GLTT Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2016: Xây dựng niềm tin, kiến tạo đổi mới

Vào lúc 9h ngày 20/12, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) sẽ tổ chức GLTT về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2016 Xây dựng niềm tin, kiến tạo đổi mới.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến: Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2016: Xây dựng niềm tin, kiến tạo đổi mới do Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức.

Với bề dày 20 năm triển khai và hoạt động, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã và đang ngày càng nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực cho phong trào năng suất và chất lượng trong hai thập niên qua, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

Việc áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ra sao? Khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, vai trò tiên phong của các DN đạt giải thưởng chất lượng quốc gia và Giải thưởng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương trong việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu như thế nào? Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017 tới đây có gì khác biệt so với các năm trước và có được cải tiến để phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển, cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện nay?… sẽ được các khách mời đề cập trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2016: Xây dựng niềm tin, kiến tạo đổi mới”, diễn ra vào lúc 9h đến 11h 30 phút ngày 20/12 tại Chất lượng Việt Nam – VietQ.vn

Tham gia chương trình gồm các khách mời:

- Ông Trần Văn Vinh – Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL

- Ông Tô Hoài Nam – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam

- Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

- Bà Phạm Thị Xuân Hương – Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR)

- Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI)

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

- Với vai trò là cơ quan thường trực của Giải thưởng, Tổng cục đã có những định hướng gì để giải thưởng được lan truyền sâu rộng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp?

( Trí Biên - vutribien1110@gmail.com )

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc chương trình Giao lưu trực tuyến "Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2016: Xây dựng niềm tin, kiến tạo đổi mới"

Theo tôi, để Giải thưởng Chất lượng Quốc gia phát triển đúng với tầm vóc và vị thế của mình, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội thì Cơ quan tổ chức và điều hành Giải thưởng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nhiều hơn nữa; Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản, tiêu chí giải thưởng, quy trình xét thưởng, sự tham gia và hợp tác của các bên liên quan; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đạt giải; Phối với với các chương trình quốc gia khác; Định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận Giải thưởng như là một công cụ chính yếu để doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và nâng cao sự cạnh tranh; Hoàn thiện công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia đánh giá giải thưởng đạt chuẩn mực quốc tế, đảm bảo tính chính xác để kết quả đánh giá được trung thực và đảm bảo đúng theo yêu cầu.

- Là doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị điện, việc đổi mới công nghệ được doanh nghiệp thực hiện như thế nào trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm?

( Hà Thu Thủy - thuyhathu@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Đối với THIBIDI, việc đổi mới công nghệ và áp dụng các công nghệ hiện đại được ưu tiên hàng đầu. Đó cũng là năng lực cốt lõi giúp THIBIDI có nhiều lợi thế trong quá trình hoạt động và phát triển. Chúng tôi chủ động hợp tác với các tập đoàn quốc tế lớn như Tập đoàn Cooper của Mỹ, sản xuất máy biến áp PAD-MOUNTED TRANSFORMER; Tập đoàn GE của Mỹ sản xuất máy biến áp khô; Tập đoàn Hitachi Metals của Nhật Bản đế sản xuất máy biến áp hiệu suất cao sử dụng thép vô định hình (Amorphous transformer) góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện năng. Chúng tôi tiếp tục đầu tư, đổi mới, hiện đại hóa và hợp lý hóa trong sản xuất, tiếp tục hợp tác với các Tập đoàn đa quốc gia để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và khu vực.

- Bà đánh giá như thế nào về Chất lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay? Khả năng hội nhập của doanh nghiệp vừa và nhỏ đến đâu trong vài năm tới?

( Nguyễn Hiên - hiennguyenvan83@gmail.com )

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR):

Theo tôi, chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ngày càng được nâng cao. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp cùng với lộ trình các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia trong thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ nâng cao được sức cạnh tranh trong thời gian tới.

- Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có tác động như thế nào đối với hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp ở thị trường ngoài nước?

