Giúp sinh viên hiểu đúng về hiến máu tình nguyện

Ở khu vực phía Nam, hơn 70% lực lượng hiến máu là sinh viên, tuy nhiên, phần lớn các bạn chưa hiểu rõ về hiến máu. Theo Bác sĩ Trần Thị Như Tố - GĐ Trung tâm Hiến máu nhân đạo (HMNĐ) TPHCM – giúp sinh viên hiểu đúng về hiến máu tình nguyện là hoạt động thiết thực đẩy mạnh phong trào hiến máu trên địa bàn thành phố.

Bác sĩ Trần Thị Như Tố - Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM trao bằng khen cho các cá nhân sinh viên có thành tích tốt trong phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: MP

Hiến máu tình nguyện... nhưng người bệnh phải trả tiền

Vì sao hiến máu tình nguyện nhưng lúc bệnh nhân cần máu lại phải trả tiền? - Là thắc mắc của phần lớn sinh viên đặt ra trong Chương trình “Sắc màu nhân ái” tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tối ngày 19.10.

Theo thống kê từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, hàng năm đơn vị này tổ chức ít nhất 3-4 đợt hiến máu tình nguyện tại trường, cung cấp hơn 2.000 đơn vị máu phục vụ điều trị tại TPHCM, nhưng trên 80% sinh viên không biết được lợi ích của hiến máu, không biết vì sao bệnh nhân phải trả tiền khi truyền máu, không biết về căn bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia).

Hiến máu tình nguyện giúp người hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí, được xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, giang mai, HIV,... Theo nhiều nghiên cứu, hiến máu còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư.

Sinh viên đặt câu hỏi về quá trình truyền máu: “Hiến máu là tình nguyện nhưng bệnh viện lại tính chi phí truyền máu, như vậy có phải là kinh doanh máu hay không?” Ảnh: MP
Theo Bác sĩ Trần Thị Như Tố - Giám đốc Trung tâm hiến máu nhân đạo TPHCM: “Máu sau khi được tiếp nhận tại các điểm hiến máu sẽ bao gồm nhiều chi phí: chi phí tiếp nhận, vận chuyển; chi phí sàng lọc; chi phí sản xuất, chiết tách ra các thành phần của máu (hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương); chi phí bảo quản, phân phối phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và chữa trị.

Hơn nữa, quá trình người dân tham gia hiến máu nhân đạo sẽ được hưởng phần quà, bánh tương đương với lượng máu cho đi của mình. Việc các bệnh viện thu phí đối với các đơn vị máu truyền cho các bệnh nhân đều phải tuân thủ thông tư của Bộ Y tế từ tháng 5.2017, BS Tố thông tin thêm.

Nguồn máu tình nguyện là nguồn máu quý

Mỗi năm, nước ta cần trên 1,8 triệu đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị, nhưng đến cuối 2017, toàn quốc chỉ hiến được 1,5 triệu đơn vị máu. Hiện nay trên thế giới chưa có chế phẩm nào có thể thay thế được máu, chỉ có hiến máu tình nguyện mới đủ để cung cấp cho cấp cứu và điều trị. “Nguồn máu tình nguyện là nguồn máu sạch và quý giá nhất” – BS Trần Thị Như Tố nhấn mạnh.

Tại Chương trình “Sắc màu nhân ái”, bạn Châu Bá Tôn (sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) chia sẻ: Đối với người bình thường việc cho đi những giọt máu là điều rất dễ dàng nhưng đối với những người cần máu, từng giọt, từng giọt được truyền vào cơ thể họ chính là hy vọng, là sự sống mà họ đang mong chờ từng giây, từng phút.

“Tôi đã từng chứng kiến một ông chú 60 tuổi, quê ở Đà Lạt trước khi vào phòng mổ đã phải nằm trên băng ca đến 6 lần mà vẫn chưa được mổ. Nguyên nhân là do ông có nhóm máu O-, nhóm máu hiếm và thường xuyên thiếu trầm trọng. Lúc này người nhà và bệnh viện phải tìm mọi cách mới có đủ lượng máu cung cấp để ông được mổ kịp thời. Thế mới bảo, một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, Bá Tôn xúc động.

Cả 2 mẹ con đều bị tan máu bẩm sinh, phải thường xuyên truyền máu định kỳ, chị Trần Thị Ngọc Hoa bày tỏ: Lượng máu ở bệnh viện không phải lúc nào cũng đủ cho người cần truyền máu, có những khi mẹ con mình đến bệnh viện nhưng phải nằm đợi vài ngày mới có máu để truyền.

“Nhìn con thiếu máu lòng tôi đau lắm, bé xanh xao, mệt lả, chẳng nói chẳng cười được. Một tháng trước lúc nhập viện, cơ thể của bé chứa tới 40.000 Sắt, một nửa trái tim đang bị suy nặng. Con đường duy nhất để giúp con tôi có thêm hy vọng chính là những giọt máu quý từ những bạn sinh viên, những người lao động thường xuyên tham gia hiến máu nhân đạo”, chị Hoa rưng rưng.

Chị Trần Thị Ngọc Hoa chia sẻ về câu chuyện truyền máu của mình và đứa con bị bệnh tan máu bẩm sinh. Ảnh: MP

Mai Phương

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/giup-sinh-vien-hieu-dung-ve-hien-mau-tinh-nguyen-637111.ldo