Giúp người yếu thế hòa nhập cộng đồng

Ra mắt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau

Mỗi năm, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã đón nhận hàng trăm lượt người lang thang, cơ nhỡ, người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... để chăm sóc, hỗ trợ họ trở về với gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, việc giúp cho những đối tượng này hòa nhập gia đình, cộng đồng vẫn còn gặp một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm.

HƠN 500 NGƯỜI YẾU THẾ ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG

Từ khi thành lập tới nay, Trung tâm Công tác xã hội đã tiếp nhận, tận tình chăm sóc cho hàng trăm đối tượng yếu thế, nhất là việc tìm hiểu, phân tích thông tin từ đối tượng làm căn cứ để tìm người thân cho họ. Đơn cử, trường hợp tìm người thân cho em Nguyễn Văn H. (15 tuổi), quê xã Tân Hưng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Trước đó, tháng 7/2020, trung tâm đã tiếp nhận H. từ UBND phường 2 (TP.Vũng Tàu) là trẻ lang thang và tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng. Gặp lại con sau nhiều ngày tìm kiếm, anh Nguyễn Văn S. xúc động nói: “Vì bức xúc chuyện gia đình nên cháu bỏ nhà đi từ năm 2016 tới nay. Gia đình tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không có tin tức. May mắn nhờ có trung tâm mà gia đình mới tìm lại được cháu. Đây là hạnh phúc đến bất ngờ với gia đình tôi. Tôi thật không biết nói sao để bày tỏ lòng biết ơn của gia đình với trung tâm đã chăm sóc tốt cho cháu suốt thời gian qua”.

Cùng với đó, hàng trăm người lang thang, khuyết tật được chăm sóc mỗi năm. Điển hình như trường hợp ông Lâm Quốc H. là một trong số rất nhiều người lang thang được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc. Ông H cho biết: “Sau lần bị ngã để lại di chứng thương tật, tôi không làm được những việc nặng nhọc, còn giấy tờ tùy thân của tôi cũng mất lâu rồi nên rất khó tìm được việc làm để nuôi sống bản thân. Do đó, tôi đã được trung tâm nhận vào nuôi dưỡng. Nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ trung tâm sức khỏe tôi được cải thiện rất nhiều”.

Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 530 người lang thang, cơ nhỡ, người già, tàn tật, người bị mắc bệnh tâm thần và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số này, người bị mắc các bệnh về tâm thần và bệnh tật nặng chiếm tới 70%.

HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CÒN GẶP KHÓ

Ông Đoàn Văn Mãi, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, sau khi tiếp nhận những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng từ các địa phương chuyển đến, trung tâm luôn tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt thông tin để liên hệ kết nối với các địa phương, gia đình của người được tiếp nhận. Tuy nhiên, việc khai thác thông tin để kết nối gặp nhiều khó khăn vì phần lớn người lang thang được đưa về trung tâm là từ các tỉnh, thành phố khác đến. Từ năm 2019 đến nay, số người do trung tâm kết nối chỉ đạt hơn 20%, trong khi số người sống lâu dài tại trung tâm chiếm tới 70%. Điều này gây áp lực và gánh nặng không nhỏ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với trung tâm.

Thực tế, theo quy định hiện hành, người lang thang chỉ được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội tối đa 3 tháng. Hết thời gian này, họ phải được đưa trở về hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, với những đối tượng tâm thần thì những thông tin họ nhớ về bản thân rất ít. Hơn nữa, họ lúc nhớ lúc quên nên thông tin cung cấp bị sai lệch. Do vậy, việc kết nối thông tin rất khó khăn. Cũng có những trường hợp thông tin đối tượng cung cấp chính xác nhưng khi trung tâm liên hệ với gia đình thì nhiều gia đình trốn tránh, thoái thác việc đưa thân nhân hồi gia.

Ngoài những khó khăn trong việc kết nối thông tin để hồi gia, hòa nhập cộng đồng, phần lớn những người được tiếp nhận vào trung tâm thuộc các hoàn cảnh khó khăn, bị bỏ rơi, cơ nhỡ, không có gia đình người thân. Vì thế, không ít đối tượng khi được hòa nhập cộng đồng thì tiếp tục rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tái lang thang như trước.

Ngoài những trở ngại nói trên, hiện các chương trình dạy nghề tại trung tâm vẫn còn khá đơn điệu, ngành nghề cũ không còn phù hợp với nhu cầu thực tế khiến người học khó tìm kiếm việc làm khi trở về hòa nhập cộng đồng. Bà Dương Thị Thúy V. được đưa vào trung tâm và được học nghề đan chiếu. Bà V. cho biết: “Nghề đan chiếu ở quê tôi hầu như không có nên tôi sẽ rất khó tìm việc làm khi trở về quê”.

Theo ông Đoàn Văn Mãi, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, để hỗ trợ người yếu thế, trung tâm sẽ tiếp tục tạo điều kiện liên kết các cơ sở đào tạo nghề nhằm giúp đối tượng có công ăn việc làm. Đồng thời, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho người yếu thế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm quan tâm, chăm sóc của gia đình đến những đối tượng yếu thế. Chính quyền các địa phương cần tăng cường giải pháp trợ giúp những đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng. Chẳng hạn, với những người lang thang có khả năng lao động, các ngành, địa phương giúp họ học nghề phù hợp với khả năng, tìm kiếm việc làm bền vững.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202011/trung-tam-cong-tac-xa-hoi-tinh-giup-nguoi-yeu-the-hoa-nhap-cong-dong-912798/