Giúp người mù vươn lên ổn định cuộc sống

Giai đoạn 2007-2017, nhằm thực hiện hiệu quả 'Chương trình hành động việc làm - xóa đói giảm nghèo', Hội người mù Việt Nam và các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm chăm lo, giúp đỡ người mù trên cả nước vươn lên hòa nhập, có cuộc sống ổn định và bình đẳng.

Người lao động thuộc Hội Người mù TP Ðà Nẵng làm việc tại Trung tâm sản xuất và kinh doanh hàng mây tre.

Tạo việc làm là mục tiêu quan trọng nhất để giúp các hội viên Hội người mù trên cả nước thoát nghèo bền vững. Qua đó, các cấp hội đã tìm kiếm và tạo việc làm cho hội viên bằng hai mô hình sản xuất chính là kinh tế hộ gia đình và sản xuất tập trung ở các cơ sở sản xuất. Qua đó, xoa bóp tẩm quất, sản xuất thủ công và chăn nuôi, trồng trọt là các nghề được hướng đến.

Tính đến cuối năm 2017, các cấp hội vẫn duy trì và hoạt động tốt ở 365 cơ sở sản xuất tập trung do Hội quản lý, thu hút gần bốn nghìn lao động với các ngành nghề đa dạng như: làm tăm, chổi, làm hương, đan lát, xoa bóp bấm huyệt. Ngoài ra, 778 tổ, nhóm sản xuất thủ công và xoa bóp do hội viên tự đứng ra sản xuất, thu hút gần 3.000 lao động. Trong 10 năm, doanh thu của các cơ sở và tổ, nhóm đạt gần 900 tỷ đồng, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều tỉnh hội, thành hội đã duy trì các cơ sở tập trung tốt, doanh thu hằng năm cao và mức lương ổn định như: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Bình Dương, Bình Thuận…, góp phần nâng cao mức sống của các hội viên, giảm tỷ lệ nghèo mỗi năm từ 1% đến 1,5%.

Chị Nguyễn Thị Phụng (SN 1987), hội viên Hội người mù quận Liên Chiểu (TP Ðà Nẵng) có cuộc sống bình thường, cho đến khi chị sinh cháu thứ hai thì phát hiện mình mắc bệnh u não. Di chứng sau lần phẫu thuật là chị bị mù cả hai mắt, chồng chị cũng bỏ đi. Năm 2015, Hội người mù quận đã giới thiệu và hỗ trợ kinh phí để chị đi học nghề mát-xa. Học xong, chị được làm việc ngay tại cơ sở mát-xa thuộc Hội người mù của quận, với thu nhập gần bốn triệu đồng/tháng. Vừa qua, các đơn vị đã hỗ trợ chị 50 triệu đồng để xây mái ấm tình thương, giúp chị Phụng cùng hai con được sống trong ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng. Chị Phụng tâm sự: “Tham gia sinh hoạt tại Hội, được gặp gỡ, giao lưu, làm việc chung với những người có cùng cảnh ngộ, tôi đã không còn mặc cảm, tự ti với khuyết tật của bản thân và sống cởi mở hơn. Với sự giúp đỡ của Hội cùng các đơn vị khác, cuộc sống của gia đình tôi đã cải thiện đáng kể, bản thân không còn phải sống phụ thuộc mà có thể tự lo cho hai con ăn học”.

Thực tế, các hội viên người mù phần lớn sống ở nông thôn, ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ… nhưng còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm tay nghề và vốn làm ăn. Vì vậy, Thành hội triển khai nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, là giải pháp quan trọng để các hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình.

Anh Phan Thanh Sơn ở thôn Tam Ða, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị viêm giác mạc từ nhỏ, đến lớp 10 anh phải nghỉ học vì bệnh nặng và điều kiện gia đình khó khăn. Anh đi làm thuê để tiết kiệm tiền xây dựng chuồng trại tại nhà chăn nuôi lợn thịt, gà thịt và cây tiêu. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, cho nên đàn gia súc, gia cầm của anh không đạt chất lượng như mong muốn. Sau đó, anh tham gia vào Hội người mù huyện Quảng Trạch, được đi học chữ nổi, tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, được hỗ trợ kinh phí để phát triển kinh tế. Từ những gì đã học được, anh cơi nới thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh nuôi thêm cá, nhím thịt, các loại cây ăn quả… Ðến nay, bình quân mỗi năm, anh thu về từ 400 đến 450 triệu đồng, tạo việc làm cho bảy lao động cũng là người khuyết tật trong thôn. Anh Thanh Sơn chia sẻ: “Bây giờ, tôi không chỉ vượt qua mặc cảm bản thân, mà còn có thể làm giàu bằng chính sức lực của mình. Tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ những trường hợp khó khăn khác, chia sẻ kinh nghiệm để mọi người có thể vượt qua nghịch cảnh, chăm lo tốt cho bản thân và gia đình”.

Quỹ quốc gia về việc làm đang được Hội người mù Việt Nam quản lý hơn 51,6 tỷ đồng vốn vay. Qua đó, đã giúp 37.100 lượt hộ vay trên khắp 51 tỉnh, thành phố, tạo việc làm cho hơn 13 nghìn lao động. Trong 10 năm, các cấp hội đã mở 909 lớp dạy nghề, tổng kinh phí hơn 42,7 tỷ đồng, với các nghề: xoa bóp bấm huyệt, vi tính văn phòng, chăn nuôi, làm hương, làm hoa kết cườm…

Chủ tịch Trung ương Hội người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho biết: “Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn hội đã giảm còn 22,3%, chúng tôi sẽ cố gắng để mỗi năm giảm bền vững từ 1 đến 1,5%. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, Hội người mù các cấp sẽ chú trọng hơn về hoạt động an sinh xã hội để giúp người mù giảm bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội”.

Bài và ảnh: BÙI THỊ THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37913402-giup-nguoi-mu-vuon-len-on-dinh-cuoc-song.html