( Nguyễn Hoài Thu - hoaithu1986@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Trong bối cạnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc doanh nghiệp muốn thành công ở môi trường này cần đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mà đối với các nước phát triển yêu cầu này rất cao.

Các doanh nghiệp đạt được giải thưởng sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc chiếm lĩnh các thị trường quốc tế, bởi họ đã thực hiện được 7 tiêu chí, đồng nghĩa với doanh nghiệp sẽ vượt qua được các rào cản kỹ thuật khắt khe nhất ở các nước.

Nói cách khác con đường hội nhập sẽ trở nên gần với các doanh nghiệp hơn.

- Có ý kiến cho rằng, vấn đề trọng tâm mà giải thưởng hướng đến là giúp doanh nghiệp quản trị tốt, ông có ý kiến như thế nào về quan điểm này?

( Lê Thị Lan - lanlethi123@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này! Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thực sự giúp cho doanh nghiệp hướng đến một mô hình kinh doanh hoàn hảo, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, cũng như đảm bảo thực hiện tốt các nghĩa vụ về phát luật, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội, và hài hòa lợi ích giữa khách hàng, cổ đông và người lao động.

Đó là mục tiêu quản trị mà doanh nghiệp phấn đấu đạt được trong quá trình hoạt động. Đó là mô hình giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao trong kinh doanh, thu được nhiều lợi nhuận, góp phần tích cực cho cộng đồng và xã hội.

- Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có tác động như thế nào đối với hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp ở thị trường ngoài nước?

( Trần Thảo Anh - thaoanhtrantq@gmail.com )

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR):

7 tiêu chí đánh giá Giải thưởng Chất lượng Quốc gia có những nội dung “tiệm cận” với Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ.

Chính điều đó, việc tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia làm nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp tự tin xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài.

- Ông có thể ví dụ những doanh nghiệp tiêu biểu đã áp dụng thành công các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ tiên tiến nâng cao năng suất trong doanh nghiệp tại địa phương? Tổng cục đã có những hoạt động gì để giúp cho doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng những hệ thống, công cụ này?

( Khôi Vỹ - khoivy1106@gmail.com )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Một số doanh nghiệp tiêu biểu như Traphaco, Ladophar, TH True Milk, Công ty CP thiết bị điện VN (Thibidi),... Họ đã nhiều năm triển khai xây dựng các hệ thống quản lý như ISO 9000, ISO 17025, các công cụ cải tiến như 5s, kaizen, SPS, KPIs,…. Đến nay, việc các hệ thống quản lý của các doanh nghiệp này đã thực sự thành thục, đem lại những hiệu quả cụ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh

Ngày 21/5/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 712/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai nhằm tạo động lực và năng lực cạnh tranh của các Doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế Việt Nam.

Chương trình quốc gia này có Dự án 2: “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” nhằm Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng; phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất của nền kinh tế, ngành kinh tế, doanh nghiệp.

Trong đó, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cũng là một trong những giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Cơ quan thực hiện là Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội ngành nghề phối hợp thực hiện.

Tại các địa phương, triển khai và hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một hoạt động trọng tâm của Chương trình.

- Ông đánh giá như thế nào về Chất lượng doanh nghiệp VN hiện nay? Khả năng hội nhập của DN vừa và nhỏ đến đâu trong vài năm tới?

( Đậu Toàn Anh - dtoananh1208@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Đánh giá thứ nhất, mặc dù số lượng doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều (hơn nửa triệu doanh nghiệp) nhưng số lượng doanh nghiệp có chất lượng tốt không nhiều.

Về thị trường, về lý thuyết số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thị trường quốc tế ngày càng nhiều. Tuy nhiên để việc hội nhập được bền vững, tức là thành công thì các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp phải đạt được những chuẩn quốc tế và việc các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ít quan tâm đến các Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho thấy việc cần thay đổi tư duy của các doanh nghiệp và với sức ép, sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm trong khuôn khổ chương trình Giao lưu trực tuyến

- Ông có thể đánh giá sự khác nhau giữa các giải thưởng khác với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia?

