Giúp vùng biên giới Lào Cai phát triển

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc với dân số hơn 674 nghìn người, 25 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 64% dân số, có 157 thôn đặc biệt khó khăn.

Những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, trong đó có đóng góp quan trọng của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội.

Bà con dân tộc làm giàu nhờ internet

Cách TP Lào Cai hơn 50 cây số, vượt qua những con dốc quanh co, chúng tôi đến thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương. Vùng đất này bạt ngàn những đồi quýt. Tại thôn Chúng Chải B có 37 hộ dân thì có hơn 90% số hộ dân trồng quýt, thứ quả này được người dân nơi đây ví như "trái vàng” giúp họ thoát nghèo. Chị Pờ Thị Sen, 38 tuổi, là người tiên phong trong việc chuyển đổi từ trồng ngô, lúa sang trồng quýt tại địa phương này, chia sẻ: "Trước đây gia đình mình chỉ trồng ngô, lúa cho thu nhập thấp, nhiều lúc còn phải đi vay tiền để trang trải cuộc sống. Từ năm 2004 đến nay, gia đình chuyển sang trồng quýt. Hiện tại, vườn quýt nhà mình có hơn 4.000 cây, trên diện tích 3ha, cho thu hoạch 20 tấn quýt/năm và đem về doanh thu hơn 300 triệu/năm. Từ việc bán quýt, mà gia đình mình đã trả hết nợ, tiết kiệm tiền mua được một mảnh đất ở trung tâm huyện, sửa lại căn nhà đang ở, mua xe máy và nuôi hai con ăn học đầy đủ”.

Chị Pờ Thị Sen sử dụng mạng 4G của Viettel để phục vụ việc kinh doanh quýt.

Là người dân tộc thiểu số, song chị Sen rất nhanh nhạy với CNTT. Từ năm 2017, chị Sen bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng 4G của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) để thường xuyên đăng thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội phục vụ việc kinh doanh quýt. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên lên mạng tìm hiểu cách trồng quýt sao cho năng suất cao, chất lượng quả tốt bảo đảm tiêu chuẩn VietGap. Nhờ đó, năm 2017, 1/3 tổng số quýt thu hoạch tại vườn được bán cho khách đặt hàng trên mạng xã hội với giá 17.000 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với bán cho thương lái. Ngoài ra, chị Sen còn tạo việc làm cho 5 người dân địa phương với mức thu nhập ổn định 4,5 triệu đồng/tháng. Chị Sen cũng dạy cách trồng, kinh doanh quýt cho người dân trong huyện, trong đó có gia đình anh Pờ Sen Phù. Nhờ đó, gia đình anh Phù cũng sử dụng điện thoại thông minh kết nối mạng 4G của Viettel để bán hàng trên mạng xã hội. Hiện vườn nhà anh có hơn 3.000 cây quýt, cho doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm.

Bộ đội tích cực giúp nhân dân nâng cao đời sống

Rời thôn Chúng Chải B, đoàn chúng tôi tiếp tục tìm đến thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mương Khương, là một trong những địa bàn biên giới khó khăn và phức tạp nhất của tỉnh Lào Cai. Để giữ vững an ninh trật tự vùng biên, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, giúp đỡ bà con dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vận động học sinh đến trường đồng thời bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở vùng biên.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu sử dụng mạng 4G của Viettel để hướng dẫn gia đình anh Thào Seo Châu, dân tộc Mông cách chăn nuôi, trồng trọt.

Một cách làm hay và hiệu quả mà các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu áp dụng trong việc tuyên truyền cho bà con dân tộc nơi đây là sử dụng internet. Trung tá Khổng Hữu Huân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cho biết, bên cạnh những phương pháp tuyên truyền truyền thống, cán bộ của đồn đã kết hợp sử dụng điện thoại thông minh có kết nối mạng 4G của Viettel để tìm kiếm những hình ảnh, video có nội dung về pháp luật, cách chăn nuôi, trồng trọt, vệ sinh môi trường... trên các trang báo chính thống cho bà con dân tộc xem và làm theo, giúp bà con cải thiện đời sống.

Anh Thào Seo Châu, 33 tuổi, người dân tộc Mông, chia sẻ: “Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu thường xuyên đến vận động và hướng dẫn gia đình tôi cách chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng được hướng dẫn vệ sinh nhà cửa, chuồng trại để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh. Năm ngoái, tôi mua một chiếc điện thoại có kết nối mạng 4G của Viettel, nhờ có các chú bộ đội hướng dẫn sử dụng nên giờ tôi đã biết cách truy cập internet để đọc báo và tra cứu các thông tin cần thiết”.

Ngoài ra, khi đi tuần tra biên giới và kiểm tra những địa điểm sạt lở trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cũng tận dụng điện thoại thông minh để gọi video về cho cán bộ trực tại đồn nắm rõ hơn thông tin tại hiện trường. Thông qua cách làm trên, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã thường xuyên nắm bắt được tình hình cũng như kịp thời xử lý những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội mà địa bàn vùng biên giới của tỉnh Lào Cai đã thêm no ấm, vững vàng thế trận quốc phòng, an ninh.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giup-vung-bien-gioi-lao-cai-phat-trien-559514