Giúp trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng

Thống kê của các tổ chức y tế, cứ 1.000 trẻ em sẽ có 2-3 trẻ khiếm thính. Do trẻ không nghe được nên không nói được, nhưng nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm, can thiệp kịp thời, sẽ cải thiện khả năng nghe - nói. Trong thời gian qua, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP Cần Thơ phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện chương trình Đem lại tương lai tươi sáng cho trẻ khiếm thính vùng ĐBSCL, giúp các em hòa nhập với cộng đồng.

Kết nối với Hear The World

Chuyên gia nước ngoài thăm khám tai cho trẻ khiếm thính được tặng máy trợ thính năm 2019.

Chuyên gia nước ngoài thăm khám tai cho trẻ khiếm thính được tặng máy trợ thính năm 2019.

Tháng 9-2020, BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ tái khởi động chương trình tặng máy trợ thính cho trẻ em nghe kém. Dự kiến năm nay, chương trình tặng 30 máy trợ thính, trị giá 36 triệu đồng/máy. Ngoài ra, còn tặng thêm 2 bộ cấy ốc tai điện tử, trị giá 530 triệu đồng/bộ. Năm 2019, có 21 trẻ trong vùng nhận máy và được huấn luyện ngôn ngữ, bước đầu ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong khả năng ngôn ngữ của trẻ. Đây là chương trình phối hợp giữa BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ với Tổ chức Hear The World (Tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ) và Công ty Sonova tại Việt Nam, với mong muốn giúp trẻ em khiếm thính có cơ hội được học tập, hòa nhập cộng đồng.

Theo BS CKII Hồ Lê Hoài Nhân, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, BV chủ động kết nối với các nguồn tài trợ, xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình trao tặng máy, làm cầu nối giữa đơn vị tài trợ và gia đình bệnh nhi. Bên cạnh đó, khi các chuyên gia thính học từ nước ngoài đến, BV còn tổ chức hội thảo, mời các bác sĩ trong vùng tham dự, để cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết chuyên môn trong lĩnh vực này.

ThS-BS Phạm Xuân Huyên, Trưởng Khoa Thính học - âm ngữ - trị liệu, BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, cho biết nhiều trẻ phát hiện bệnh nhưng không có điều kiện mua máy. Tuy nhiên, Tổ chức Hear The World đòi hỏi các điều kiện bắt buộc, chứng minh gia đình trẻ thật sự khó khăn, có môi trường đào tạo, huấn luyện ngôn ngữ cho trẻ với giáo viên chuyên môn, có sự đồng hành của phụ huynh đối với bệnh nhi, sự theo dõi của cán bộ y tế đối với quá trình trẻ sử dụng máy để đạt mục đích cuối cùng là phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị, giúp trẻ cải thiện khả năng nghe - nói. Nhưng trên hết, BV mong muốn đem lại ý nghĩa mới cho cuộc đời các em nhỏ và đã ký kết ghi nhớ hợp tác cùng với tổ chức của Thụy Sĩ. Đồng thời, BV thành lập Khoa thính học - âm ngữ - trị liệu, thu nhận giáo viên được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành giáo dục đặc biệt.

Nếu như trước đây các bệnh nhi đầu tiên được cấy ốc tai điện tử phải lên TP Hồ Chí Minh kiểm tra thính lực và chỉnh máy thì nay Khoa Thính học - âm ngữ - trị liệu trang bị đầy đủ phương tiện và nhân lực thực hiện các kỹ thuật liên quan như Phòng đo thính giác thân não chẩn đoán chính xác mức độ nghe kém của trẻ; Phòng đo thính lực trẻ em đánh giá sức nghe của trẻ sau khi đeo máy trợ thính hay cấy ốc tai điện tử; Phòng Âm ngữ trị liệu giúp phát triển kỹ năng nghe nói của trẻ.

Theo ThS-BS Phạm Xuân Huyên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với trẻ không may bị bệnh phải chịu bất hạnh dài lâu đó là hiểu biết chưa đúng của cộng đồng về khiếm thính, mà dân gian hay gọi là câm - điếc. Nhiều người cho rằng trẻ bị câm thường điếc và ngược lại. Thực ra, trẻ nghe kém do bẩm sinh hay mắc phải, việc phát hiện bệnh càng sớm thì việc can thiệp điều trị càng hiệu quả. Năm 2019, BV tặng 31 máy trợ thính và cấy 5 ốc tai điện tử cho trẻ, trong đó có trẻ chỉ mới 22 tháng tuổi. Kết quả đánh giá sau 6 tháng, một năm đeo máy và cấy ốc tai, các bé đều cải thiện rõ rệt năng lực giao tiếp bằng việc nghe - nói.

Theo ThS-BS Phạm Xuân Huyên, lĩnh vực thính học của nước ta nói chung còn khá mới, chưa chuyên sâu, nên việc thăm khám, chẩn đoán còn bỏ sót nhiều trẻ mắc bệnh. Do vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến bệnh lý này nếu con trẻ biểu hiện những dấu hiệu nghi ngờ. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng cần có khuyến cáo trẻ khám chuyên khoa tai mũi họng khi đánh giá khả năng ngôn ngữ theo độ tuổi để tầm soát bệnh kịp thời cho trẻ.

