Giúp trẻ em yếu thế hòa nhập cộng đồng

Trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, trẻ em nghèo, khuyết tật… là những đối tượng thuộc nhóm người yếu thế, cần đến sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của toàn thể xã hội. Qua đó, các em có thể tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài, tham gia học tập, rèn luyện như những đứa trẻ bình thường khác, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh khảo sát, lựa chọn gia đình nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TX Quảng Yên. Ảnh: Trúc Linh.

Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh khảo sát, lựa chọn gia đình nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TX Quảng Yên. Ảnh: Trúc Linh.

Với mục tiêu huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, từ năm 2013, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) đã triển khai mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Sau gần 7 năm triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt, từng bước hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xóa dần khoảng cách về mức sống đối với các trẻ em bình thường khác.

Theo anh Trần Văn Hương, Trưởng phòng Phát triển cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh: Mô hình được triển khai đối với các đối tượng là trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, trẻ khuyết tật… Tính đến thời điểm này, hầu hết các em được gia đình nhận nuôi có cuộc sống ổn định cả về vật chất và tinh thần, có thành tích học tập tốt. Mô hình đã tạo điều kiện cho trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, có điều kiện hòa nhập và phát triển toàn diện hơn.

Tính từ năm 2013 đến nay, mô hình có gần 150 lượt gia đình, cá nhân đăng ký nhận nuôi và hơn 100 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các địa phương như: TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TX Quảng Yên được nhận nuôi, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Hầu hết các gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều là những người có quan hệ huyết thống nên việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ khá thuận lợi.

Lớp học dành cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được tổ chức tại Cơ sở Bảo trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh.

Thời gian qua, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận giáo dục chất lượng, bình đẳng và thân thiện; UBND tỉnh đã giao Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục hòa nhập cho các cấp học.

Đồng thời, đầu tư cải tạo, sửa chữa bổ sung thiết bị phục vụ công tác giáo dục hòa nhập cho các phòng hỗ trợ tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái với tổng kinh phí là 1,877 tỷ đồng; tổ chức thẩm định và cấp phép hoạt động giáo dục cho 3 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Để các phòng học hỗ trợ hoạt động hiệu quả, Sở GD&ĐT đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề cho các cán bộ, giáo viên tiểu học trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là giáo viên giảng dạy tại các phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập.

Từ đó, cán bộ, giáo viên đã được chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học tập về cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục hòa nhập của các trường tiểu học; các kĩ năng chăm sóc, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ khuyết tật, tự kỷ của các trung tâm giáo dục hòa nhập.

Một giờ học hỗ trợ dành cho trẻ tự kỷ của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Tâm An (phường Nam Khê, TP Uông Bí).

Trong số những trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh phải kể đến Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Tâm An (phường Nam Khê, TP Uông Bí) được UBND tỉnh cấp phép hoạt động vào tháng 12/2017. Từ khi hoạt động đến nay, trung tâm đã thực hiện hiệu quả các nội dung như: Chẩn đoán, sàng lọc đánh giá và can thiệp trẻ tự kỷ và trẻ có nhu cầu đặc biệt; tư vấn, hỗ trợ phụ huynh kỹ năng chăm sóc và giáo dục trẻ tại gia đình; cung cấp chương trình, thiết bị dạy học đặc thù cho trẻ và hỗ trợ chương trình giáo dục hòa nhập trong nhà trường.

Trung tâm cũng thực hiện hỗ trợ 1 cô, 1 trò, học tập trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức những giờ sinh hoạt, vui chơi tập thể cho trẻ và cũng tổ chức những hoạt động trải nghiệm, dã ngoại ngoài trời.

Với nhiều hoạt động chung tay, góp sức hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập cộng đồng đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, tạo cho các em niềm tin, hành trang vững bước vào tương lai.

Vân Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/giup-tre-em-yeu-the-hoa-nhap-cong-dong-2502896/