( Nguyễn Văn Nam - namnguyen11@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng được Thủ tướng chính phủ tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc; là Giải thưởng chất lượng duy nhất được luật định. Giải thưởng được triển khai trên cơ sở chấp nhận 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige Award - MBA), mô hình được hơn 70 nước trên thế giới chấp nhận và làm căn cứ cho Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của mình.

Tham gia Giải thưởng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại mình thông qua con mắt của người tiêu dùng và thị trường, là thước đo giúp doanh nghiệp vươn tới và hoàn thiện. Đặc biệt, nếu đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia trong vòng 2 năm gần nhất, thì được xem xét, đề cử tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á -Thái Bình Dương. Như vậy, đây không chỉ là Giải thưởng trong phạm vi của Việt Nam mà nó mang tầm cỡ quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, danh tiếng cho các doanh nghiệp đạt giải.

- Hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng quản trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa để hướng tới Giải thưởng Chất lượng Quốc gia?

( Vũ Dung - vudung2290@gmail.com )

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR):

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng quản trị doanh nghiệp còn yếu, công nghệ còn lạc hậu và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế… nên theo tôi, Hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa… để hướng tới tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

- Những điểm mới trong Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2017 là gì? Trong tương lai, kỳ vọng của Hội đồng vào Giải thưởng có những điểm quan trọng gì, thưa ông?

( Minh Quyết - quyetpham@gmail.com )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Những điểm mới trong Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017:

Đơn giản hóa báo cáo tự đánh giá theo 7 tiêu chí của giải thưởng.

Đang triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp tham dự có thể khai báo đăng ký tham dự và nộp hồ sơ online.

Hiện nay, Tổng cục TCĐLCL đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2008/NĐ-CP trong đó có quy định liên quan đến hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, như: đề xuất hội đồng chuyên ngành cấp bộ ngoài HĐST và HĐQG như thường lệ; quy định rõ các quyền lợi đối với những doanh nghiệp đạt giải như: giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, đầu tư nghiên cứu KH&CN, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến, xúc tiến thương mại; lôi cuốn sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền và triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

- Với Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương xin ông chia sẻ kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng này?

( Trần Đăng Duy - danduytran@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Thành công của chúng tôi cũng như các doanh nghiệp đạt giải khác, tôi cho đó là nội lực doanh nghiệp phải mạnh; hệ thống quản trị theo các hệ thống quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó đã tạo ra nền tảng phù hợp với các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, cộng với sự nỗ lực của các đơn vị chức năng, trong quá trình giúp cho THIBIDI đạt được Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương.

- Hiệp hội là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tầm vóc của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và số lượng gần 2.000 doanh nghiệp đạt giải trong 20 năm qua là ít hay nhiều?

( Hoàng Minh Thái - minhthaikiss@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Thứ nhất về tầm vóc của giải thưởng thì càng ngày càng có thương hiệu tốt, có cải tiến phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh.

Số lượng 2.000 doanh nghiệp rõ ràng là một con số còn khiêm tốn, nhưng qua đó cho thấy giải thưởng không được trao một cách tràn lan mà có sự chọn lọc, điều đó rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, đó cũng là yếu tố làm nên thương hiệu của giải thưởng. Qua đó thấy được trình độ quản lý của các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn đang ở trong mức độ thấp, cần có những sự cố gắng từ mọi phía để số lượng các doanh nghiệp nhỏ vừa đáp ứng các tiêu chí được nâng cao.

- Nhiều người nhận định "Giải thưởng Chất lượng quốc gia góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất." Theo bà, nhận định trên đã đúng và đủ hay chưa?

( Xuân Quế - quedang123@gmail.com )

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR):

Theo tôi, việc nhận định Giải thưởng Chất lượng Quốc gia góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng suất là đúng nhưng chưa đủ.

