Giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững

Định Quán là một trong 2 huyện còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Để nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, năm 2017 Huyện ủy Định Quán đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05 về công tác giảm nghèo.

Ông Đào Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Gia Canh (huyện Định Quán) thăm mô hình nuôi dê của gia đình bà Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: P.Hằng

Ông Đào Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Gia Canh (huyện Định Quán) thăm mô hình nuôi dê của gia đình bà Nguyễn Thị Lệ. Ảnh: P.Hằng

Qua đó giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, góp phần vào phát triển kinh tế chung của huyện.

* Cho “cần câu” thay “con cá”

Trước đây, cả 6 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (xã Gia Canh) phải sống trong căn nhà dột nát, hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định… Xét thấy hoàn cảnh gia đình bà Lệ quá khó khăn, năm 2017 Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Gia Canh đã đề xuất với huyện cho gia đình bà Lệ vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.

Với sự quan tâm giúp đỡ người nghèo, công tác giảm nghèo của huyện Định Quán đã có những kết quả tích cực. Nếu như năm 2014, toàn huyện có 3.699 hộ nghèo và cận nghèo thì đến năm 2018 còn 1.033 hộ nghèo và 957 hộ cận nghèo.

Sau khi được vay vốn, gia đình bà Lệ đã mua bò sinh sản về nuôi. Một năm sau bò mẹ đẻ được 1 con bê. Tuy nhiên do hạn chế về nguồn cỏ cho bò ăn, gia đình bà đã bán hết bò mẹ và bê con. Số tiền bán bò, gia đình bà trả một phần vốn vay cho huyện, một phần chuyển sang nuôi dê. Từ năm 2018 chuyển sang nuôi dê, đến nay gia đình bà đã bán được 2 lứa với gần chục con dê, thu về hàng chục triệu đồng/năm. Nhờ đó gia đình bà Lệ có tiền mua thêm 8 sào ruộng, nuôi con ăn học và chữa bệnh.

Ông Đào Ngọc Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Gia Canh cho biết, với sự giúp đỡ của huyện, cộng với sự cần cù chịu khó của gia đình, đến nay gia đình bà Lệ đã thoát nghèo, là điển hình vượt khó của xã.

Theo Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán Nguyễn Chánh Tám, thực hiện Nghị quyết chuyên đề 05 của Huyện ủy Định Quán, không chỉ có gia đình bà Lệ được vay vốn mà đến nay huyện đã trao vốn cho gần 300 hộ nghèo, với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng (trung bình mỗi hộ được vay từ 10-20 triệu đồng) để phát triển kinh tế gia đình.

Tùy mục đích sử dụng vốn vay của mỗi gia đình mà có hộ mua bò, dê, nuôi cá bè, mua lưới, sửa ghe đánh bắt cá, đầu tư nông nghiệp, bán tạp hóa, mua xe máy để chạy dịch vụ… Nhìn chung các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Theo đó trong số gần 300 hộ được vay vốn, đã có gần 270 hộ sử dụng vốn vay đạt hiệu quả kinh tế cao, đời sống gia đình từng bước được cải thiện; nhiều hộ đã có thu nhập ổn định 200-400 ngàn đồng/ngày.

* Phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo

Công tác giảm nghèo ở huyện Định Quán thời gian qua đã có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Huyện ủy qua việc ban hành Nghị quyết chuyên đề 05 về công tác giảm nghèo. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn thành lập Ban quản lý dự án giảm nghèo ở cấp xã do bí thư hoặc phó bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban và triển khai kế hoạch phân công từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách địa bàn trong quá trình thực hiện các mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Trước khi có Nghị quyết chuyên đề 05 của Huyện ủy Định Quán về công tác giảm nghèo, Ban vận động Quỹ Vì người nghèo của huyện đã có mô hình hỗ trợ vốn cho hộ nghèo để sản xuất, kinh doanh với hình thức cho mượn vốn không tính lãi để giúp người nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện từng gia đình.

Cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách giúp đỡ hộ nghèo đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm mỗi ngày làm một việc tốt cho dân; tâm huyết, nhiệt tình hết lòng động viên giúp đỡ, hướng dẫn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, vừa qua Huyện ủy Định Quán còn có chủ trương phân công cán bộ, đảng viên phụ trách theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, có 78 đồng chí là ủy viên thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, trưởng, phó các phòng, ban của huyện và 311 cán bộ, đảng viên cấp xã được phân công phụ trách theo dõi, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo.

“Đây là việc làm giúp cán bộ, đảng viên trong toàn huyện tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ra sức học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Từ đó các cấp, các ngành cũng dễ dàng hơn trong việc đánh giá hiệu quả của việc làm theo và thể hiện nêu gương như trong Kết luận 34 của Tỉnh ủy về đề án Nâng cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong Đảng bộ tỉnh” - Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán Nguyễn Chánh Tám nhận xét.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/giup-ho-ngheo-thoat-ngheo-ben-vung-2977534/