Giúp vợ chồng nghèo hiếm muộn được làm cha mẹ

Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn nên không đủ tiền để chạy chữa, vì thế ước mơ có con càng xa vời. Thấu hiểu cho những hoàn cảnh như vậy, liên tiếp trong 2 năm qua, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã thực hiện chương trình hỗ trợ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng nghèo. Nhờ đó, không ít cặp vợ chồng đã nở nụ cười hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ sau hành trình chữa trị đầy gian nan.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền (ngoài cùng bên phải), Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho một cặp vợ chồng hiếm muộn.

Mang tiếng cười trẻ thơ đến mái ấm

Vào tháng 6-2020, vợ chồng anh Triệu Văn Sơn và chị Triệu Thị Liên (quê ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) vỡ òa hạnh phúc khi đón 2 bé gái chào đời xinh xắn, khỏe mạnh. Anh Triệu Văn Sơn kể, lấy nhau được 9 năm, hai vợ chồng đã chạy chữa, điều trị vô sinh ở nhiều nơi, nhưng không có kết quả. Những thứ có giá trị trong nhà đều bán hết, thậm chí vợ chồng anh cũng đi vay mượn khắp nơi từ những người thân cho đến ngân hàng để có tiền chữa trị.

“Vào năm 2014, tức 4 năm sau ngày cưới, lần đầu tiên vợ tôi cảm nhận được mầm sống lớn lên từng ngày trong cơ thể. Tuy nhiên, số phận trêu đùa khi thai không giữ được. Để có con, vợ chồng tôi cần được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng không có tiền để chi trả trong khi vẫn còn khoản nợ lớn của những lần vay mượn điều trị trước đó”, anh Sơn nhớ lại.

Thế rồi vào năm 2019, số phận đã mỉm cười với vợ chồng anh Sơn, chị Liên và 10 cặp vợ chồng khác khi được nhận suất hỗ trợ làm IVF miễn phí của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. “Quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm diễn ra thuận lợi. Chuyển phôi chỉ mới 6 ngày, vợ tôi đã đậu thai thành công. Thế nhưng, quá trình mang thai lại không hề đơn giản. Vợ tôi nghén nặng, nôn ra máu, thậm chí không uống được cả một giọt nước, giảm tới 15kg… Điều tuyệt vời, dù sức khỏe của vợ tôi như vậy, nhưng thai song sinh vẫn phát triển bình thường và khi sinh ra thì hoàn toàn khỏe mạnh, một bé nặng 2,8kg, một bé nặng 3,1kg. Giờ thì gia đình tôi vô cùng hạnh phúc…”, anh Sơn chia sẻ.

Tương tự, gia đình chị Lê Thị Hoàng Phương, anh Nguyễn Văn Miên (ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) cũng được làm IVF thành công tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Chị Phương tâm sự: “Suốt hành trình tìm kiếm con kéo dài hơn 6 năm, không chỉ chịu áp lực về chi phí điều trị, mà còn cả áp lực từ phía người thân, họ hàng, làng xóm. Mỗi khi có công có việc, họ hàng tập trung, mọi người lại hỏi về chuyện con cái, khiến tôi cứ thấy ngài ngại dù biết rằng chẳng có lỗi trong việc chưa thể có thai... Thế nhưng, hạnh phúc cũng đã mỉm cười, khi tôi mang thai đôi và đang được các y, bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tận tình chăm sóc.”.

Trực tiếp điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội Lê Thị Thu Hiền tâm sự: "Mỗi trường hợp, mỗi gia đình là một nỗi niềm, một hoàn cảnh khó khăn khác nhau, song họ đều có điểm chung là đau đáu nỗi mong sớm có con, nhưng chưa thể thực hiện được. Chính vì vậy, không chỉ chia sẻ gánh nặng chi phí, chúng tôi cũng phải nỗ lực hết sức để họ hoàn thành giấc mơ làm cha mẹ".

Một chương trình ý nghĩa, nhân văn

Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tỷ lệ thành công của các chu kỳ IVF khá cao và tăng dần theo từng năm. Hiện tại, số ca thành công chiếm từ 50% đến 70%; thậm chí, bệnh viện đã thực hiện thành công cho hàng nghìn ca vô sinh, hiếm muộn, trong đó có không ít ca khó, như: Hiếm muộn trên 20 năm thất bại sau nhiều lần IVF, cả hai vợ chồng cùng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), người chồng vô tinh...

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền chia sẻ, nhiều cặp vợ chồng trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, eo hẹp về kinh tế, nên không đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám sớm. Vì thế, họ đã bỏ lỡ thời điểm khả năng có thai cao nhất. Năm nay, bệnh viện đã tổ chức tư vấn, khám, siêu âm và xét nghiệm miễn phí cho 5.000 trường hợp vô sinh qua chương trình “Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2020” (diễn ra từ ngày 28-6 đến ngày 12-7). Ngày 26-7 tới, bệnh viện công bố 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được làm IVF miễn phí… “Hy vọng, những hỗ trợ thiết thực từ phía bệnh viện có thể giúp những trường hợp khó khăn tiếp cận sớm hơn với các kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn trước khi quá muộn", bác sĩ Lê Thị Thu Hiền nói.

Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho biết, bệnh viện mong muốn mang đến cho cộng đồng những chương trình thật sự trọn vẹn, ý nghĩa, nhân văn. Bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, nâng số trường hợp được làm IVF miễn phí trong những năm tới. Hy vọng, từ đây, niềm vui làm cha mẹ đến với ngày càng nhiều gia đình hiếm muộn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

thu trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/972921/giup-vo-chong-ngheo-hiem-muon-duoc-lam-cha-me