Bởi vì trong các tiêu chí của giải thưởng, tiêu chí chính sách định hướng và khách hàng thị trường luôn thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo vì thị trường luôn cạnh tranh khốc liệt, khách hàng luôn yêu cầu cái mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới.

Chính vì vậy, để thỏa mãn các yêu cầu này, doanh nghiệp phải luôn luôn không ngừng cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng.

Ngoài các tiêu chí trên, việc quản lý phát triển nguồn nhân lực, quản lý các quá trình hoạt động cũng như trách nhiệm với xã hội, môi trường… cũng được đề cập đến trong việc đánh giá.

- Được biết Tổng cục đã có phương án sửa đổi Nghị định 132 để doanh nghiệp dễ tiếp cận với Giải thưởng Chất lượng Quốc Gia. Xin hỏi khi Nghị định này được sửa đổi doanh nghiệp sẽ có những thuận lợi gì?

( Hải Oanh - lehaioanhhn@gmail.com )

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

- Tổng cục đang lên phương án sửa NĐ 132 theo hướng không hạn chế số lượng Giải vàng (hàng năm giải vàng là không quá 20) để động viện khích lệ kịp thời doanh nghiệp xứng đáng.

- Các Bộ, ngành có thể thành lập hội đồng sơ tuyển chuyên ngành; thay đổi tên gọi giải Bạc và Giải Vàng Chất lượng Quốc gia thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

- Có thêm các cơ chế khen thưởng xứng đáng doanh nghiệp đạt Giải.

- Nhiều người nhận định "Giải thưởng Chất lượng quốc gia góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất". Theo ông, nhận định trên đã đúng và đủ hay chưa?

( Đặng Kim Phượng - kimphuong956@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Theo tôi nhận định trên là đúng. Bởi nếu doanh nghiệp quan tâm thực hiện theo các tiêu chí này thì có thể nói là hệ thống tiêu chí giống công cụ hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp vận hành từ sản xuất cung cấp dịch vụ hàng hóa đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu thị trường, đồng thời đây là một công cụ giúp tăng năng suất tăng chất lượng sản phẩm.

Đây là chìa khóa rất quan trọng đề tồn tại; Và trong tiêu chí đó có các tiêu chí liên quan đến định hướng khách hàng - đây là nét văn hóa và là trách nhiệm rất quan trọng của nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp dễ đạt được yêu cầu về đầu ra của mình.

- Ông đánh giá như thế nào khả năng đáp ứng được các tiêu chí của giải thưởng đối với hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam?

( Mạnh Phúc - manhphuc0502@gmail.com )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Các doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước khi tham gia giải thưởng, bản thân các chủ doanh nghiệp cần tích cực, chủ động trong việc nâng cao trình độ. Mỗi chủ doanh nghiệp phải ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và những hạn chế của chính bản thân mình để có kế hoạch khắc phục, cố gắng vươn lên.

Bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi phương pháp, cách thức quản trị doanh nghiệp rất khác so với trước kia, chủ doanh nghiệp phải biết ngoại ngữ, có khả năng sử dụng thành thạo và hiệu quả mạng in-tơ-nét vào công tác giao dịch và quản trị. Do đó, mỗi chủ doanh nghiệp phải tự học tập vươn lên để cập nhập những tri thức mới, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp, cách làm việc mới, thị trường mới. Sự đánh giá khách quan của các chuyên gia đánh giá trong quá trình đánh giá, xét thưởng luôn được các doanh nghiệp và tổ chức tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia trân trọng và coi đó là căn cứ hữu ích cho việc triển khai các hoạt động cải tiến liên tục trong hành trình vươn tới sự tuyệt hảo

- Được biết doanh nghiệp của ông đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và thực sự đem lại hiệu quả cho hoạt động quản lý và kết quả SXKD của doanh nghiệp. Vậy ông có thể cho biết mối liên hệ giữa các Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Hệ thống quản lý chất lượng mà doanh nghiệp đang áp dụng?

