Giúp ngư dân bám biển, vươn khơi

Trong những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn; là điểm tựa cho ngư dân bám biển, vươn khơi.

Địa bàn do Hải đội 2 (BĐBP tỉnh Nghệ An) phụ trách có nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ. Từ thực tiễn công tác, qua nhiều năm đúc rút kinh nghiệm, Hải đội 2 đã có những phương pháp, cách làm hay giúp bà con ngư dân bám biển, vươn khơi, như mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn". Mô hình giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi lao động, làm ăn trên biển. Anh Đào Xuân Thắng (trú tại xóm 4, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu), chủ một tàu đánh bắt xa bờ cho biết: “Chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 vận động tham gia “Tổ tàu thuyền an toàn”. Đây là một việc làm có ý nghĩa, giúp chúng tôi được an tâm mỗi khi ra biển. Mỗi tổ được bố trí 4-5 thuyền, có một kênh thông tin liên lạc, hỗ trợ nhau khi cần. Tôi thấy, từ khi tham gia “Tổ tàu thuyền an toàn”, nhờ có sự chia sẻ thông tin giữa các tàu nên mở rộng được ngư trường đánh bắt. Khi tàu xảy ra sự cố, có thể hỗ trợ nhau sửa chữa, lai dắt”. Anh Lê Văn Việt, một ngư dân đi biển có thâm niên ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, khẳng định: "Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 không chỉ thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, tôi đều được cán bộ, chiến sĩ tới thăm, động viên và cung cấp những thông tin liên quan đến ngư trường mà tàu của mình sắp tới, đồng thời, hướng dẫn ngư dân cách kết nối thông tin liên lạc, cách xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm. Chính điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho chúng tôi trước mỗi chuyến ra khơi".

 Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Nghệ An tiếp cận tàu cá và thuyền viên gặp nạn. Ảnh: Hải Thượng

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Nghệ An tiếp cận tàu cá và thuyền viên gặp nạn. Ảnh: Hải Thượng

Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận hiện quản lý địa bàn 9 xã biên giới biển, với 996 phương tiện tàu thuyền có công suất trên 90CV. Những năm gần đây, để hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, BĐBP tỉnh Nghệ An, các lực lượng liên quan và chính quyền từng địa phương ven biển đã có nhiều chương trình hỗ trợ để ngư dân yên tâm ra khơi. Ngoài việc vận động ngư dân đoàn kết, tương trợ nhau trong quá trình khai thác thủy sản hiệu quả, khi tàu thuyền gặp sự cố, qua máy bộ đàm, bà con trong các tổ đã hỗ trợ, thông báo và giúp nhau ứng cứu kịp thời. Cùng với tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận còn trực tiếp đến từng tàu, gặp gỡ các chủ phương tiện để hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký đánh bắt hải sản, tọa độ đánh bắt và ngư trường… Các phương tiện khi xuất cảng đều phải đầy đủ thủ tục, nếu không sẽ bị từ chối ra biển. Trung tá Trần Văn Nhàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết: “Đơn vị cử lực lượng phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An, cấp ủy, chính quyền các địa phương xuống tận tàu thuyền để tuyên truyền cho ngư dân nắm rõ các quy định; đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành của bà con, nhất là các ngư cụ, phương tiện đánh bắt của các tàu thuyền ra vào cửa lạch".

Các đơn vị biên phòng tuyến biển đã chủ động nắm bắt tình hình trên biển, kịp thời tham mưu và huy động lực lượng, phương tiện cứu giúp nhân dân khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. Các biên đội tàu triển khai đồng bộ những biện pháp công tác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ các phương tiện và ngành thủy sản để thống kê danh sách lực lượng, phương tiện, tần số máy thông tin vô tuyến điện, số điện thoại của gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và khu vực hoạt động của tất cả phương tiện nghề cá; tập trung số tàu cá hoạt động xa bờ, thường xuyên cập nhật, bổ sung báo cáo những thay đổi đối với loại tàu cá, hướng dẫn thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển của BĐBP... Trong năm 2019, BĐBP tỉnh Nghệ An đã kêu gọi 2.600 phương tiện hoạt động trên biển kịp thời tìm nơi tránh trú bão, trực tiếp lai dắt thành công 12 phương tiện với 121 ngư dân gặp nạn được đưa vào bờ an toàn, cứu sống 94 người dân tai nạn rủi ro trên biển, xua đuổi 2 đợt/18 lượt tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Nghệ An.

Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong những năm qua, BĐBP tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên tuyến biên giới biển xác định giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân bám biển, bám thuyền là nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, tiến hành hiệu quả cao công tác tuyên truyền, vận động bà con, nhất là các ngư dân đánh bắt xa bờ nâng cao hiểu biết về pháp luật nói chung, Luật Biển Việt Nam, các quy định đánh bắt hải sản nói riêng. Các đơn vị quản lý chặt chẽ việc chấp hành ra vào, các quy định trước khi rời bến, cập bến và viết bản cam kết, hải đồ, định vị, xác định vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài để bảo đảm quản lý việc đánh bắt. Do vậy, những năm qua, ngư dân tỉnh Nghệ An không có trường hợp nào vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài”.

Giúp ngư dân bám biển, vươn khơi để mỗi tàu, thuyền là “một cột mốc trên biển”, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển bền vững. Trong mỗi chuyến hải trình của ngư dân luôn có sự đồng hành của BĐBP tuyến biển Nghệ An.

HẢI THƯỢNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giup-ngu-dan-bam-bien-vuon-khoi-611572