Dẫn trẻ vào thế giới âm thanh

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thảo hướng dẫn trẻ tập nghe nói.

Em Nguyễn Thị Kim Gấm, 11 tuổi, con gái út của chị Thái Thị Kim Quyền (31 tuổi, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Gấm được sinh ra lành lặn, nhưng hơn 3 tuổi, cô bé mãi bập bẹ “ba ba” chứ chưa nói được thành câu. Chị Quyền đưa con đi khắp nơi trị bệnh. Có nơi khuyên chị từ từ, chỉ là con chậm nói; có nơi nói con bị câm điếc rồi, vô phương cứu chữa. Có lần con chị được chẩn đoán bị vấn đề về thần kinh, chậm phát triển. May thay, năm ngoái, chị đưa con đến BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán bé bị điếc mức độ sâu cả hai tai. Gấm được tặng máy trợ thính và huấn luyện ngôn ngữ. Mẹ Gấm kể: “Hơn 1 năm đeo máy, học nghe - nói, nay bé đã viết được chữ, làm được toán cộng trừ. Mừng không biết nói sao cho hết. BV tặng máy, cô giáo kiên trì, chịu khó dạy Gấm từng âm, từng chữ. Các bác sĩ BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ đã tái sinh con tôi lần nữa”.

Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, anh Nhan Hoàng Nam (34 tuổi, ở huyện Phong Điền) chở con gái Nhan Khả Hân (6 tuổi) tham gia lớp huấn luyện ngôn ngữ của cô Nguyễn Thị Thanh Thảo tại Phòng Âm ngữ trị liệu BV Tai Mũi Họng TP Cần Thơ. Cô giáo dạy gì, anh ghi nhớ, về nhà bắt chước dạy con. Anh Nam kể, từ lúc mới sinh Hân èo uột, thường xuyên bệnh tật. Vì thế qua thôi nôi đã lâu mà chưa biết nói, gia đình tưởng Hân chậm nói, đưa con đi khám, nhiều nơi có cùng chẩn đoán bé bị thiểu năng. Hân được gởi vào trung tâm giáo dục trẻ chậm phát triển nhưng không cải thiện nên thôi. Năm ngoái, anh Nam đưa Hân đi khám sức khỏe để bổ sung hồ sơ nhận bảo trợ xã hội, phát hiện con nghe kém mức độ trung bình sâu. Sau khi được tặng máy trợ thính, chỉ vài tháng học nghe - nói, Hân tiến bộ thấy rõ. Anh Nam tâm sự: “Vợ chồng tôi tiếp tục cho con học lớp cô Thảo một thời gian nữa, khi nào cháu nghe nói rành, tôi cho con đi học bổ túc để sau này có thể học nghề. Chúng tôi không mong gì hơn may mắn này”.

Cô giáo Thanh Thảo cho biết, Gấm, Hân là hai học trò xuất sắc nhất của lớp học, với sự tiến bộ không ngờ, vượt ra ngoài khung giáo án của cô giáo. Kết quả phần lớn nhờ sự đồng hành của ba mẹ. Bởi lẽ, các con đến lớp chỉ trong thời gian ngắn, còn ba mẹ thường xuyên tương tác mỗi ngày, giao tiếp, yêu thương, khuyến khích trẻ tự tin hơn. Khi đã nghe được, có thêm vốn từ nhất định, các con ham học, hay hỏi cô, hỏi cha mẹ đó là cái gì, ra sao. Nhờ quá trình hướng dẫn trẻ tập nghe - nói, cô giáo trẻ cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Cô Thảo chia sẻ, bản thân học hỏi được rất nhiều từ các bậc cha mẹ trong quá trình tương tác với các con, cô điều chỉnh những lý thuyết học trong nhà trường sát thực hơn để việc hỗ trợ trẻ khiếm thính ngày càng hiệu quả. Cô Thảo còn tiếp xúc với nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực khiếm thính, học được nhiều phương pháp hỗ trợ tích cực giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

Thời gian qua, ngành Y tế TP Cần Thơ nỗ lực tìm kiếm, kết nối với các tổ chức quốc tế, huy động nguồn lực cả về chuyên môn lẫn vật chất để hỗ trợ người bệnh nghèo. Những chương trình hợp tác giữa BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ với MEET (tổ chức trao đổi giáo dục y khoa Hoa Kỳ), chương trình đem lại Nụ cười cho trẻ thơ do BV Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ tổ chức đã phẫu thuật miễn phí cho rất nhiều trẻ em nghèo dị tật hở hàm ếch… Tất cả những nỗ lực của các đơn vị y tế và tập thể y bác sĩ góp phần củng cố thêm uy tín, để Cần Thơ ngày càng xứng đáng là trung tâm y tế vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/giup-tre-khiem-thinh-hoa-nhap-cong-dong-a126713.html