( Phạm Hồng Hạnh - hanhpham24@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Tôi cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là thước đo và giúp cho doanh nghiệp xem xét lại hệ thống quản trị của doanh nghiệp. ISO 9001 là cơ sở quản trị chất lượng của DN. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và ISO 9001 là sự hỗ trợ, tương hộ để giúp cho doanh nghiệp hoàn thiện hơn.

Chúng tôi đã áp dụng ISO 9001 từ rất sớm, đó là nền tảng giúp cho THIBIDI đạt được Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

- Theo bà, các tiêu chí đánh giá của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã đảm bảo tính chặt chẽ và có tính bao quát trong việc đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp tham gia hay chưa?

( Trần Hoàng - Thaymadaha@gmail.com )

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR):

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc LADOPHAR đang trả lời các câu hỏi của bạn đọc

Những tiêu chí này đã đảm bảo tính bao quát trong việc đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp khi tham gia. Vì 7 tiêu chí này bao hàm các hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp, từ xây dựng chiến lược phát triển đến vai trò của lãnh đạo, chính sách định hướng, khách hàng định hướng sản phẩm…

- Tôi rất muốn biết: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017 tới đây có gì khác biệt so với các năm trước và có được cải tiến để phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển, cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện nay?

( Phương Linh - linhlinh0803@gmail.com )

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Những điểm mới trong Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017:

- Cải tiến Mẫu báo cáo tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia theo hướng đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp tham dự nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu theo quy định.

- Đang triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp tham dự có thể khai báo đăng ký tham dự và nộp hồ sơ online.

Trong tương lai, cơ quan thường trực đang đề xuất sửa đổi một số điều có liên quan tới Giải thưởng chất lượng như: các Bộ, ngành có thể thành lập hội đồng sơ tuyển chuyên ngành; thay đổi tên gọi giải Bạc và Giải Vàng Chất lượng Quốc gia thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

- Tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan, đặc biệt doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tham gia giải thưởng chính là công cụ, mục tiêu, động lực giúp doanh nghiệp phát triển.

- Xin cho biết vai trò của cơ quan đầu mối tại địa phương trong việc lôi cuốn các doanh nghiệp tham gia vào phong trào năng suất chất lượng, trong đó có Giải thưởng Chất lượng Quốc gia?

( Hoài Anh - hoaianhpham@gmail.com )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Cơ quan đầu mối về hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tại địa phương là Sở KH&CN và Chi cục TCĐLCL. Các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, đồng thời tiến hành xem xét, đánh giá trực tiếp các doanh nghiệp đăng ký tham dự.

Các cơ quan này nắm rõ số lượng, quy mô, tính chất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thông qua Giải thưởng Chất lượng Quốc gia các cơ quan này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào chương trình nâng cao năng suất chất lượng tại địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụngcác hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến vào trong quá trình quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Với 7 tiêu chí được đưa ra để đánh giá các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia theo ông có quá 'nặng' so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không?

( Nguyễn Văn Phúc - phucntt@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Tôi nghĩ dùng chữ "quá nặng" là chưa hợp lý bởi giải thưởng không chỉ có ý nghĩa về mặt giá trị mà còn giúp cho doanh nghiệp vận hành theo tiêu chí để phát triển, tăng độ cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp. doanh nghiệp muốn tồn tại bắt buộc phải hướng tới các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

- Một trong những nguyên tắc quan trọng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là: "Đổi mới và Cải tiến liên tục". Vậy nguyên tắc này được vận dụng như thế nào trong doanh nghiệp của ông?

( Nguyễn Doãn Trung - trungdoan123@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Ông Phạm Ngọc Bích (thứ 2 bên trái) đang trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình giao lưu trực tuyến do VietQ.vn tổ chức.

