Giúp học sinh dễ tiếp cận lịch sử

Ngày 29 và 30-9 vừa qua, khi ghé thăm triển lãm tranh về đề tài lịch sử '10 trận chiến nổi tiếng thế giới' tại Trung tâm Triển lãm Hà Nội (93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm), nhiều người đã rất ngạc nhiên trước những bức tranh sinh động, công phu trưng bày tại đây được thực hiện bởi một học sinh mới 13 tuổi! Đó là em Đào Duy Khang, học sinh lớp 8 tại Hà Nội.

Không coi môn lịch sử là một môn học “đáng sợ” như nhiều học sinh cùng trang lứa, Khang đã sớm say mê, tìm hiểu về các trận chiến quan trọng trong quá khứ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhân loại. Em đã mày mò tìm kiếm tư liệu tại các thư viện, trên in-tơ-nét... Chính từ đây, những bí ẩn của lịch sử dần hé lộ, trở nên hấp dẫn và tạo nhiều hứng thú. Trong trí tưởng tượng của Khang, lịch sử hiển hiện sống động và được tái hiện một cách ấn tượng bằng những bức vẽ giàu tính nghệ thuật đồng thời chứa đựng những dữ kiện lịch sử quan trọng. Bởi vậy, thưởng thức các bức tranh được tác giả trăn trở thực hiện trong suốt một năm với nhiều tâm huyết và sự hỗ trợ của các họa sĩ chuyên nghiệp, giúp công chúng có cơ hội hiểu hơn về những tiến trình giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại.

Tình yêu với lịch sử của một học sinh lớp 8 khiến chúng ta không khỏi liên hệ đến việc dạy và học lịch sử tại các trường phổ thông hiện nay. Việc phải nhớ máy móc diễn biến các trận chiến, phải thuộc lòng những số liệu khô khan, phải ghi nhớ bài học kinh nghiệm từ những chiến dịch... đã gây áp lực căng thẳng với nhiều học sinh. Thậm chí tại một số nơi, việc dạy học bộ môn này vẫn theo cách đọc chép dẫn đến học sinh tiếp nhận một cách thụ động. Chưa kể giáo viên chỉ giới hạn nội dung truyền đạt trong phạm vi sách giáo khoa, chưa mở rộng kiến thức lịch sử để khơi gợi học sinh tìm hiểu, làm cho việc học dần trở nên hình thức, không mang ý nghĩa thiết thực. Nếu coi lịch sử là một câu chuyện dài, ly kỳ, hấp dẫn thì với cách giảng dạy thiếu sáng tạo hiện nay, lịch sử bỗng biến thành các nội dung “gạch đầu dòng” cứng nhắc. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến cho học sinh trở nên thờ ơ, thậm chí chán ghét môn Lịch sử. Điểm Lịch sử tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia các năm gần đây quá thấp, không chỉ là “nỗi đau của ngành giáo dục” mà còn thật sự là hồi chuông báo động cho cả xã hội. Đã đến lúc nhà trường cần giúp các em tiếp cận lịch sử bằng những cách thức mới mẻ, khơi gợi tính sáng tạo: lịch sử có thể tái hiện bằng tranh, bằng các câu chuyện kể, bằng những bức đồ họa, bằng các bài hát,... Đồng thời, giáo viên cần không ngừng khuyến khích, động viên các em tự mình khám phá, tìm hiểu lịch sử , tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử,... để từ đây giúp môn học gần gũi, thiết thực và giúp các em hào hứng hơn.

Với đặc thù là giúp tìm hiểu về quá khứ của nhân loại và dân tộc, lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng với mỗi cá nhân, cộng đồng cũng như từng quốc gia. Mong rằng trong thời gian tới, việc dạy và học môn Lịch sử tại các trường phổ thông sẽ có sự cải tiến mạnh mẽ, bởi từ những bài học đầu đời này sẽ giúp các chủ nhân tương lai của đất nước có thêm sự hiểu biết cũng như tình yêu và niềm tự hào đối với lịch sử dân tộc.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37792502-giup-hoc-sinh-de-tiep-can-lich-su.html