Giúp phụ nữ dân tộc nhận diện phòng chống bạo lực gia đình

Thiếu kiến thức, kỹ năng khiến nhiều phụ nữ người dân tộc bị bạo lực giới, bạo lực gia đình (BLGĐ) nhưng không hay biết. Điều này đã lại hậu quả đáng tiếc, có người mang thương tật, thậm chí có người đã tìm đến cái chết để được giải thoát.

Bớt mâu thuẫn nhờ được tư vấn

Từ nhiều năm nay chị em phụ nữ ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn, Tuyên Quang) cảm thấy thoải mái hơn vì được cán bộ Hội Phụ nữ quan tâm, chia sẻ kiến thức trong việc ứng xử, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.

Chị Thào Thị Lan (xã Hoàng Khai) - người dân tộc Thái cho hay, trước đây gia đình chị cũng hay lục đục. Mỗi lần chồng đi uống rượu về là chị hay càu nhàu, chồng chị lại nóng tính nên vợ chồng cãi cọ, chồng chị đập phá, có lần còn đánh chị.

Phụ nữ dân tộc rất cần được tư vấn, hỗ trợ kiến thức để nhận diện phòng tránh bạo lực gia đình (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

“Nhiều lúc nghĩ uất ức, mình đi làm cả ngày vất vả, về còn bị mắng chửi, tôi tức lắm. Thế nhưng từ ngày có cán bộ thôn, hội phụ nữ tới hòa giải, tư vấn thêm kỹ năng phòng tránh, tôi thấy vợ chồng ít mâu thuẫn hơn” – chị Lan nói.

Vui mừng hơn, kể từ ngày có mấy ông bà trong tổ hòa giải thường xuyên lui tới tâm sự, trò chuyện, chồng chị Lan bớt rượu chè, chăm chỉ làm ăn. “Giờ có kỹ năng xử lý nên chồng uống rượu về tôi thường im lặng, tránh mặt. Tôi hiểu, nhường nhịn, cảm thông cũng là một nghệ thuật để vợ chồng không còn mâu thuẫn” – chị Lan chia sẻ

Không riêng gì chị Lan, nhiều phụ nữ dân tộc trong xã lúc đầu cũng khá e dè khi chia sẻ chuyện riêng của gia đình, nhưng sau đó nhờ được hỗ trợ nhiệt tình nên chị em tin tưởng chia sẻ về việc bị bạo lực.

Thay đổi cách truyền thông

Bà Phương Huyền Sâm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàng Khai cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, Hội Phụ nữ xã đã xây dựng được CLB phòng chống BLGĐ. Ngoài việc tuyên truyền về các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và công việc của hội, CLB còn lồng ghép tuyên truyền, tư vấn về Luật Hôn nhân gia đình, tư vấn cách thức nhận diện phòng chống BLGĐ.

Quan trọng hơn cả là giúp phụ nữ nhận diện được tình huống dẫn tới BLGĐ, từ đó có cách phòng tránh. Trong trường hợp gặp bạo lực, cần nhanh chóng tìm đến cơ sở tin cậy như CLB Phòng chống BLGĐ ở địa phương, cán bộ hội, chính quyền… để được hỗ trợ ngay lập tức” .

Bà Lê Thị Ngọc Bích – cán bộ tham vấn ở Ngôi Nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam)

“Đặc biệt quán triệt chỉ đạo của các cấp hội ở trên, năm 2017 địa phương đã thành lập được một nhà tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ, đặt tại gia đình của một thành viên trong CLB, đảm bảo bí mật” – bà Sâm nói.

Nhớ lại thời kỳ đầu làm công tác hòa giải các vụ BLGĐ hay ly hôn, bà Sâm cùng nhiều thành viên phải rất vất vả mới tiếp cận được đối tượng. Nạn nhân che giấu vì sợ mang tiếng, sợ chồng đánh, chồng bỏ… nên chẳng thể hỗ trợ hay tư vấn gì được. Sau khi thành viên trong CLB tư vấn thành công cho 1-2 trường hợp thì chị em trong xã mới tin tưởng, tìm đến mong được hỗ trợ.

“Có lần những thành viên hòa giải đến nhà nạn nhân để hỗ trợ, tư vấn, hòa giải nhưng bị chính người chồng gây bạo lực phản đối. Có lần khác, thành viên trong tổ còn bị chửi bới, đe dọa vì dám can thiệp vào chuyện trong nhà của họ” – bà Sâm nhớ lại.

Theo bà Lương Thị Đan - thành viên trong CLB, điều quan trọng nhất là phải giúp chị em phụ nữ dân tộc nhận diện được BLGĐ. Nhiều phụ nữ cho rằng chồng mắng, chửi, tát hay đánh vài cái thì chỉ là mâu thuẫn nhỏ, không phải bạo lực, nên không có giải pháp để ngăn ngừa phòng tránh.

“Chỉ khi họ có nhận thức đúng, hiểu đúng vấn đề mới hợp tác, chủ động phòng tránh, hoặc tố cáo khi bị bạo lực. Phụ nữ dân tộc nghèo bị lệ thuộc vào nhà chồng, vào chồng, nên nếu không tạo ra được sự bình đẳng thì rất khó để phòng chống BLGĐ” – bà Đan nói.

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/giup-phu-nu-dan-toc-nhan-dien-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-904744.html