Vấn đề "Đổi mới và cải tiến liên tục" là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Chúng tôi đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 từ rất sớm từ năm 2000. Trong đó, yếu tố về đổi mới và cải tiến liên tục là một trong những yêu cầu của hệ thống. Vấn đề đổi mới và cải tiến bắt đầu từ tầm nhìn của lãnh đạo, và chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi công nghệ và vươn tới tầm cỡ khu vực. Chúng tôi chú trọng đến vấn đề đào tạo và khuyến khích cán bộ, công nhân viên đổi mới.

Cụ thể, chúng tôi liên tục cải tiến sản phẩm, cải tiến quá trình và có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên.

Hằng năm, chúng tôi đầu tư đổi mới công nghệ bằng những kế hoạch cụ thể, xuất phát từ hội đồng quản trị, ban điều hành cho đến các phòng ban. Với những nguyên tắc xuyên suốt như vậy, chúng tôi đã đạt được sản phẩm và dịch vụ vượt trội như hiện nay.

- Theo bà ý nghĩa lớn nhất mà Giải thưởng Chất lượng Quốc gia mang lại cho các doanh nghiệp là gì?

( Đỗ Duy Tùng - Tungdoo68@gmail.com )

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR):

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp doanh nghiệp tự tin, có công cụ để quản trị doanh nghiệp tốt, nâng cao năng lực cạnh trạnh, tự tin hội nhập…. Qua đó, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp được nâng lên, trình độ nguồn nhân lực của doanh nghiệp được nâng cao…

- Xin ông cho biết, các doanh nghiệp thế mạnh đạt giải thưởng năm nay thuộc về các lĩnh vực gì?

( Thái Luân - Thailuan11@gmail.com )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Cũng như các năm trước đây, các doanh nghiệp có quy mô lớn vẫn chiếm tỷ lệ cao và tập trung chủ yếu trong một số lĩnh vực như: Sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

- Theo ông, các tiêu chí đánh giá của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã đảm bảo tính chặt chẽ và có tính bao quát trong việc đánh giá “sức khỏe” của các doanh nghiệp tham gia hay chưa?

( Nguyễn Ngọc Thảo - thaonguyen2005xd@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Theo tôi các doanh nghiệp trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi áp dụng các tiêu chí này là rất cần thiết như đã phân tích ở trên. Nhưng ở khía cạnh khác, mặc dù các tiêu chí rất khoa học và phù hợp với loại hình doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa và các tiêu chí bao quát mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp trong đó có nhiều nội dung giúp doanh nghiệp cải thiện điểm yếu.

Vì thế tôi nghĩ đảm bảo được tính chặt chẽ và tính bao quát. Và tôi muốn nhấn mạnh doanh nghiệp chỉ cần quan tâm và thực hiện (chưa cần đạt giải) thì đã đem lại những tác động tích cực đến hiệu quả doanh nghiệp.

- Các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia dựa trên các nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại, đối với doanh nghiệp của ông thì nguyên tắc nào thể hiện rõ nét nhất?

( Hoa Phương Lê - hoaphuongle@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Tôi cho rằng tất cả các nguyên tắc này đều quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguyên tắc thể hiện rõ nét nhất đối với THIBIDI là tầm nhìn của lãnh đạo, định hướng vào khách hàng, quản lý để đổi mới, và chú trọng vào kết quả để tạo ra giá trị, quản lý theo hệ thống.

- Trong quá trình sát cánh cùng doanh nghiệp, bà có thể nêu rõ hơn những khó khăn và thuận lợi của doanh nghiệp khi tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia? Bà có kiến nghị gì với Hội đồng Giải thưởng nhằm tạo điều kiện nhất cho các doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng?

( Bảo Anh - Baoanh68@gmail.com )

Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR):

Khi tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với doanh nghiệp không quá khó khăn. Vì đã xác định được 7 tiêu chí xuyên suốt các hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp.

