Giúp trẻ nhút nhát trở thành 'diễn giả' tự tin

Đối với một số trẻ nhút nhát, nói chuyện tự tin là thử thách khó khăn và cần thời gian nuôi dưỡng, rèn luyện để tiến bộ. Dưới đây là những gợi ý mà phụ huynh có thể áp dụng để giúp trẻ.

 Ảnh minh họa: St

Ảnh minh họa: St

Bạn muốn trẻ nói chuyện tự tin trước mọi người. Bạn muốn trẻ thể hiện ý tưởng và cảm xúc của bản thân rõ ràng, thoải mái ở các cuộc trò chuyện, thảo luận tại lớp. Bạn cũng muốn trẻ tự tin phát biểu trước đông đảo thầy cô, bạn bè tại trường… Tuy nhiên, điều này không dễ dàng với những đứa trẻ nhút nhát.

Bạn không thể biến trẻ thành một "diễn giả" chỉ trong ngày một, ngày hai. Trẻ cần thời gian để tiến bộ, vì vậy bạn nên kiên nhẫn. Đừng quá thúc ép mà hãy khuyến khích để giúp trẻ cải thiện từng ngày.

Đưa ra quyết định từ các việc nhỏ như vậy cũng có thể giúp trẻ tự tin hơn. (Ảnh minh họa: St)

Tạo các cuộc thảo luận trong gia đình

Khuyến khích trẻ nói, đưa ra ý kiến của mình tại các cuộc thảo luận trong gia đình. Chủ đề để thảo luận có thể đơn giản là những việc hàng ngày, từ việc xem chương trình truyền hình nào vào buổi tối hoặc ghé cửa hàng nào mua đồ ăn cho gia đình vào ngày mai… Giúp trẻ dễ dàng nói ra suy nghĩ của mình, trước tiên là với những người thân trong gia đình.

Cho trẻ tự quyết định

Để trẻ tự đưa ra những quyết định nhỏ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, hỏi trẻ xem chúng muốn mặc chiếc áo, chiếc quần nào đi học, đi chơi hoặc chọn món ăn nào cho bữa sáng, bữa tối… Đưa ra quyết định từ các việc nhỏ như vậy cũng có thể giúp trẻ tự tin hơn.

Tổ chức buổi biểu diễn nhỏ

Đề nghị trẻ hát một bài hát cho bố mẹ hoặc anh, chị em trong gia đình nghe. Hay thậm chí tổ chức một buổi gặp gỡ của đại gia đình, để trẻ có cơ hội biểu diễn trước một nhóm "khán giả" quen thuộc. Mặc dù ban đầu trẻ có thể co rúm người vì ngại ngùng, xấu hổ, nhưng trẻ sẽ dám thử với sự hỗ trợ của bạn.

Trẻ càng hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa càng có nhiều khả năng cải thiện sự tự tin. (Ảnh minh họa: St)

Gợi ý mở đầu cuộc trò chuyện

Với nhiều trẻ nhút nhát, chúng thường không biết phải nói gì và bắt đầu từ đâu khi gặp bạn bè mới. Vì vậy, bạn có thể gợi ý cho trẻ vài câu giới thiệu hoặc hỏi ngắn để mở đầu một cuộc trò chuyện. Những câu cụ thể, đơn giản như: "Xin chào. Tên tớ là… Tên bạn là gì?"…

Sắp xếp các buổi giao lưu

Trẻ càng hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa càng có nhiều khả năng cải thiện sự tự tin khi giao tiếp, nói chuyện. Đặc biệt, nếu trẻ có thể vui chơi bắt đầu từ các nhóm bạn nhỏ. Vì thế, bạn nên sắp xếp và tạo cơ hội để trẻ có thể gặp gỡ, giao lưu cùng nhiều các nhóm bạn hơn.

Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi

Lần tới khi bạn và trẻ đi mua sắm cùng nhau, hãy khuyến khích trẻ nói chuyện, đặt câu hỏi với nhân viên, thu ngân khi mua hàng và thanh toán. Những cuộc trò chuyện, dù ngắn, với một vài người lạ, trong đó có nội dung, mục đích, thời lượng rất cụ thể, cũng là cách luyện tập tốt cho trẻ.

Những phản hồi tích cực từ cha mẹ sẽ tiếp thêm cho trẻ sự tự tin vào bản thân từng ngày. (Ảnh minh họa: St)

Để trẻ vào vai "nhân vật" yêu thích

Giả dạng một "nhân vật" nào mà trẻ thích cũng là một cách hữu ích để tăng sự tự tin. Trẻ có thể vào vai một giáo viên, một nhân vật trong phim hoặc một người bất kỳ mà mình yêu mến. Khi này, trẻ có thể xem đó là một trò chơi và thoải mái khi nói, diễn đạt suy nghĩ rành mạch hơn.

Công nhận các ưu điểm

Chỉ khi trẻ cảm thấy hài lòng về chính bản thân mình thì trẻ mới có thể tự tin khi đứng trước mọi người. Bởi vậy, bạn nên tập trung chỉ ra và nhấn mạnh tất cả các ưu điểm của trẻ. Hãy cho trẻ biết bạn đánh giá cao chúng và nhắc nhở trẻ rằng những người khác cũng yêu mến chúng.

Cung cấp phản hồi tích cực

Khi nhận thấy đứa trẻ nhút nhát của bạn đã ngày một tiến bộ hơn thì hãy nói cho trẻ biết bạn vui và hài lòng vì điều đó. Những phản hồi tích cực từ bạn sẽ tiếp thêm cho trẻ sự tự tin vào bản thân từng ngày.

Anh Thư (dịch)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/giup-tre-nhut-nhat-tro-thanh-dien-gia-tu-tin-20200911201556968.htm