Gloomy Sunday: 'Ca khúc tự sát' gây kinh hoàng trên khắp thế giới

Gloomy Sunday - 'Ca khúc tự sát' được cho là nguồn cơn của hàng trăm cái chết bí ẩn.

Gloomy Sunday - Ngày chủ nhật u tối là ca khúc nổi tiếng trên toàn thế giới của nhà soạn nhạc thiên tài Seress Rezső. Tuy nhiên, cách ca khúc này nổi tiếng lại khiến nhiều người ám ảnh vì quá... đáng sợ.

Đúng như tiêu đề, Gloomy Sunday được ra đời vào một ngày chủ nhật u ám tại thủ đô Paris, Pháp vào tháng 12/1932. Seress Rezső lang thang trên đường phố hoa lệ nhưng lòng đầy nỗi chua xót vì cuộc tình đổ vỡ. Những giai điệu đầu tiên của Gloomy Sunday ra đời, vỏn vẹn 30 phút sau một tác phẩm có tương lai kinh hoàng được thành hình.

Theo một số người qua đường, Seress Rezső vốn không thông thạo nhạc lý nên chỉ có thể huýt sáo giai điệu bài hát và nhờ một thanh niên ghi lại bản nhạc trên giấy với giá 5 đồng - Một cái giá quá rẻ để mua về những kết cục đầy bi thương cho chính ông.

Tuy nhiên, ca khúc này trong giai đoạn đầu lại nhận về nhiều cái lắc đầu và tưởng chừng rơi vào quên lãng. Sự nghiệp của Seress Rezső càng thêm tăm tối khi thời điểm viết ra Gloomy Sunday, ông là một người vô danh nên cơ hội để ca khúc đến với đại chúng là điều rất khó khăn.

Tuy nhiên ba năm sau đó, một người bạn của Seress Rezső đã viết lời cho ca khúc và đưa cho ca sĩ Pál Kalmár thể hiện, Gloomy Sunday bỗng dưng trở nên nổi đình nổi đám.

Ban đầu, ca khúc này gây nên khá nhiều tranh cãi vì giai điệu của nó quá kỳ lạ. Những nốt nhạc không được viết theo bất kỳ quy tắc nào, thể hiện cảm xúc hỗn độn, cùng cực như chính tâm can tác giả.

Chưa kể, giọng hát như vừa khóc vừa sợ hãi của Pál Kalmár cũng tạo nên câu hỏi về ẩn ý mà ca sĩ này muốn truyền tải. Nhưng rõ ràng, Glommy Sunday do Pál Kalmár thể hiện mang quá nhiều sự u ám, vẽ ra một không gian âm nhạc màu xám xịt bi thương.

Thế nhưng, điều khiến nhiều người lo sợ là sau khi ca khúc được phát hành dưới giọng hát Pál Kalmár, đã có hàng trăm vụ tự tử xảy ra một cách bí ẩn.

Nhiều vụ án nổi tiếng có liên quan mật thiết đến Gloomy Sunday khiến người ta hoảng loạn. Điển hình là người đàn ông sống tại Budapest (Hungary), sau khi yêu cầu ban nhạc tại quán coffee chơi Gloomy Sunday, ông đã dùng súng bắn vào đầu trên đường về nhà.

Một tuần sau đó, một nữ nhân viên bán hàng tại Berlin (Đức) được phát hiện treo cổ tự tử và dưới chân chính là bản ghi ca khúc Gloomy Sunday.

Một thời gian sau đó, một cụ ông đã nhảy từ cửa sổ tầng 7 xuống đất sau khi chơi ca khúc này bằng đàn piano. Một cô bé chỉ 14 tuổi đã nhảy xuống sông tự tử khi trong tay còn đang cầm một bản copy của Gloomy Sunday. Một cậu bé đang đi trên đường bỗng dừng lại, dốc sạch tiền trong túi ra cho người ăn xin chơi bản nhạc Gloomy Sunday rồi đi tới một cây cầu và nhảy xuống sông sau đó,...

Vốn dĩ ca khúc được viết sang 100 thứ tiếng và phát hành rộng rãi trên toàn thế giới nên đã khiến nhiều người hoài nghi Gloomy Sunday là bản nhạc bị "ma ám". Đã có hơn 15 đơn kiện ca khúc này liên quan đến những cáo buộc tiêu cực, gây tác động xấu đến xã hội.

Tại Việt Nam, Gloomy Sunday cũng được viết lời Việt và phát hành vào những năm 50 do nhạc sĩ Phạm Duy với tên Chủ nhật buồn. Tuy nhiên, tại Việt Nam rất hiếm có ca sĩ nào thể hiện bài hát này, một phần do giai điệu quá khó thể hiện, một phần do những lời đồn đại về ca khúc khiến ai cũng e dè.

Truyền thông liên tục đưa tin về hàng trăm cái chết được cho là có liên quan đến Gloomy Sunday khiến ca khúc bị cấm phát hành diện rộng trên nhiều quốc gia. Đây vốn dĩ là ca khúc nổi tiếng nhất của Seress Rezső, thế nhưng nó lại gắn với quá nhiều vụ án bí ẩn khiến ông cũng phải lên tiếng "tôi mắc kẹt trong thứ thành công đầy chết chóc này".

Đáng nói, tác giả ca khúc là Seress Rezső cũng không thoát khỏi số mệnh ảm đạm như chính Glommy Sunday. Cuối Đệ nhị Thế chiến, ông bị bắt vào trại tập trung vì là người gốc Do Thái. Ông bị phán quyết xử tử sau đó, tuy nhiên ngày ra pháp trường, ông đã nói mình chính là tác giả Glommy Sunday mà sĩ quan hành quyết rất yêu thích nên đã tha chết cho ông.

Thế nhưng bi kịch vẫn không buông tha Seress Rezső. Tháng 1/1968, ông phát hiện mình lâm trọng bệnh và không thể chữa khỏi. Seress Rezső đã tự kết liễu cuộc đời khi nhảy từ tầng 4 căn hộ xuống đất.

Những cái chết liên hoàng khiến các nhà khoa học buộc lòng phải đi vào nghiên cứu Gloomy Sunday. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng Gloomy Sunday ra đời vào thời điểm Hoa Kỳ và châu Âu đang trong giai đoạn phục hồi những dư chấn nặng nề sau Thế chiến thứ I. Đối mặt với những sự tiêu cực do suy thoái kinh tế trầm trọng khiến tâm lý người dân không ổn định. Lúc này, âm nhạc và phim ảnh hoàn toàn có thể tác động đến họ.

Một giả thiết khác được đưa ra là trong bản phối của Gloomy Sunday có chứa những âm thanh kỳ lạ gây tác động đến não bộ người nghe khiến họ hồi tưởng về những ký ức đau buồn, không vui vẻ. Việc cảm xúc cực đoan dễ dàng khiến người nghe rơi vào trạng thái mất kiểm soát, dẫn đến tự sát.

Đáng nói, những giả thiết này đều không được công nhận một cách chính xác, Cho đến này ngay, những bí ẩn xoay quanh Gloomy Sunday vẫn còn là điều khiến nhiều người tò mò. Và không thể phủ nhận, dù đúng dù sai thì đây vẫn là một tác phẩm khiến nhiều người sợ hãi và ví nó như một "lời sấm truyền" đầy chết chóc.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-nhac/gloomy-sunday-ca-khuc-tu-sat-gay-kinh-hoang-tren-khap-the-gioi-202205201422330286.html