Bởi đây không chỉ là tham gia lấy giải thưởng mà còn giúp doanh nghiệp tự tin để phát triển, giúp cho doanh nghiệp hoàn thiện khả năng quản trị, từ đó nâng cao năng lực cạnh trạnh.

- Việt Nam tham gia Hiệp định TPP và trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Ông đánh giá như thế nào về vai trò tiên phong của các doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương trong việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu?

( Lê Mai Loan - mailoan236@yahoo.com.vn )

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Thương mại quốc tế, hội nhập toàn cầu và khu vực là cơ hội, động lực chính của tăng trưởng, tự do hóa thương mại, là nền tảng để mở rộng, phát triển sản xuất xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, song song với những cơ hội, các chuyên gia kinh tế cũng đã phân tích, hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa luôn mang đến những cơ hội và cả những thách thức cho từng quốc gia và chính mỗi doanh nghiệp.

Có thể thấy doanh nghiệp đã đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương như một đầu tàu về phong trào năng suất – chất lượng để thu hút, lôi kéo các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia bằng chính những kết quả thực tế đạt được của doanh nghiệp. Khi tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cũng là một cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tự đánh giá mình, tự xem xét lại toàn bộ hệ thống quản lý của Công ty thông qua 7 tiêu chí của Giải thưởng. Thông qua quá trình xem xét, đánh giá của các chuyên gia đánh giá giải thưởng ở cấp địa phương và quốc gia và trong chính cả quá trình lập hồ sơ, doanh nghiệp đã nhận diện rất rõ những điểm yếu, điểm mạnh và cơ hội cải tiến hoạt động quản lý của chính doanh nghiệp. Đây cũng là một nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho định hướng phát triên bền vững của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

- Là cơ quan thường trực Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, ông đánh giá như thế nào về năng lực của các doanh nghiệp tham gia giải thưởng năm nay, với số lượng doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2016 có bao nhiêu doanh nghiệp được đề xuất xét giải?

( Tuệ Trân - trantuetran93@gmail.com )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Những doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển các tỉnh thành phố đề xuất là những doanh nghiệp tiêu biểu của địa phương có những thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội; tham gia tích cực trong phong trào năng suất chất lượng tại địa phương.

Năm 2016, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham dự tăng so với năm 2015. Cụ thể: Có gần 200 doanh nghiệp đăng ký tham dự. Hiện nay, cơ quan thường trực Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ KH&CN đề nghị Thủ tướng CP ký quyết định trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho 86 doanh nghiệp của 37 tỉnh, thành phố.

- Theo ông ý nghĩa lớn nhất mà Giải thưởng Chất lượng Quốc gia mang lại cho các doanh nghiệp là gì?

( Bùi Vũ Ngọc Trang - Trangvt@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Thứ nhất, giải thưởng không những được thiết kế để thể hiện các tiêu chí và quy trình với mục đích tôn vinh và khen thưởng về chất lượng cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp còn có thể sử dụng nó nhưu một công cụ để tự đánh giá hiệu quả của hệ thống quản lý, qua đó tự nâng cao khả năng huy động nguồn lực theo mục tiêu, định hướng, tìm đến sự sáng tạo đổi mới cải tiến hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động.

- Là doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á- TBD, THIBIDI đã có kết quả như thế nào trong việc áp dụng 7 tiêu chí xét giải của Giải thưởng này trong doanh nghiệp?

( Nguyễn Minh Lý - minhly85@gmail.com )

Ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI):

Chúng tôi đã đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc Gia từ năm 2012. Qua 7 tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc Gia, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện và đạt Giải Vàng lần thứ 2 vào năm 2015, đặc biệt là trong năm 2016 chúng tôi vừa đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á -TBD. Kết quả của giải thưởng này đã giúp cho Doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh, hoàn thiện hệ thống quản trị, tăng năng lực quản trị DN và kết quả chúng tôi duy trì tăng trưởng 20%/ năm. Cụ thể:

Năm 2015, chúng tôi đạt doanh thu là 2002 tỷ. Đến năm 2016, chúng tôi dự kiến doanh thu đạt được là 2500 tỷ. Thị trường giữ vững, chúng tôi chiếm khoảng 70% thị phần ở khu vực phía nam và chiếm khoảng 40% thị phần tại Cambodia.

