lao động tự do; Người lao động bị mất việc làm.

Nhóm 3: Các đối tượng khác.

Hậu Giang đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Người dân có nguyện vọng trở về Hậu Giang phải đảm bảo ba điều kiện sau: Thực hiện đăng ký theo mẫu hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang; Được sự thống nhất của cơ quan chức năng tại TP.HCM - nơi công dân tỉnh Hậu Giang đang cư trú; Phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-COV-2 trong vòng 72 giờ.

Việc tổ chức đưa người dân về sẽ được tỉnh Hậu Giang thực hiện theo từng đợt. Trước mắt sẽ tổ chức 2 đợt trong nửa đầu tháng 8/2021. Đợt 1, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 3-4/8, tổ chức đón các người thuộc đối tượng ưu tiên nhóm 1 về tỉnh, với số lượng tiếp nhận khoảng từ 200-300 người. Đợt 2, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 11-12/8, tổ chức đón các người thuộc đối tượng nhóm 2 và nhóm 3 về tỉnh, với số lượng tiếp nhận khoảng 200-300 người.

Sau khi về đến tỉnh, những người này sẽ được đưa về khu cách ly tập trung tại Trường Đại học Cần Thơ (khu Hòa An) ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp./.

Nhật Trường-Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/ben-tre-va-hau-giang-ho-tro-nguoi-dan-o-tphcm-co-nguyen-vong-ve-que-huong-878506.vov