Giúp người, giúp mình

Thủ tướng Đức A.Merkel vừa có chuyến công du tới các nước Tây Phi nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong khu vực về vấn đề chống khủng bố và phát triển kinh tế. Với cam kết cung cấp khoản viện trợ mới trị giá 60 triệu ơ-rô cho năm quốc gia Tây Phi, Đức muốn mở rộng hợp tác và giúp khu vực này tăng cường năng lực chống khủng bố, trong bối cảnh nhiều cường quốc cũng đang dành sự quan tâm nhiều hơn nhằm ngăn chặn 'điểm nóng' xung đột mới bùng phát ở Tây Phi.

Tại chặng dừng chân đầu tiên Burkina Faso, Thủ tướng Đức A.Merkel đã tuyên bố sẽ viện trợ 20 triệu ơ-rô cho quốc gia này và 35 triệu ơ-rô cho nước láng giềng Niger nhằm phục vụ các dự án hỗ trợ phát triển, trang bị và huấn luyện cho lực lượng cảnh sát. Trong chuyến thăm tới khu vực Tây Phi lần này, Thủ tướng Đức A.Merkel đã tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo Nhóm G5 Sahel (gồm Burkina Faso, Niger, Chad, Mali và Mauritania) để bàn thảo phương hướng hợp tác chống lực lượng Hồi giáo cực đoan ở vùng rìa phía nam sa mạc Sahara. Tình hình an ninh tại năm quốc gia này đang diễn biến phức tạp khi các nhóm cực đoan lợi dụng bất ổn ở khu vực để gia tăng hoạt động tội phạm, bạo lực, khủng bố. Theo bà Merkel, châu Âu cần chia sẻ trách nhiệm với Nhóm G5 Sahel trong việc giải quyết mối đe dọa này. Bởi, nếu bất ổn tại đây kéo dài triền miên, các khu vực khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, trong đó không loại trừ tác động tiêu cực của bạo lực khủng bố đối với an ninh và lợi ích của các nước châu Âu. Bên cạnh cuộc gặp lãnh đạo các nước, Thủ tướng A.Merkel cũng tới thăm binh sĩ Đức tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali, thảo luận với đại diện các tổ chức xã hội và gặp gỡ sinh viên, nhằm chuyển tải thông điệp hỗ trợ của Chính phủ Đức tới các nước trong khu vực.

Các nhóm cực đoan đã bắt đầu chiến dịch tiến công khủng bố ở các nước khu vực Sahel từ năm 2015, khiến ít nhất 350 người chết, khoảng 4,3 triệu người mất nhà ở. Burkina Faso phải hứng chịu các vụ tiến công đẫm máu ngày một gia tăng do các nhóm cực đoan tiến hành, trong đó có nhóm Ansarul Islam, tổ chức ủng hộ Hồi giáo (GSIM), tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở sa mạc Sahara. Các vụ tiến công khủng bố cũng thường xảy ra tại miền bắc Mali. CH Sát cũng đang nỗ lực ứng phó tình trạng bất ổn tại các khu vực biên giới.

Trước những mối đe dọa an ninh xuất phát từ Sahel, các nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ cho Nhóm G5 Sahel trong việc bảo đảm an ninh khu vực. Pháp đã triển khai khoảng 4.500 binh sĩ ở Mali, Burkina Faso, Niger và Sát, trong sứ mệnh giúp lực lượng khu vực truy quét các nhóm cực đoan. Tại hội nghị các nhà tài trợ diễn ra ở thủ đô của Mauritania cuối năm ngoái, các nước phương Tây đã cam kết tài trợ 2,4 tỷ ơ-rô nhằm giúp ngăn chặn khủng bố và tình trạng vô luật pháp dọc vành đai nam sa mạc Sahara. Trong bối cảnh các nước Liên hiệp châu Âu (EU) tiếp tục chính sách tăng cường đầu tư và hỗ trợ khu vực Sahel, Đức cũng muốn thông qua các dự án viện trợ phát triển để giúp cải thiện đời sống, đồng thời tăng cường năng lực chống khủng bố cho người dân ở khu vực này. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2017-2020, Đức sẽ hỗ trợ Sahel tổng cộng 1,7 tỷ ơ-rô thông qua hợp tác phát triển, ổn định và khôi phục đất nước sau xung đột, huấn luyện lực lượng vũ trang. Trong chiến lược thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực giàu tiềm năng này, Chính phủ Đức cũng đã ban hành “Hướng dẫn chính sách của chính phủ liên bang đối với châu Phi”, trong đó đưa ra các biện pháp nhằm nắm bắt cơ hội, phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng, giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình tại "lục địa đen".

Khẳng định sự phát triển của châu Phi tác động trực tiếp đến Đức và EU, chiến lược của Đức cũng như các nước khác ở “lục địa già” đều tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng bền vững, coi đây là biện pháp “chữa từ gốc” nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực cực đoan gia tăng tại châu Phi. Việc các nước phương Tây tăng cường viện trợ cho năm quốc gia khu vực Sahel cũng không nằm ngoài chiến lược đó. Trước thực tế khu vực này đang trở thành một “điểm nóng” trên bản đồ châu Phi, việc các nước phương Tây giúp người cũng là giúp mình, bởi lợi ích của các nước châu Âu vốn gắn liền với an ninh ở “lục địa đen”.

THÁI THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40066502-giup-nguoi-giup-minh.html