Giúp trẻ em tự tin lên tiếng

Sau buổi gặp mặt, đối thoại giữa đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình năm 2020, đoàn đại biểu Quốc hội đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quan tâm giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em.

Đó là việc tổ chức lấy ý kiến trẻ em; tiếp nhận các ý kiến, phản biện của trẻ em đối với chính sách phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến trẻ em; xây dựng bể bơi, khu vui chơi công cộng, khu thể thao chức năng cho thiếu nhi... Đây là một trong rất nhiều minh chứng cụ thể về hiệu quả mang lại từ thực hiện mô hình Hội đồng trẻ em do Hội đồng Đội Trung ương xây dựng và triển khai thí điểm giai đoạn 2017-2020.

Hội đồng trẻ em là tổ chức do chính trẻ em trực tiếp điều hành nhằm nâng cao năng lực cho trẻ trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan theo quy định của pháp luật; tạo môi trường để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng trong học tập, vui chơi, giải trí. Sau hơn 3 năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu tại Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, đến nay, toàn quốc đã xây dựng được 14 mô hình cấp tỉnh, 17 mô hình cấp huyện.

 Thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Trị thảo luận các nội dung về quyền của trẻ em, tháng 3-2021. Ảnh: HỒ CẦU

Thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Trị thảo luận các nội dung về quyền của trẻ em, tháng 3-2021. Ảnh: HỒ CẦU

Em Nguyễn Lương Tuấn Đạt, Phó chủ tịch Hội đồng trẻ em TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từ khi triển khai hoạt động của Hội đồng trẻ em, các bạn học sinh đã tích cực hợp tác với nhau, phát huy quyền tham gia của mình. Các bạn mạnh dạn thể hiện quan điểm, tiếng nói và được các cấp lãnh đạo, ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện tốt để phát triển. Cũng từ mô hình, chúng em có cơ hội thể hiện góc nhìn trong cuộc sống, đồng thời cũng tham gia giải quyết những vấn đề mà mình nêu ra”.

Thành công của mô hình không chỉ thể hiện ở những con số mà còn được kiểm chứng bằng nhiều hoạt động thiết thực, thúc đẩy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng. Đơn cử, Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái đã có nhiều sáng tạo, tổ chức được hơn 300 hoạt động lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở với hơn 1.000 kiến nghị; tiếp nhận gần 500 nguyện vọng, đề xuất gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa cấp ủy với thiếu nhi, diễn đàn trẻ em, hội nghị lấy ý kiến trẻ em tại các liên đội trong toàn tỉnh đã thu hút hàng nghìn thiếu nhi tham gia.

Tại Hà Nội, mô hình Hội đồng trẻ em phát huy tốt vai trò là cầu nối, giúp lãnh đạo thành phố, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, nhà trường và gia đình nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu chính đáng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về vật chất, tinh thần của trẻ em. Anh Lý Duy Xuân, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội cho biết: Hội đồng trẻ em thành phố đã tổ chức hơn 300 hoạt động lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở, 5 kỳ họp Hội đồng trẻ em thành phố với 20 nhóm ý kiến. Trên cơ sở đó, nhiều đề xuất chính đáng đã được các cấp lãnh đạo lắng nghe, thiết thực quan tâm, giải quyết kịp thời, giúp trẻ em có một môi trường an toàn, lành mạnh, bổ ích hơn.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương khẳng định: “Việc xây dựng điểm mô hình là chủ trương đúng, trúng và phát huy hiệu quả trên thực tế. Đến nay đã có 14 mô hình cấp tỉnh, vượt gần 3 lần so với mục tiêu đề ra. Dù là mô hình mới, khó nhưng đã được các tỉnh, thành phố nỗ lực thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ mô hình nhỏ phát triển dần lên; hoạt động không ngừng đa dạng, phong phú, thiết thực. Nhiều ý kiến của trẻ em được đưa vào nghị quyết của tỉnh; nhiều tỉnh, thành phố ban hành những quyết sách hỗ trợ trẻ em”.

NGỌC HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giup-tre-em-tu-tin-len-tieng-661706