- Năm 2016 công tác triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được triển khai như thế nào? Xin ông chia sẻ về kết quả?

( Kiều Trinh - trinhkieupham@gmail.com )

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam:

Ông Phùng Mạnh Trường trong chương trình giao lưu trực tuyến

Năm 2016, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tròn 20 năm (1992-2016), đánh dấu một chặng đường hình thành và phát triển, tạo dựng lòng tin và uy tín đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức chuỗi sự kiện nhân 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Cho đến nay đã có gần 1.700 lượt doanh nghiệp đạt giải Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, 148 doanh nghiệp đạt Giải vàng Chấy lượng Quốc gia, 128 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và 40 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương.

Năm 2016 đã có gần 200 doanh nghiệp đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Hội đồng giải thưởng các cấp đã tiến hành xem xét ,đánh giá và lựa chọn 86 doanh nghiệp đủ điều kiện để đề nghị Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào 3/2017 tại Hà Nội.

- 20 năm được triển khai, với tư cách là thành viên Hội đồng GTCLQG 2016, ông đánh giá thế nào về những thành quả mà Giải thưởng mang lại trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

( Hoàng Phượng - hoangphuong@gmail.com )

Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

- Năm 2016 là năm ghi dấu mốc quan trọng cho hoạt động Giải thưởng với chặng đường 20 năm phát triển bền vững.

- Hình thành từ Phong trào năng suất - chất lượng tại Việt Nam, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của Phong trào trong hai thập niên với mục tiêu là khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến nãng suất - chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất - chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất - chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp đạt Giải thưởng là những doanh nghiệp điển hình về áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật trong suốt thời gian vừa qua. Đồng thời, đây là những doanh nghiệp đi đầu tham gia trong phong trào năng suất - chất lượng, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội và hội nhập quốc tế về chất lượng.

- Giải thưởng này là công cụ, động lực, đồng thời là mục tiêu để doanh nghiệp phấn đấu, nâng cao vai trò, vị trí, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong điều kiện hội nhập hiện nay.

- Tôi tin tưởng rằng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sẽ tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được trong 20 năm qua, đóng góp cho thành công của Phong trào Năng suất - Chất lượng tại Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.

- Trong quá trình sát cánh cùng DN, ông có thể nêu rõ hơn những khó khăn và thuận lợi của DN khi tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia? Ông có kiến nghị gì với Hội đồng Giải thưởng nhằm tạo điều kiện nhất cho các DN khi tham gia giải thưởng?

( Nguyễn Mạnh Dũng - dungnguyen1209@gmail.com )

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Những năm qua Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã có những kết quả đáng ghi nhận với số lượng gần 2000 doanh nghiệp. Đây là con số còn khiêm tốn so với hơn nửa triệu doanh nghiệp hiện nay, nhưng cho ta thấy đây là giải thưởng có sự chọn lọc, không dễ đạt được.

Về thuận lợi: Tôi nhất trí với ý kiến phát biểu của Tổng cục trưởng, vì doanh nghiệp khi tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được tiếp cận với 7 tiêu chí một cách cân nhắc chọn lọc, tương đối hoàn hảo, các doanh nghiệp làm theo tiêu chí sẽ đem lại tính bền vững trong vận hành doanh nghiệp.

doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu về quản trị, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó khi tiếp cận, các doanh nghiệp khó đáp ứng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Gửi câu hỏi

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/gltt-giai-thuong-chat-luong-quoc-gia-2016-xay-dung-niem-tin-kien-tao-doi-moi-d110747.html