Giúp trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng

Thầy giáo Võ Duy Quang (công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính tỉnh Lâm Đồng) vừa vinh dự được bình chọn là một trong những giáo viên tiêu biểu dạy trẻ khuyết tật được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thầy đã phối hợp cùng đồng nghiệp tìm ra phương pháp phù hợp, hữu ích để giảng dạy cho học trò khiếm thính.

Vượt qua chính mình

Sinh ra trong một gia đình làm nông tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), Võ Duy Quang không may bị khiếm thính bẩm sinh phải học trường chuyên biệt gần nhà. Đến lớp 12, Quang ước mơ trở thành giáo viên dạy trẻ khiếm thính, vì thấy hầu hết trẻ khiếm thính ở địa phương gặp nhiều khó khăn, chịu thiệt thòi do chỉ được học đến hết lớp 5, khó hòa nhập xã hội, khó tìm được việc làm với vốn sống ít ỏi và thiếu nhiều kỹ năng.

Được sự động viên, giúp đỡ của gia đình và bạn bè, Quang đã đăng ký học Đại học Đồng Nai - trường duy nhất có chương trình đào tạo hệ đại học cho người khiếm thính. Sau 4 năm học tập gian khó, Quang là một trong 10 sinh viên khiếm thính tốt nghiệp đại học đầu tiên ở đây.

Ra trường, Quang xin về công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Lâm Đồng với mong muốn truyền đạt kiến thức giúp các học sinh khiếm thính phát triển và chứng minh cho xã hội thấy người khiếm thính cũng có thể làm được nhiều điều hữu ích. Thầy Quang thường động viên học trò phấn đấu học hết lớp 12, vào đại học.

Thầy Quang tận tình dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính

Thầy Quang tận tình dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính

Khó khăn nhất với thầy Quang và các đồng nghiệp là đa số học sinh khiếm thính ở trường tuổi từ 6 - 10 chưa hề được can thiệp phương pháp nào phù hợp, do đó rất cần học ngôn ngữ ký hiệu để tiếp cận ngôn ngữ mới. Sử dụng phương pháp song ngữ (ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ viết tiếng Việt) là cách tốt nhất để cải thiện, giúp học sinh hiểu bài và phụ huynh có thể giao tiếp với đứa con bị khiếm thính của mình.

Từng có thời gian cảm thấy mình khác biệt lạc lõng trong gia đình và xã hội vì là người khiếm thính, thầy Quang hiểu được tâm trạng của những học trò khiếm thính và hiểu chỉ có sợi dây tình cảm gia đình mới có thể gắn kết, động viên trẻ vượt qua chính mình để hòa nhập cộng đồng. Mỗi khi tiếp xúc với phụ huynh, thầy Quang khuyến khích phụ huynh giao tiếp, tâm sự với con mình.

Đổi đời cho người khiếm thính

Để tạo mối liên hệ gắn kết giữa gia đình và nhà trường, giúp phụ huynh có thể trò chuyện với con bị khiếm thính, thầy Quang đã cùng các bạn tham gia nhóm dạy ngôn ngữ ký hiệu cho cộng đồng khiếm thính trên mạng. Thầy còn mở lớp phổ cập ngôn ngữ ký hiệu cho phụ huynh học sinh của mình, hoạt động này đã thu hút nhiều phụ huynh tham gia, học trò gắn kết, có điều kiện tâm sự cởi mở với cha mẹ, người thân của mình hơn.

Thầy cũng là người hướng dẫn, phụ đạo thêm ngôn ngữ ký hiệu cho giáo viên của trường để cải thiện thời gian, phương pháp giảng dạy cho các giáo viên đối với học trò khiếm thính, tạo sự gắn kết hơn trong tình đồng nghiệp, tình thầy trò của trường.

Thầy Quang mong muốn xây dựng chương trình ngôn ngữ ký hiệu theo chuẩn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, nội dung chính là phương pháp song ngữ, bao gồm ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ viết - hỗ trợ nói, bổ sung nhiều hình ảnh trong nội dung bài học của sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học khiếm thính, giúp học sinh dễ quan sát (trực quan), hiểu bài học hơn.

Khó khăn lớn nhất với thầy Quang là giúp học sinh của mình có khả năng đọc sách hiểu nội dung. Đa số các em không hiểu, nên rất cần nhiều thời gian học và được hỗ trợ từ thầy. Để học sinh dễ hiểu, thầy thường cho các em xem trước hình ảnh trực quan hoặc giáo cụ, sau đó thầy dạy ngôn ngữ ký hiệu để giải thích từ cần học cho học trò của mình. Ngoài ra, học sinh khiếm thính còn được học ký hiệu bằng ngón tay để ra dấu các chữ cái và ghép từ, câu để giao tiếp.

Em Nguyễn Lương Quang, học sinh lớp 7 Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính tỉnh Lâm Đồng, tự hào khi nhắc đến thầy Võ Duy Quang: “Thầy Quang vui lắm, lại tốt bụng nữa. Học trò trong trường rất thích thầy dạy ngôn ngữ ký hiệu vì dễ hiểu lại dễ thuộc bài nhờ những ví dụ cụ thể, sinh động. Đặc biệt thầy rất hiểu học trò, vừa là thầy vừa là bạn".

"Thầy là chỗ dựa tin cậy của chúng em, thầy đi nhiều, biết nhiều và chia sẻ nhiều câu chuyện hay bổ ích. Với học sinh lớn, thầy Quang thường trò chuyện khuyên nhủ nên cố gắng học thật tốt, học nhiều, đọc nhiều và tìm hiểu nhiều hơn nữa để có kiến thức trong tương lai. Em đang cố gắng học tập tốt từng ngày để thực hiện mơ ước sẽ trở thành giáo viên dạy học sinh khiếm thính như thầy Quang”, Quang cho biết thêm.

VIỆT NGA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giup-tre-khiem-thinh-hoa-nhap-cong-dong-560619.html