Giúp trẻ tự tin mà không kiêu ngạo

Nếu trẻ có chút thành tích đã vội coi thường người khác thì không chỉ làm tổn thương đối phương mà đối với trẻ, đó là sự bắt đầu của thất bại.

Để "hãm phanh" sự kiêu ngạo của con, các bậc cha mẹ nên:

Giúp con nhận thức rõ giá trị của bản thân thông qua việc tự ghi chép lại ưu, nhược điểm của bản thân để đánh giá: Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ ghi lại những việc trẻ thực hiện đạt kết quả tốt, đồng thời cũng ghi lại cả những sai lầm, thiếu sót và tác hại của những việc sai trái đó. Mỗi khi trẻ có thành tích, phụ huynh vừa tỏ thái độ ghi nhận vừa đưa ra những hạn chế để chỉnh đốn, rút kinh nghiệm. Tạo điều kiện cho trẻ nói ra ý kiến của mình. Những suy nghĩ đánh giá của chính bản thân trẻ giúp chúng tự ý thức, có thái độ sống tích cực và có kỹ năng tự đánh giá đúng bản thân. Khi nhận thức được giá trị của bản thân, trẻ sẽ bớt tự mãn, kiêu ngạo và hòa đồng hơn với mọi người.

Cùng trẻ bàn bạc, chia sẻ cách giải quyết những hạn chế, tồn tại của con. Việc này nghe có vẻ to tát, nhưng bạn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ. Chẳng hạn, bạn có thể nói cụ thể với con rằng con giỏi hơn bạn cái này, nhưng cái khác bạn giỏi hơn. Cha mẹ hãy khéo léo chỉ cho trẻ thấy mỗi người có một sở trường nhất định, mình mạnh mặt này nhưng yếu mặt khác, không ai toàn diện cả. Vì thế, con đừng vội cho rằng mình là nhất và coi thường người khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của con: Khi con cố gắng nói với bạn về một điều gì đó, hãy dừng lại và lắng nghe, ngay cả khi bạn không hiểu hết những gì con nói. Từ đó, con sẽ nhận ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình rất quan trọng. Con sẽ tự tin mở lòng chứ không tự ti và sống khép mình nữa.

Không so sánh con với người khác, kể cả tích cực: Không so sánh con với người khác, kể cả tích cực: Cho dù bé có thông minh, học giỏi đi nữa thì cha mẹ cũng không nên cổ vũ con bằng cách tán đồng với những suy nghĩ coi thường bạn bè, thầy cô của con. Điều này thực sự không tốt cho sự phát triển tâm lý và khả năng học tập của trẻ sau này.

Nhiều cha mẹ thường so sánh con không chăm, không học giỏi bằng bạn này, bạn kia với hy vọng con sẽ xấu hổ và cố gắng đạt được thành tích như các bạn khác. Nhưng điều đó hoàn toàn vô ích trong thực tế.

Ngay cả khi so sánh tích cực kiểu "Con là người làm tốt nhất trong nhóm", bạn cũng gây tổn hại cho con. Chúng sẽ có ý nghĩ sai lệch về thực tế, không tính đến đóng góp của người khác mà chỉ kiêu ngạo, khoe khoang bản thân.

Cha mẹ cũng cần trò chuyện và giúp cho con hiểu rằng người càng giỏi càng cần phải khiêm tốn. Có như vậy mới nhận được sự yêu mến, nể phục thực sự của mọi người. Là học sinh giỏi nhất lớp nhưng lại chẳng có bạn bè thật đáng buồn lắm.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/giup-tre-tu-tin-ma-khong-kieu-ngao-20210120101350222.htm