Giúp người khuyết tật tiếp cận dễ dàng hơn với cộng đồng

Người khuyết tật (NKT) hoàn toàn có đủ khả năng hòa nhập cuộc sống bình thường, quan trọng là xã hội giúp họ tiếp cận những dịch vụ công cộng cơ bản nhất, đó không chỉ là yêu cầu mà còn là phương thức để đưa NKT hòa nhập nhanh hơn với xã hội.

Một trong các yếu tố cơ bản của quy hoạch đô thị bền vững là tổ chức địa điểm cho các cuộc gặp gỡ và tăng cường liên kết cộng đồng và không gian đó gọi là không gian công cộng, hoạt động trong các không gian công cộng tạo ra cuộc sống TP. Chính vì thế, việc người dân được tham gia vào các hoạt động xã hội thông qua các không gian công cộng đã trở nên nhu cầu cũng như thói quen của rất nhiều người trong đó có NKT, tuy nhiên trong trong thực tế, hầu như các không gian công cộng tại các đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT.

TP Hà Nội đã có nhiều dự án xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp chỉnh trang đồng bộ hè phố, kè vỉa hè, cải tạo công viên, vườn hoa, vườn thú, quảng trường và các không gian công cộng phục vụ cho các hoạt động giao tiếp xã hội khác. Tuy nhiên, nhiều khu vui chơi giải trí, khu văn hóa thể thao, các khu biểu diễn, thăm quan du lịch, công trình văn hóa tín ngưỡng nơi người dân thường xuyên tới cũng chưa tính đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT. Các đường phố đều không tính đến làm đường dốc, hoặc lát các tấm cảnh báo, tấm lát dẫn hướng tại các nút giao thông, lối vào công trình nên gây khó khăn cho NKT, người già, người đi lại khó khăn, người khiếm thị.

Tại khu vực trung tâm Hà Nội, các không gian công cộng như các khu vui chơi ngoài trời, sân vận động, quảng trường, khu tượng đài các công viên là khu vực NKT có nhu cầu tiếp cận nhiều nhất thì chưa được quan tâm, chưa được chú trọng thiết kế đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng, NKT vẫn còn có khoảng cách quá lớn để có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Tại các vỉa hè, vườn hoa, đường đi dạo… đều không đáp ứng quy định theo Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Thiếu hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trợ giúp NKT, trong khi chúng ta đã có các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, đề án trợ giúp người tàn tật nhưng trong quá trình thực hiện do còn tùy thuộc quá nhiều vào sự nhận thức và mức độ quan tâm của các ngành, các cấp chính quyền, chủ đầu tư nên hiệu quả còn rất thấp.

Đặc biệt các công trình hạ tầng giao thông đô thị bao gồm đường đi bộ, bến xe, bãi đỗ xe, điểm chờ xe buýt hầu như chưa tính đến yêu cầu này làm cho cơ hội của NKT được hòa nhập cộng đồng một cách đầy đủ và bình đẳng trở nên khó khăn hơn.

Người khuyết tật có quyền tiếp cận với các công trình, các dịch vụ công cộng như nhà chung cư, cơ quan hành chính, BV, trường học… Ảnh tư liệu

Người khuyết tật có quyền tiếp cận với các công trình, các dịch vụ công cộng như nhà chung cư, cơ quan hành chính, BV, trường học… Ảnh tư liệu

Mặc dù còn những điểm hạn chế, nhưng bước đầu từ những ghi nhận thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng và phương tiện công cộng dành riêng cho NKT tại một số TP, đặc biệt là Hà Nội đã có sự thay đổi để giúp NKT có thể tiếp cận được nhanh hơn với cộng đồng.

Theo các chuyên gia, để NKT có thể thực sự tham gia vào các hoạt động xã hội, có thể tiếp cận được các không gian công cộng, thì chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến các giải pháp thiết kế như: Có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trong đô thị. Các lối lên xuống có thay đổi độ cao phải thiết kế đường dốc theo tiêu chuẩn. Các lối đi bộ, đường dạo trong công viên, vườn hoa phải bằng phẳng, không có vật cản, có chiều rộng đảm bảo đủ rộng để xe lăn đi lại được; có gờ chắn an toàn khi độ chênh cốt cao độ trên 300mm, có lát các tấm lát dẫn hướng, tấm lát cảnh báo cho người khiếm thị. Bãi để ôtô, xe máy phải bố trí chỗ để xe dành riêng cho NKT tại các vị trí thuận tiện nhất. Tiện nghi công cộng trên đường phố phải đảm bảo an toàn cho NKT tiếp cận và sử dụng như các trạm điện thoại có độ cao phù hợp, các ghế chờ trong các điểm đỗ, dừng xe buýt…

Để NKT có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, được hưởng thụ các không gian công cộng, hơn ai hết, các kiến trúc sư, các nhà hoạch định đô thị phải có ngay các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và thiện chí của các chủ đầu tư và các nhà quản lý, có cơ chế thưởng phạt đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động xây dựng tạo môi trường tiếp cận cho NKT.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giup-nguoi-khuyet-tat-tiep-can-de-dang-hon-voi-cong-dong-117700.html